Báo Công An Đà Nẵng

Thuận tiện, phù hợp khi tinh giản nội dung giáo dục phổ thông

Thứ sáu, 03/04/2020 08:32

Nhằm ứng phó với tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, vừa qua, Bộ GD-ĐT ban hành hai hướng dẫn điều chỉnh nội dung dạy học học kỳ II năm học 2019-2020, đối với cấp TH, THCS, THPT. Theo đó, bộ tinh giản một số nội dung trong các môn học nhằm giúp các trường hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) theo kế hoạch năm học điều chỉnh.

Bộ GD-ĐT quyết định tinh giản một số nội dung trong các môn học nhằm giúp các trường hoàn thành chương trình GDPT theo kế hoạch năm học đã điều chỉnh. Trong ảnh: Thí sinh Đà Nẵng trong kỳ thi THPT Quốc gia 2019. Ảnh: P.T

Ưu tiên dạy các môn bắt buộc

PGS, TS Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học cho biết: Các tiểu ban rà soát, tinh giản nội dung dạy học theo chương trình GDPT gồm các chuyên gia đến từ các trường đại học sư phạm; tác giả sách giáo khoa (SGK), chương trình hiện hành; giáo viên trực tiếp dạy học ở các cấp học. Căn cứ từ chương trình, xem xét trong SGK, các tiểu ban đưa ra nội dung trong SGK đang ở mức độ vận dụng cao để có thể tinh giản, bảo đảm tiết kiệm thời gian, hoàn thành chương trình trong giai đoạn còn lại của năm học.

Theo PGS, TS Nguyễn Xuân Thành, những nội dung kiến thức "không dạy", "không làm", "không thực hiện", được đề cập trong hướng dẫn là những nội dung thực hành, thí nghiệm mà học sinh không có điều kiện đến trường thực hiện. Những nội dung bài học mang tính luyện tập nâng cao mà kỹ năng của các bài đó có thể hình thành ở các bài học khác; những nội dung mang tính mở rộng, vận dụng vào thực tiễn... cũng được hướng dẫn "không dạy" hoặc "không thực hiện" trong học kỳ II năm học này. Trong đó, có tính toán đến việc học sinh vẫn còn cơ hội để học và trải nghiệm ở những bài học và cấp học sau. Bởi chương trình các môn học hiện hành được thiết kế theo cấu trúc đồng tâm nâng cao dần (xoáy ốc) nên nhiều chủ đề, nội dung kiến thức được lặp lại ở mức độ cao hơn.

Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học cũng nhấn mạnh: Mục tiêu tinh giản chương trình là để đảm bảo đủ thời gian dạy học trong tình hình rất khó khăn của năm nay nên chỉ thực hiện cho chương trình học kỳ II của năm học này. Sang năm học tới, Bộ sẽ có hướng dẫn để các trường khi xây dựng kế hoạch dạy học có thể tiếp tục củng cố, bổ sung những phần kiến thức cần thiết nhưng buộc phải tinh giản của năm học này.

Khung kiến thức không thay đổi

PGS, TS Đỗ Ngọc Thống, Trưởng tiểu ban rà soát tinh giản nội dung chương trình môn Ngữ văn chia sẻ: Lý do chính của việc tinh giản chương trình lần này là do quỹ thời gian học kì II eo hẹp. Bên cạnh đó, đây còn là dịp rà soát phát triển chương trình nên cần kết hợp xem xét, tinh giản những nội dung chưa hợp lý hoặc trùng lặp; những nội dung không tập trung cho phát triển năng lực và phẩm chất của học sinh.

Thầy Hồng Trí Quang, giáo viên môn Toán - Hệ thống Giáo dục HOCMAI cho rằng, bộ đã điều chỉnh chương trình một cách hợp lý, mạnh dạn cắt bỏ một số phần kiến thức không thực sự cấp thiết, cắt bỏ một số phần luyện tập nâng cao. Trong tình hình học sinh nghỉ học thì việc điều chỉnh nội dung dạy và học là cần thiết. Việc giảm tải ở đây chủ yếu là giảm bớt thời gian làm việc trên lớp của thầy và trò, giảm bớt mức độ yêu cầu vận dụng kiến thức đó để luyện tập một số bài nâng cao. Theo tinh thần giảm tải, chúng ta có thể thấy khung kiến thức so với các năm học trước gần như không thay đổi, chỉ là mức độ yêu cầu thấp hơn.

Nhìn chung, theo đánh giá của nhiều giáo viên, việc điều chỉnh, tinh giản chương trình lần này của Bộ là hợp lý, phù hợp với điều kiện thực tiễn hiện tại của toàn ngành. Nếu không cắt giảm một phần nội dung chương trình thì năm học này khó có thể hoàn thành vào 15-7. Việc cắt giảm chương trình tạo điều kiện cho học sinh hoàn thành tốt hơn nội dung học tập theo khung năm học, đồng thời thuận tiện cho giáo viên khi giảng dạy, có thể tích hợp nội dung giữa các tiết học. Một số nội dung trong chương trình có sự trùng lặp nên việc cắt giảm cũng không ảnh hưởng đến việc tiếp thu kiến thức của học sinh, giảm áp lực khi học sinh trở lại trường học.

V.H