Báo Công An Đà Nẵng

Thừa kế - những điều trông thấy...

Thứ hai, 11/12/2017 19:00

Thực tế cuộc sống hiện nay cho thấy một nghịch lý đáng buồn đó là khi giá trị vật chất “lên ngôi” thì giá trị tinh thần mà đặc biệt là tình thân máu mủ lại đứng trước ngưỡng cửa của sự tụt dốc. Trong bức tranh buồn đó, điều đọng lại là những dư vị mặn đắng... 

“Cuộc chiến” chia tài sản thừa kế luôn đọng lại những dư vị mặn đắng...

Mặn đắng tình thân

Thành phố Đà Nẵng cũng như các tỉnh thành khác trong cả nước nằm trong guồng quay của sự phát triển, quy hoạch đô thị, thu hút đầu tư về cơ sở hạ tầng và cả sự hội tụ con người từ những nơi khác đến, chính điều này đã làm nên một diện mạo mới cho thành phố. Vốn đất ruộng, đất màu “rẻ như bèo” bỗng chốc trở thành “tấc đất tấc vàng”, đó là tín hiệu vui nhưng cũng chính nó là tác nhân gây nên sự tan vỡ không biết bao nhiêu gia đình. Trong những vụ án chia tài sản nói chung và chia tài sản thừa kế nói riêng mà TAND TP Đà Nẵng đưa ra xét xử trong năm qua đều để lại nhiều sự hối tiếc, đau đớn cho những người trong cuộc. Trong những vụ án ấy, nguyên đơn, bị đơn đều là ruột thịt của nhau vì thế dù kết quả thế nào, thắng hay thua thì cái mất lớn nhất đó chính là tình máu mủ ruột rà đã không còn hiện hữu. 

TAND TP Đà Nẵng kết thúc phiên tòa xét xử “Tranh chấp chia tài sản thừa kế” giữa nguyên đơn là bà Nguyễn Thị Thúy V., ông Nguyễn Hữu T. và bị đơn là bà Nguyễn Thị H. (xã Hòa Phong, Hòa Vang, Đà Nẵng) kết thúc lúc quá ngọ. Bà H. bước ra khỏi sân tòa với dáng vẻ thất thểu, đôi mắt đục nước nhìn về phía người em chừng như muốn nói. Bên kia, người em đánh ánh mắt sắc lẻm về phía chị mình, miệng thốt ra những lời chua chát “ngon thì kiện đi, gần chết đến nơi rồi, ôm làm gì lắm vào”. Nghe những lời người em nói, người chị ngồi bệt xuống ngay bậc thềm, nước mắt giàn giụa. Cha mẹ bà qua đời để lại một ngôi nhà cấp 4 có diện tích đất hơn 200m2 nhưng không để lại di chúc thừa kế. Bà H. không lập gia đình mà sống với cha mẹ cho đến khi cha mẹ bà qua đời. Trước đó, vì thương con gái lớn trong nhà đã hy sinh tuổi thanh xuân, phụ cha mẹ buôn gánh bán bưng để hai em của mình kiếm tìm con chữ nên bà có cất cho bà H. căn nhà nhỏ ngay trên khuôn viên đất nhà. Sau khi cha mẹ mất, mảnh đất vườn của ông bà nay được mở đường lớn, giá trị đất cứ thế mà nhảy vọt không ngừng. Thấy bà chị lớn không đâu “trúng đậm” nên hai người em quay ra một hai đòi chia tài sản thừa kế.

Thực tế cho thấy, phần lớn các ông bà ta thời xưa, đất đai rộng, con cái thì năm bảy người nên khi yên bề gia thất thường hay cho đất theo kiểu “chỉ tay”. Người có thì cất nhà ngói, người khó thì mái tranh và cứ vậy sinh sống. Khi cha mẹ qua đời chẳng để lại di chúc mà chỉ có trăn trối anh em phải đùm bọc yêu thương lẫn nhau. Và, sự thật chính vì không có di chúc để lại (cho không có giấy tờ chứng minh) nên khi “thế sự đổi thay” đã kéo theo nhiều hệ lụy buồn. Anh em không nhìn mặt nhau, thậm chí đến ngày giỗ cha mẹ mạnh nhà ai người ấy làm.

“Khi cha mẹ qua đời không để lại di chúc mà các đồng thừa kế không thỏa thuận được khi khởi kiện ra Tòa án thì tòa sẽ chia tài sản thừa kế theo pháp luật. Trong trường hợp này, tài sản sẽ được chia đều cho các đồng thừa kế, không phân biệt con trai hay gái, trưởng hay thứ, quá trình giải quyết sẽ xem xét đối với người đã có công giữ gìn, tôn tạo di sản thừa kế để khấu trừ một khoản chi phí phù hợp. Tuy nhiên, đối với những trường hợp chia tài sản thừa kế đã khởi kiện ra tòa thì tình cảm anh, chị, em đã không còn như xưa. Trong trường hợp bà H. hay ông K. trong những vụ án mà TA đã xét xử đều được tòa tuyên chia đều di sản thừa kế cho những người thuộc hàng đồng thừa kế. Vậy nhưng, đằng sau mỗi phiên tòa, mỗi vụ việc ấy những người trong cuộc đều chua chát nhận ra, đồng tiền đã làm lu mờ đi tất cả nên thứ nhận được chẳng có gì ngoài sự đau thương, thù hận, tương tàn... trong khi  thứ đáng quý hơn, đáng trân trọng hơn cần phải giữ thì đã không còn...”, LS Trần Cao Ngãi (VPLS Trần Cao- Đoàn LSTP Đà Nẵng) cho hay.

Trăm cái lý, một tí cái tình

Có nhiều vụ án chia tài sản kéo dài năm này qua năm nọ, có nhiều người vì lòng tham mà quyết “đấu” đến cùng nhưng cũng có những người cho rằng một khi tình thương yêu bị phản bội nên chỉ có thể  nói với nhau bằng pháp luật... Công bằng mà nói không phải ai đưa nhau ra tòa cũng chỉ quyết “ăn thua đủ”. Với họ, vì “đằng kia” sống không biết trước-sau, phải-trái nên họ tìm đến pháp luật như một “cứu cánh” để thức tỉnh đối phương.

Theo pháp luật quy định tại Điều 650 BLDS năm 2015 quy định khi cha mẹ không để lại di chúc thì di sản của cha mẹ được chia theo pháp luật. Trong trường hợp nhà có hai anh em ruột (cha mẹ không có con riêng, con nuôi) thì hai người con  sẽ thuộc hàng thừa kế thứ nhất theo quy định tại điểm a, khoản 1, Điều 651 BLDS 2015. Một thẩm phán nhiều năm công tác tại TAND TP Đà Nẵng chia sẻ với PV Báo Công an TP Đà Nẵng những trăn trở của người “cầm cân nảy mực” khi giải quyết những vụ án tranh chấp về tài sản thừa kế: Có nhiều vụ án khiến người thẩm phán “đau đầu”, bởi trong vụ án chẳng ai khác họ đều là anh chị em cùng một cha mẹ sinh ra. Với mong muốn, anh em trong gia đình họ có được tiếng nói chung, thẩm phán đã cố gắng hòa giải để họ hàn gắn được tình cảm vốn đã sứt mẻ khi kéo nhau ra tòa. Có nhiều vụ án, ngay từ đầu họ hạ quyết tâm “chiến đấu” đến cùng không ai chịu nhường ai tuy nhiên khi được thẩm phán phân tích, động viên họ đã thay đổi và mỗi người chịu nhịn nhau một ít và đi đến cái kết có lý có tình.

Theo đó, vị thẩm phán này chia sẻ với PV vụ án “Chia tài sản thừa kế” khiến nhiều người phải suy ngẫm đó là vụ ông Trần Hoàng L. (P.Hòa Minh, Liên Chiểu, TP Đà Nẵng). Ông L. cho rằng mình là con trai trong gia đình đồng thời khi cha mẹ già yếu ốm đau ông bà là người bỏ tiền ra nuôi dưỡng, khi cha mẹ qua đời vợ chồng ông là người thờ cúng nên mặc nhiên được hưởng toàn bộ tài sản cha mẹ để lại cho vợ chồng ông. Biết không thể nói chuyện “tử tế” được với nhau nên người em “bất đắc dĩ” khởi kiện yêu cầu chia tài sản thừa kế.

Vụ việc “gay cấn” là vậy nhưng khi nghe người em trình bày lý do và cách chị giải quyết vấn đề đã khiến nhiều người phải suy ngẫm, đặc biệt là những người trong cuộc. “Anh em đưa nhau ra tòa, cãi qua cãi lại để tranh nhau từng tấc đất quả đáng hổ thẹn. Ngặt nỗi “cây muốn lặng nhưng gió chẳng dừng” nên buộc lòng tôi phải làm điều không muốn đó. Tôi muốn để vợ chồng ông ấy thấy rằng không phải của cải vật chất làm nên tất cả, sống ở đời một trăm cái lý, không bằng một tí cái tình nên phải biết đâu là điểm dừng... Tôi chỉ mong làm sao để cha mẹ nơi chín suối thoát cảnh đau lòng”, người em nói. Theo quy định của pháp luật, dĩ nhiên chị T. được chia 1/2 tài sản cha mẹ để lại, tuy nhiên trước tòa chị T. đã xin tặng phần của mình cho các cháu là con của anh chị. Qua cách xử sự của chị T, chúng ta thấy được rằng trong cuộc sống, tình cảm gia đình đặc biệt đáng trân quý, vật chất có thể tạo dựng theo thời gian, đừng để khi nhận ra sai lầm thì quá muộn.

Theo thống kê trong năm 2016, TATP xử lý 16 vụ án chia tài sản thừa kế.  Thực tế cho thấy, đối với những vụ án chia thừa kế tài sản luôn để lại day dứt,  không chỉ cho những người trong cuộc mà còn cho cả HĐXX. Một khi đã lôi nhau ra tòa, khi bước ra khỏi phòng xử án thì tình nghĩa anh chị em đã không còn nguyên vẹn như xưa, thậm chí hệ lụy đó có thể kéo dài đến đời sau. Vì vậy, theo ý kiến của các Thẩm phán, LS thì cách tốt nhất để hạn chế được những câu chuyện đắng lòng là cha mẹ nên lập di chúc khi còn sống. Quá trình phân chia đó có thể gây bất hòa sóng gió nhưng cũng có thể khiến tình cảm máu mủ càng gắn bó nên cha mẹ cần phải cân nhắc thật kỹ. Tuy nhiên, vấn đề đáng nói hơn cả vẫn là những người được thừa kế, hơn ai hết, họ phải nghĩ đến và đặt tình thâm ruột rà lên hàng đầu. Cái được chỉ là phần vật chất nhưng cái mất đi thì thực sự quá lớn không thể dùng đại lượng nào để cân, đo, đong, đếm được. Đừng để điều đáng tiếc xảy ra bởi khi mọi sự đã trở nên quá muộn thì cái giá phải trả trở nên quá đắt đỏ...

Có thể thấy rằng “cuộc chiến” chia tài sản thừa kế luôn tồn tại, dai dẳng và những điều chúng ta thấy là một mảng buồn tồn tại trong thực tế xã hội hiện nay. Một khi quá đặt nặng giá trị vật chất thì không tránh khỏi việc giá trị tình thân bị “lệch ngôi”, “soán vị”.  Trong vô vàn những câu chuyện đau lòng chỉ vì miếng đất mà làm mất tình thân, vì của cải mà anh em chia lìa, đối mặt... cần lắm những con người thực hiểu được trăm cái lý không bằng tý cái tình để hành xử. Bởi một khi người trong cuộc hiểu được chân lý “người nào không giữ được tình cảm anh chị em lâu bền thì người đó đã tự đánh mất đi chỗ dựa vững chãi nhất”... thì người viết tin rằng không ai muốn đánh đổi bất cứ điều gì...

Trang Trần