Thừa Thiên-Huế: Hơn 630 ca sốt xuất huyết
Tại TP Huế phát hiện trên 240 ổ dịch nhỏ. Từ đầu tháng 11-2023, bệnh SXH có chiều hướng gia tăng do thời tiết thất thường, nắng mưa xen kẽ, thuận lợi cho muỗi sinh sản, phát triển và truyền bệnh, có nguy cơ bùng phát thành dịch lớn ở diện rộng. Trung tâm Y tế TP. Huế đã phun hóa chất chủ động, phun xử lý môi trường bảo vệ cho trên 11.200 hộ gia đình. Cùng với đó, huy động lực lượng tổ chức 3 đợt thau vét bọ gậy ở 36 xã/phường.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh cũng đã tổ chức nhiều đợt giám sát, quản lý, phòng chống SXH, điều tra chỉ số bọ gậy (loăng quăng), đánh giá nguy cơ, bàn giải pháp can thiệp sớm ở các địa bàn trước tình trạng các ca bệnh gia tăng. Qua kiểm tra ngẫu nhiên các hộ dân, chỉ số bọ gậy, chỉ số nhà có muỗi, chỉ số dụng cụ chứa nước có bọ gậy… trong tầm kiểm soát nhưng với kiểu thời tiết như hiện nay, muỗi SXH sẽ phát triển nhanh nếu không chủ động ngăn ngừa từ sớm, từ xa.
Tại các nơi kiểm tra, Đoàn công tác đề nghị các Trạm Y tế, Khoa Kiểm soát bệnh tật của Trung tâm Y tế TP Huế thực hiện đúng quy trình giám sát, theo dõi, xử lý ổ dịch và báo cáo tình hình dịch bệnh được Bộ Y tế ban hành. Lập kế hoạch huy động lực lượng, hỗ trợ vật tư/kinh phí tổ chức thau vét bọ gậy, vệ sinh môi trường, xử lý hóa chất diện rộng khu vực có nguy cơ cao. Tuyên truyền vận động người dân đóng kín cửa đúng, đủ thời gian sau khi được xử lý hóa chất, cọ rửa vật dụng chứa nước sinh hoạt nhằm loại bỏ trứng muỗi…
TTH