Thuận An - Ngôi làng đẹp, bình yên bên cửa biển
Ông Nguyễn Ngọc Thọ - Bí thư Chi bộ thôn Thuận An, cho biết: Thôn hiện có 497 hộ, 1.604 nhân khẩu được chia thành 9 tổ Đoàn kết. Trên địa bàn thôn hiện có 1 di tích lịch sử quốc gia và 2 di tích cấp tỉnh là thắng cảnh Bàn Than-Hòn Mang- Hòn Dứa, di tích nơi thành lập Chi bộ Đảng Quang Ánh Minh (Chi bộ Đảng đầu tiên của huyện Núi Thành), di tích Nghĩa địa Cá Ông và đang nghiên cứu bổ sung để làm hồ sơ đề nghị công nhận di tích Giếng cổ nơi đây là di tích lịch sử cấp tỉnh. Trong niềm vui, tự hào về quê hương đổi mới, ông Thọ chia sẻ thêm: “Đây là niềm tự hào của Nhân dân thôn Thuận An. Hiện nay, bà con cùng các đoàn thể đang ra sức bảo vệ, gìn giữ, làm đẹp, tổ chức lao động vệ sinh, quét dọn sạch sẽ các nơi di tích và các con đường trong làng”.
Bao nhiêu năm qua, dù có quá nhiều sự thay đổi nhưng thật vui ngôi làng Thuận An hiền hòa bên cửa biển An Hòa vẫn giữ được vẻ đẹp vốn có từ thuở xa xưa, từ cảnh sắc cho đến nét sinh hoạt văn hóa truyền thống của một làng chài ven biển… Được biết, Đoàn Thanh niên địa phương và tuổi trẻ các nơi thường tìm về đây tham quan, tìm hiểu di tích và sinh hoạt văn hóa, hát ca. Ra bãi Bàn Than ta nghe gió lộng từ biển Đông thổi vào thầm thì với những hàng dừa cao ngút. Bãi bờ được chị em phụ nữ thường xuyên nhặt rác sạch sẽ để đón khách về thưởng lãm quê hương…
Tôi đã yêu ngôi làng bên cửa biển này từ cái ngày đầu tiên đặt chân lên đảo, ngỡ ngàng trước vẻ đẹp của khúc cuối dòng Trường Giang trước khi đổ ra biển này. Ngày ấy, tôi cứ men theo sông mà đi, hết sông rồi ra đến cửa biển, rồi vô tình rẽ hướng vào làng.
Ngày ấy, dẫn vào làng là con đường cát trắng tinh, mịn màng, hiếm thấy có xe máy, xe đạp. Vậy mà, chỉ sau thời gian ngắn thực hiện phong trào xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh, các ngõ rẽ dẫn về làng đều đã được bê tông hóa sạch đẹp. Làng ít có những ngôi nhà cao tầng, hầu hết là những ngôi nhà mái ngói khang trang sạch đẹp. Từng ngôi nhà ngăn cách nhau không phải bằng tường xi măng hay những tấm lưới sắt mà bằng những bờ hoa dây hay những hàng rào bằng cành cây xanh đều thẳng tắp. Điểm tô quanh hàng rào là những khóm hoa, cây kiểng càng toát lên vẻ đẹp mộc mạc, bình dị vốn có của một vùng quê Việt Nam. Thỉnh thoảng, vào ngày nắng đẹp, những mẹ, những chị còn đem lưới ra phơi, mỗi khi gió thổi qua hàng lưới lung linh, phất phới tạo thêm vẻ đẹp thanh bình mang hơi thở cuộc sống của làng chài lao động. Ngôi làng nhỏ bên cửa biển giờ đã có nhiều thay đổi tươi đẹp. Người dân hiền hòa, chịu thương, chịu khó, đoàn kết thương yêu nhau tạo nên một cuộc sống an bình, hạnh phúc
Khoảng không gian ở làng lúc nào cũng mang lại cho con người cảm giác thật yên bình. Bà con ở đây sinh sống bằng nghề biển là chính nên quanh nhà nào cũng được “trang trí” những ngư cụ phục vụ cho việc đánh bắt hải sản. Mấy năm trở lại đây, vẻ đẹp thanh bình như tranh vẽ của làng Thuận An bắt đầu thu hút du khách. Dân làng có thêm nghề mới: Làm dịch vụ du lịch.
Một vóc dáng của làng du lịch dần được hình thành. Người đến làng tham quan ngày càng thêm đông. Cũng từ đó, bà con càng nâng cao ý thức tạo cảnh quan cho làng thêm xanh - sạch - đẹp và an toàn.
Một điều khá đặc biệt là cho dù có thay đổi thế nào, Thuận An vẫn giữ được nét văn hóa của làng, như: các món ăn, nghề làm mắm truyền thống, các lễ hội được gìn giữ, duy trì, tạo nên giá trị văn hóa hết sức độc đáo của cư dân vùng biển đảo. Cuộc sống, cách đối đãi, ứng xử với nhau của người làng Thuận An rất nồng hậu, chân tình, dung dị.
Cứ mỗi sáng mai, người lớn đi biển, ra chợ, bán buôn, trẻ con đến trường. Ngày nghỉ, chúng kéo nhau ra phía khoảng đất trống hoặc sân văn hóa của làng để chơi những trò chơi mà chúng thích.
Mùa lễ hội, làng thu hút rất đông du khách. Bà con ai nấy đều niềm nở. Họ vui mừng mời khách, sẵn sàng chia sẻ những nét văn hóa đặc sắc ở làng mình với tất cả niềm vui và tự hào.
Rồi còn cả sự phong phú về nguyên liệu để chế biến các món ăn từ biển như cá, tôm, cua như có sức hút đối với du khách. Thỉnh thoảng ban đêm, những người đàn ông ở làng còn chịu khó ra sông đánh bắt cá, tôm để kịp mang về cho phụ nữ trong nhà mang ra chợ bán. Dân làng thường nói với nhau, sống ở đây không lo bị đói, chỉ có lười lao động mới dẫn đến cái nghèo. Nghe, tự nhiên thấy vui vui.
Chiều lang thang về làng Thuận An, nhớ lại khoảng thời gian mười mấy năm về trước, càng thấy làng bên sông đẹp lên mỗi ngày. Chỉ mong sao cùng với sự phát triển của cuộc sống và quá trình đô thị hóa các làng quê vùng ven thành phố không làm mất đi vẻ đẹp, bình yên vốn có của ngôi làng nhỏ bên cửa biển này.
Lê Văn Huân