Thừa Thiên-Huế nỗ lực khắc phục hậu quả bão số 5
Theo Ban chỉ huy PCLB & TKCN tỉnh TT-Huế, tính đến cuối giờ ngày 20-9, trên địa bàn có thêm 3 trường hợp sau nhiều ngày cấp cứu đã tử vong do bão số 5, nâng số người tử vong lên 4 người. Ngoài ra, có hơn 21.000 nhà dân tốc mái, gần 3.000 héc-ta rừng, hoa màu, cây ăn quả bị gãy đổ do bão.
Ông Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh TT-Huế chỉ đạo khắc phục hậu quả bão số 5. |
Thiệt hại nặng nề
Ngày 20-9, ông Nguyễn Thuận- Trưởng phòng GD&ĐT TP Huế cho biết, ông Nguyễn Đức B. (1972, trú đường Nguyễn Công Trứ, TP Huế)- chuyên viên Phòng Giáo dục và Đào tạo TP Huế sau thời gian cấp cứu tại bệnh viện do bị cành cây gãy đè trúng đã tử vong. Trước đó, sáng 18-9, ông B. đến làm việc ở cơ quan. Khi đang làm việc tại đây, ông B. nghe tin ở nhà gặp sự cố do bão số 5 nên chạy xe máy về nhà. Khi chạy xe về đến đoạn đường Nguyễn Công Trứ, ông B. bị cành cây do bão quật gãy từ trên cao rơi trúng người. Sau khi sự việc xảy ra, nạn nhân được đưa đến bệnh viện cấp cứu. Sau một thời gian cấp cứu tại bệnh viện, mặc dù các bác sĩ đã tận tình cứu chữa, nhưng đến tối 19-9, ông B. đã tử vong do thương tích quá nặng.
Ngoài ra, còn 2 trường hợp khác bị thương nặng do bão số 5 được đưa đến cấp cứu tại bệnh viện cũng đã tử vong. Trong đó, nạn nhân N. V. T. (57 tuổi, trú P. Thủy Phương, TX Hương Thủy), thời điểm xuất hiện bão số 5 đã leo lên gia cố lại mái hiên, nhưng không may đòn tay bị gãy. Ông T. rơi từ trên cao xuống, đầu đập vào bàn đá phía dưới, chấn thương sọ não rất nặng. Sau đó, ông T. đã tử vong. Trường hợp người chết công bố trước đó là ông Lương Văn Tư (47 tuổi, người Nam Định, trú Phong Mỹ, H. Phong Điền, TT-Huế). Ông Tư làm công nhân thi công đường cao tốc Cam lộ - La Sơn, tử vong tại thôn do cây đổ ngã vào lúc 9 giờ 30 ngày 18-9. Ngoài ra, toàn tỉnh TT-Huế có hơn 90 người bị thương do bão số 5.
Cơn bão số 5 đã gây thiệt hại cho TT-Huế ước tính khoảng 505 tỷ đồng. Tỉnh đề nghị Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ban, ngành Trung ương hỗ trợ 150 tỷ đồng để khôi phục hạ tầng dân sinh thiết yếu, nhà ở cho nhân dân và hỗ trợ khẩn cấp 250 tỷ đồng để xử lý 2,77 km kè biển.
Lực lượng công an đang thu dọn cây xanh gãy đổ sau bão số 5 trên đường phố Huế. |
Trồng cây xanh chống chịu được gió bão
Nhằm giúp các địa phương nhanh chóng khắc phục hậu quả do cơn bão số 5 gây ra, trong ngày 20-9, gần 1.000 CBCS của công an, quân đội của TT-Huế tiếp tục được huy động xuống đường thu dọn cây xanh gãy đổ, về cơ sở giúp bà con sửa chữa, khắc phục nhà cửa, thu dọn vệ sinh các trường học, khu dân cư… Theo ghi nhận của P.V; sau hơn 2 ngày bão đi qua nhưng ở nhiều tuyến đường trung tâm TP Huế vẫn còn ngổn ngang rác cây xanh gãy đổ vẫn chưa kịp thu dọn. Bởi, trong đợt bão này, một lượng lớn cây xanh, cây cổ thụ ở Huế bật gốc, gãy cành. Một chuyên gia cũng cho rằng, ngoài nguyên nhân do gió bão mạnh thì rất nhiều cây xanh ở Huế có tán rộng, chưa được cắt, tỉa kịp thời trước mùa mưa bão.
Ngày 20-9, tại buổi kiểm tra khắc phục hệ thống cây xanh bị đổ gãy do ảnh hưởng của cơn bão số 5, ông Phan Ngọc Thọ- Chủ tịch UBND tỉnh TT-Huế yêu cầu lãnh đạo TP Huế, Trung tâm Công viên cây xanh Huế và các đơn vị liên quan cần có đánh giá thấu đáo, nghiên cứu trồng hệ thống cây xanh công cộng theo hướng bền vững, chống chịu được với gió bão. Kiểm tra tại công viên hai bờ sông Hương, nơi có lượng lớn cây xanh bị đổ gãy, ông Phan Ngọc Thọ cho rằng, những thiệt hại về cây xanh trong cơn bão số 5 này có những lý do khách quan và chủ quan, là bài học quý giá để chúng ta đánh giá lại về công tác quản lý và bảo vệ cây xanh trong thời gian qua. Từ đó, có những phương án phù hợp, loại cây phù hợp đối với khí hậu và cảnh quan của Huế để trồng thay thế. Một số loại cây không phù hợp tại một tuyến đường cần sớm được thay thế. “Phải lắng nghe ý kiến từ các chuyên gia, nhà nghiên cứu, ý kiến từ người dân, những người sống lâu năm ở Huế để chọn được những loại cây chống chịu được với gió bão, những loại cây đặc trưng của xứ Huế”- ông Thọ nói.
Chủ tịch UBND tỉnh TT-Huế cho rằng, trước mắt cần khẩn trương kiểm tra, khắc phục hệ thống cây xanh, đối với những cây bật gốc thì kiên quyết loại bỏ, thay thế mới. Đối với cây gãy đổ, có giải pháp cắt tỉa, gia cố để cây phát triển. Trung tâm Công viên cây xanh tập trung kiểm tra khả năng đảm bảo an toàn của cây xanh nhằm phát hiện, xử lý kịp thời các trường hợp cây xanh có nguy cơ gây nguy hiểm. UBND TP Huế và các cơ quan, đơn vị liên quan khẩn trương rà soát, kiểm tra tình trạng sinh trưởng, phát triển của toàn bộ các cây xanh đang được phân cấp quản lý và kể cả cây xanh nằm trong các khu vực công cộng khác của địa phương như: cơ quan, công sở, trường học, bệnh viện…
H.LAN