Báo Công An Đà Nẵng

Thúc đẩy các dự án giao thông trọng điểm quốc gia

Thứ năm, 11/08/2022 11:52
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị.

Trước đó, ngày 23-7-2022, Thủ tướng Phạm Minh Chính ký quyết định số 884/QĐ-TTg thành lập Ban Chỉ đạo để giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo triển khai thực hiện các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành Giao thông Vận tải. Theo Quyết định thành lập Ban Chỉ đạo, các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải gồm 9 dự án và 31 dự án thành phần.

Trong đó, Bộ Giao thông Vận tải làm cơ quan chủ quản 3 dự án và 4 dự án thành phần; các địa phương làm cơ quan chủ quản 5 dự án và 24 dự án thành phần; các bộ, ngành, doanh nghiệp làm cơ quan chủ quản 1 dự án và 3 dự án thành phần. Trong đó, các dự án đường bộ cao tốc: Bắc - Nam phía Đông; Bến Lức - Long Thành; Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột; Biên Hòa - Vũng Tàu; Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng; Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội, Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh; Đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam; các tuyến đường sắt đô thị thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh; Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành...

Tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành cho biết, hiện nay cả nước đang triển khai nhiều công trình giao thông trọng điểm, trong đó có các tuyến cao tốc đường bộ, các sân bay, đường sắt đô thị, đường vành đai... Việc thực hiện các công trình giao thông này không chỉ là nhiệm vụ chính trị, mà là cơ hội cho các địa phương để mở ra không gian mới cho phát triển. Khối lượng công việc rất nhiều, nếu cứ triển khai như lâu nay thì khó hoàn thành nhiệm vụ, phải đổi mới phương thức thực hiện.

Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng cho biết, nước ta đang triển khai 3 đột phá chiến lược, trong đó có đột phá chiến lược về hạ tầng. Trong đột phá chiến lược về hạ tầng, có hạ tầng về giao thông, tập trung vào các công trình giao thông liên vùng, liên tỉnh.

Mục tiêu Đại hội Đảng đề ra là đến năm 2030 cả nước hoàn thành ít nhất 5.000 km đường cao tốc. Trong 20 năm vừa qua, chúng ta mới thực hiện được 1.100 km đường bộ cao tốc. Như vậy, nhiệm vụ từ nay đến năm 2030 là rất nặng nề. Do đó, cần có nhiều biện pháp tổng hợp nhằm phát huy thành tựu, kinh nghiệm; khắc phục khó khăn, vướng mắc, hạn chế; xử lý kịp thời phát sinh mới để thúc đẩy đầu tư, xây dựng các công trình.

Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương liên quan thành lập ngay các Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành Giao thông Vận tải của cấp mình; xây dựng chương trình, quy chế làm việc; triển khai các công việc, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, đánh giá, nghiệm thu công trình.

“Các Ban Chỉ đạo từ Trung ương đến bộ, ngành, địa phương tổ chức họp hàng tháng để kiểm điểm tình hình thực hiện; đồng thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc phát sinh; đôn đốc, thúc đẩy thực hiện các dự án”. Thủ tướng yêu cầu.

Thủ tướng cho biết, số vốn dành cho các dự án giao thông trọng điểm quốc gia là rất lớn với 734 ngàn tỷ đồng, riêng cho đường bộ cao tốc là trên 500 ngàn tỷ đồng, chưa kể các nguồn vốn khác. Do đó, các bộ, ngành, địa phương phải tập trung cao độ thực hiện để đạt được mục tiêu mà Đại hội Đảng đã đề ra; góp phần hình thành không gian phát triển mới, tạo động lực phát triển cho các vùng miền, nhất là các khu công nghiệp, khu đô thị mới và phát triển du lịch; góp phần giải quyết nút thắt về giao thông; thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, tạo công ăn việc làm; thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế -xã hội; tranh thủ nguồn lực đã có một cách hiệu quả nhất.

PHẠM TIẾP