Báo Công An Đà Nẵng

Thừa Thiên - Huế: Quyết liệt xử lý hàng giả, hàng nhái trên các tuyến giao thông

Thứ ba, 16/08/2022 16:49

PV: Thời gian qua, tình hình vi phạm pháp luật liên quan đến các hoạt động vận chuyển, kinh doanh hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng giả và gian lận thương mại trên các tuyến giao thông tại tỉnh Thừa Thiên – Huế như thế nào?

Ông Phan Hùng Sơn: Trong 6 tháng đầu năm tình hình vi phạm pháp luật trong hoạt động sản xuất kinh doanh có chiều hướng tăng nhẹ. Tuy nhiên, tình hình vi phạm pháp luật liên quan đến các hoạt động vận chuyển, kinh doanh hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng giả và gian lận thương mại trên các tuyến giao thông có chiều hướng diễn biến phức tạp.

Ông Phan Hùng Sơn - Cục trưởng Cục quản lý thị trường tỉnh Thừa Thiên – Huế

Hàng hóa vi phạm chủ yếu tập trung vào những nhóm hàng như thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, thiết bị điện tử, linh kiện điện thoại, máy tính xách tay, giày dép, áo quần, Kit-test COVID- 19, đồ chơi trẻ em… Trong đó, các đối tượng sử dụng thủ đoạn tinh vi và luôn có phương án để đối phó như gia cố thêm các ngăn bí mật chứa hàng hóa trên các phương tiện vận tải; cất giấu lẫn với các loại hàng hóa cồng kềnh khác trên phương tiện vận tải lớn; giấu trong các thùng chứa hàng hóa khác… tổ chức hoạt động vào các giờ, ngày nghỉ, các dịp Lễ, Tết… để tránh sự kiểm tra, kiểm soát. Đồng thời, lợi dụng bưu chính, chuyển phát nhanh để vận chuyển và kinh doanh hàng nhập lậu, hàng giả.

PV: Ông có thể thông tin cụ thể về số liệu và những vụ việc điển hình trong 6 tháng đầu năm?

Ông Phan Hùng Sơn: Trong 6 tháng đầu năm 2022, Cục Quản lý thị trường Thừa Thiên - Huế đã kiểm tra 275 vụ, tổng giá trị thực hiện là hơn 1,5 tỷ đồng, trong đó số tiền xử phạt là 379 triệu đồng, trị giá tang vật đã bán là 370 triệu đồng, trị giá tang vật chờ bán là hơn 370 triệu đồng, trị giá tang vật chờ tiêu hủy là 98 triệu đồng. Giá trị tang vật vi phạm buộc tiêu hủy là 310 triệu đồng (bao gồm hàng hóa vi phạm là 250 gói thuốc lá Jet, hơn 6.000 bộ Kit-Test Covid 19, 30 gói Bim Bim).

Một vụ vận chuyển hàng cấm bằng phương tiện ô tô bị Cục Quản lý thị trường Thừa Thiên Huế phối hợp Cảnh sát giao thông bắt giữ

Một số vụ điển hình như, ngày 16-12-2021, Đội Quản lý thị trường số 3 đã phối hợp với Phòng Cảnh sát giao thông tỉnh Thừa Thiên - Huế tiến hành dừng và khám phương tiện vận tải mang biển kiểm soát 29C-92948 lưu thông từ Bắc vào Nam. Qua khám phương tiện vận tải, Đội quản lý thị trường số 3 đã phát hiện và tạm giữ tang vật vi phạm gồm 58 mặt hàng gồm máy móc, mỹ phẩm..., trị giá: 229.190.000 đồng. Ngày 4-3-2022 Đội Quản lý trị trường số 1 đã phối hợp với Phòng Cảnh sát giao thông tỉnh Thừa Thiên - Huế tiến hành khám xe 74B - 00270. Kết quả khám Đội Quản lý thị trường số đã tạm giữ 5.000 bộ Kit Test COVID- 19 hiệu Lysun do nước ngoài sản xuất; 1.000 bộ Kit test COVID- 19 hiệu Realy do nước ngoài sản xuất để xử lý theo quy định, tổng trị giá 305.000.000 đồng và buộc người vi phạm thực hiện tiêu hủy theo quy định…

Bên cạnh đó, hoạt động kinh doanh không thực hiện việc niêm yết giá hàng hóa hoặc niêm yết giá không đúng quy định; tình trạng kinh doanh qua hệ thống thương mại điện tử, trên nền tảng số, các đối tượng thường lợi dụng mạng xã hội làm diễn đàn buôn bán, sử dụng nhà ở để làm nơi kinh doanh online… với thủ đoạn khi người tiêu dùng có nhu cầu mua mới đưa ra bán, được để lẫn với hàng thật, bày bán với số lượng nhỏ lẻ tại các quầy hàng hoặc sử dụng các đối tượng vận chuyển hàng hóa bằng xe máy, xe tải nhỏ đưa đi tiêu thụ tại các vùng nông thôn, các của hàng tạp hóa, xa trung tâm gây khó khăn cho công tác kiểm tra xử lý.

PV: Trong thời gian tới, Cục Quản lý thị trường Thừa Thiên - Huế có những giải pháp gì để kịp thời phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm về hàng giả hàng lậu góp phần ổn định thị trường, tạo môi trường kinh doanh?

Ông Phan Hùng Sơn: Trước diễn biến tình hình vi phạm, Cục thường xuyên chỉ đạo các Phòng, Đội trực thuộc căn cứ chức năng nhiệm vụ, bám sát tình hình thị trường để kịp thời phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm xảy ra góp phần ổn định thị trường, tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, văn minh.

Tăng cường công tác thông tin, truyền thông, kết hợp công tác kiểm tra, xử lý vi phạm với việc tổ chức các đợt tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân thực hiện ký cam kết không kinh doanh hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, không lợi dụng dịch bệnh để tăng giá, định giá bán bất hợp lý, không găm hàng, đầu cơ...

Đặc biệt, Cục sẽ chỉ đạo các Đội Quản lý thị trường trực thuộc tăng cường công tác quản lý địa bàn, chú trọng khâu sử dụng hoạt động vận tải để lưu chuyển hàng lậu, hàng cấm... Đồng thời, tiếp tục triển khai các biện pháp nghiệp vụ, xây dựng phương án, kế hoạch và thực hiện phối hợp với các cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra, giám sát chặt chẽ các đơn vị kinh doanh xăng dầu theo các loại hình trên địa bàn để kịp thời phát hiện các hành vi găm hàng, tạo khan hiếm nguồn cung xăng dầu, nghỉ bán xăng dầu không có lý do, không thực hiện đúng các quy định về thời gian bán xăng dầu theo quy định.

Hầu Tỷ (thực hiện)