Báo Công An Đà Nẵng

Thúc đẩy tư duy sáng tạo cho học sinh

Thứ ba, 24/04/2018 15:00

Trước sự bùng nổ của các phương tiện thông tin đại chúng, việc chú trọng, đầu tư phát triển văn hóa đọc cho học sinh đang được các cơ sở giáo dục quan tâm, đẩy mạnh. Thực tế cho thấy, nhiều mô hình hướng đến việc kích thích, thu hút học sinh tham gia đọc sách, tìm hiểu những kiến thức xã hội, bồi dưỡng tình yêu quê hương, đất nước dưới những hình thức trực quan, sinh động, bổ ích đã và đang được nhân rộng như là một phương pháp giáo dục mới. Tại Hội An, Phòng GD- ĐT, LĐ-TB&XH cùng nhiều đơn vị phối hợp với Thư viện Thanh Hóa (Hội An) triển khai nhiều dự án giáo dục sáng tạo, bước đầu mang đến những tín hiệu tích cực.

Những trải nghiệm với phương pháp giáo dục sáng tạo tại thư viện Thanh Hóa thu hút nhiều học sinh tham gia.

Theo bà Trương Tú Anh - Trưởng Thư viện Thanh Hóa thì mục tiêu khơi dậy niềm đam mê, hứng thú đọc sách cũng như cung cấp những kiến thức xã hội, giáo dục di sản cho học sinh là điều vô cùng cần thiết. Khi xây dựng vững chắc nền móng kiến thức từ những giá trị truyền thống thì việc thích nghi với những ứng dụng tiên tiến, bùng nổ của công nghệ hiện đại mới thật sự dễ dàng. Khi đó, các em mới có thể tự làm chủ được bản thân. “Không riêng gì Hội An, nhiều địa phương khác vẫn đang nỗ lực hết mình tìm hướng đi mới, lạ hơn, hấp dẫn hơn để thu hút học sinh về với văn hóa đọc. Nhiều trường học, cơ sở giáo dục được trang bị thư viện khang trang, hiện đại nhưng nếu không có được một phương thức phù hợp giúp kéo học sinh tìm đến thì đó sẽ là một thất bại. Với Hội An, xuất phát điểm chính là vùng đất giàu văn hóa truyền thống, đậm chất di sản thì bài toán khơi dậy niềm đam mê đọc sách, đưa các giá trị văn hóa ấy vào nhận thức của học sinh là cấp thiết hơn bao giờ hết”, bà Tú Anh chia sẻ.

Kể từ khi đưa vào hoạt động tháng 4-2017, Thư viện Thanh Hóa đã thật sự trở thành điểm đến thích thú với hàng nghìn lượt học sinh trên địa bàn TP Hội An. Nhiều chương trình ngoại khóa bổ ích đã được các trường phối hợp cùng thư viện lồng ghép một cách hiệu quả. Kể đến như các hoạt động: Tìm hiểu pháp luật, thực hành các kỹ năng an toàn giao thông; Chương trình biển đảo quê em; Tìm hiểu về lịch sử, các danh nhân văn hóa, anh hùng dân tộc... Đặc biệt, học sinh được tìm hiểu các kiến thức ấy qua phim dưới hình thức trực quan, sinh động. Ví như, các giá trị, biểu tượng của Hội An như Chùa Cầu, những ngôi nhà cổ được hình thành như thế nào?; các chân dung, anh hùng dân tộc vĩ đại ra sao?; hay như ở mỗi vùng đất khác nhau trên mọi miền Tổ quốc có những đặc trưng cơ bản gì?...

“Tất cả phải được hệ thống một cách logic, khoa học. Nhiều bộ khung câu hỏi cũng được hình thành để các em có thể tham gia trả lời sau mỗi buổi trải nghiệm. Đối với học sinh ở các cấp khác nhau sẽ có phương pháp truyền đạt khác nhau. Chẳng hạn như học sinh THPT, các em phải tập thói quen ghi nhớ, liệt kê để có thể tham gia thuyết trình ngay sau khi buổi trải nghiệm kết thúc”, bà Tú Anh cho hay.

Cũng theo bà Tú Anh, tại Thư viện còn có nhiều chương trình hấp dẫn thu hút học sinh tham gia như: Chúng em cùng khám phá thư viện; Ngày hội đọc sách... “Cái quan trọng là chúng ta phải “đánh” trúng, có những phương pháp giáo dục thật sự phù hợp với mong muốn của học sinh. Điều nữa là phải đổi mới tư duy, phương pháp giáo dục để hướng đến mục tiêu xa hơn, giúp học sinh thỏa sức đam mê, sáng tạo trong mỗi bài học”, bà Tú Anh nhấn mạnh.

Các kỹ năng sinh tồn cũng được lồng ghép hấp dẫn, bổ ích.

Phát triển văn hóa đọc cũng như đổi mới phương pháp giáo dục đang được ngành giáo dục hướng đến. Đã có những tín hiệu vui về sự “ấm” dần của văn hóa đọc cũng như sự kỳ vọng của học sinh về phương pháp học tập mang tính hiện đại hơn, mới lạ hơn được đáp ứng. Với mô hình như tại Thư viện Thanh Hóa chính là cách làm hay cần được nhân rộng, phát huy. Trần Thùy Linh, học sinh Trường THCS Kim Đồng - cho biết: “Em thật sự mong chờ các hoạt động mới được tổ chức tại Thư viện Thanh Hóa hằng tháng. Bởi tại đây, ngoài được vui chơi, tham gia các hoạt động ngoại khóa thì những kiến thức bổ ích về văn hóa xứ Quảng, những nét đẹp truyền thống đáng tự hào của nhiều mảnh đất anh hùng cũng mang đến cho em và các bạn những trải nghiệm thú vị”. Trong khi đó, cô Phan Thị Liên, Hiệu phó Trường THCS Kim Đồng - cho rằng: Những hoạt động được trường phối hợp với Thư viện Thanh Hóa là hoạt động trọng tâm trong đổi mới giáo dục. Những giá trị văn hóa truyền thống bao giờ cũng mang đến cho học sinh sự “giàu có” về mặt tình cảm, giúp hình thành nhân cách, xây dựng tính kế thừa trong ý thức và thói quen của mỗi học sinh. Hiện nay, thư viện Thanh Hóa đang có nhiều dự án trong quá trình triển khai thực hiện cùng nhiều đơn vị khác nhau. Thời gian tới, học sinh cũng sẽ được trải nghiệm thêm các mô hình giáo dục cũng như chương trình thực tế về những kỹ năng xã hội như: Kỹ năng sinh tồn, phòng chống cháy nổ, thiên tai...

Có thể nhận thấy, để giáo dục phát huy hiệu quả, thúc đẩy tư duy sáng tạo cho học sinh đòi hỏi từng đơn vị giáo dục phải tìm một phương pháp phù hợp. Chỉ khi khơi dậy được niềm đam mê, hứng thú trong mỗi học sinh thì giáo dục mới thật sự đạt được những kết quả cao nhất.

PHI NÔNG