Thúc đẩy ứng dụng khoa học công nghệ vào thực tiễn
(Cadn.com.vn) - Ngày 18-9, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH &CN) Nguyễn Quân cùng đoàn công tác của Bộ có buổi làm việc với lãnh đạo TP Đà Nẵng về những vấn đề liên quan đến việc phát triển khoa học công nghệ (KHCN) trên địa bàn thành phố. Dự buổi làm việc với đoàn có Chủ tịch UBND TP Huỳnh Đức Thơ; Phó Chủ tịch UBND TP Đặng Việt Dũng cùng lãnh đạo các sở, ban, ngành thành phố.
Đà Nẵng chưa khai thác hết lợi thế
Dưới góc độ nguồn nhân lực phục vụ cho KH&CN, GS–TS Trần Văn Nam, Giám đốc ĐH Đà Nẵng cho rằng, ĐH Đà Nẵng có một bề dày nguồn nhân lực, với 2.300 giảng viên, nghiên cứu sinh có đủ trình độ để đáp ứng nhu cầu phát triển KHCN, trong đó có 325 tiến sỹ đào tạo ở nước ngoài, 82 giao sư, phó giáo sư nhưng việc tìm kiếm các đề tài nghiên cứu khoa học thì rất khó khăn, hoặc các nguồn hỗ trợ cũng nhiều trở ngại. Do đó, GS Nam đề nghị Bộ KH&CN tạo điều kiện cho các trường ĐH miền Trung tìm kiếm các đề tài KHCN cấp Nhà nước để tận dụng nguồn nhân lực sẵn có.
Ông Hồ Ngọc Luật, Vụ trưởng Vụ Phát triển Công nghệ địa phương nhìn nhận, Đà Nẵng là địa phương đi đầu trong việc lựa chọn đề tài để hỗ trợ phát triển KH&CN, tuy nhiên mức hỗ trợ còn khiêm tốn, trong khi đó, Đà Nẵng là vùng kinh tế trọng điểm miền Trung đòi hỏi phải đầu tư đổi mới công nghệ để đáp ứng kịp thời. Ông Luật dẫn chứng, tại Đà Nẵng có 69% là doanh nghiệp (DN) dịch vụ du lịch, sản xuất công nghiệp 12%, nếu 12% này không quan tâm đầu tư thì du lịch dịch vụ phát triển mà không có nguồn cung các sản phẩm tại chỗ với chất lượng cao từ công nghiệp đến nông nghiệp sẽ mất sân chơi về nguồn hàng hóa. Do đó, ông Luật đề nghị lãnh đạo TP tiếp tục quan tâm đổi mới công nghệ sâu hơn.
Bên cạnh đó, cũng theo ông Hồ Ngọc Luật, Đà Nẵng có 63 ngàn lao động làm việc trong các cơ quan Nhà nước, cơ quan trung ương trên địa bàn trong tổng số lượng 1 triệu dân; 43 tổ chức KHCN/ 1 triệu dân so với 101 tổ chức KHCN/8 triệu dân ở TPHCM và 245 tổ chức KHCN/7 triệu dân ở Hà Nội thì Đà Nẵng vẫn cao hơn số lượng tổ chức KHCN. Đó là chưa nói đến vùng liên kết bên cạnh là TT-Huế chỉ chưa tới 100km thì mặt bằng về mặt tri thức ở đây rất lớn.
Do vậy, Đà Nẵng thực hiện Nghị quyết 33 của Bộ Chính trị hay Kết luận 75 của Bộ Chính trị thì việc tham mưu lĩnh vực KH&CN của các cấp, các ngành ở đây phải đặt lại vai trò trung tâm của mình làm sao để các đơn vị sự nghiệp, các trường ĐH, các tổ chức KHCN ở đây phải thể hiện được vai trò hạt nhân của mình. Ông Luật cũng cho biết thêm, nếu các tổ chức KHCN thể hiện được vai trò trung tâm để phục vụ các đơn vị kinh tế trong vùng trọng điểm này thì lúc đấy chủ trương phát triển tiềm lực, quy hoạch lại hay nhân vai trò của Khu công nghệ cao (KCNC) Đà Nẵng lên là điều rất dễ thực hiện.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Quân, Đà Nẵng có hơn 12 ngàn DN nhưng chưa huy động sự tham gia của cộng đồng DN vào các đề tài nghiên cứu KHCN cấp quốc gia cũng như cấp thành phố do đó, phải có chính sách để thu hút sự đồng hành của DN thông qua các đơn “đặt hàng” về KHCN.
Bộ trưởng Nguyễn Quân phát biểu tại buổi làm việc. |
Đẩy nhanh thương mại hóa các nghiên cứu
Tại buổi làm việc, lãnh đạo TP Đà Nẵng kiến nghị với Bộ trưởng Nguyễn Quân một số vấn đề đã có chủ trương nhưng chưa triển khai được trong thời gian vừa qua như: hỗ trợ Đà Nẵng xây dựng vườn ươm tạo công nghệ và ươm tạo DN KH&CN; đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án Trung tâm Thông tin KH & CN khu vực miền Trung tại Đà Nẵng, dự án Viện Ứng dụng bức xạ; hỗ trợ đầu tư nâng cấp Trung tâm Công nghệ sinh học TP Đà Nẵng trở thành Trung tâm Công nghệ sinh học miền Trung; triển khai xây dựng trạm quan trắc và cảnh báo phóng xạ môi trường cấp vùng tại Đà Nẵng; sớm ban hành cơ chế, chính sách đặc thù đối với KCNC Đà Nẵng; hỗ trợ TP Đà Nẵng thực hiện nhiệm vụ KH & CN cấp quốc gia về nghiên cứu diễn biến và đánh giá xâm nhập mặn đối với TP Đà Nẵng; hỗ trợ TP Đà Nẵng trong việc xúc tiến đầu tư, đặc biệt là đầu tư trong KCNC và tăng cường hợp tác KH&CN với các tổ chức KH&CN, các Viện nghiên cứu, các trường ĐH nước ngoài...
* Dự án xây dựng sàn công nghệ và thông tin tại Đà Nẵng đã có chủ trương từ lâu. Theo Chủ tịch UBND TP Huỳnh Đức Thơ, miền Trung cần có một vị trí trung điểm để các DN có thể tiếp cận được KHCN ứng dụng vào sản xuất kinh doanh, đề nghị Bộ KH&CN làm chủ đầu tư triển khai thành phố tạo điều kiện đất đai, giải phóng mặt bằng vì hiện tại nguồn vốn của TP rất hạn hẹp. Tuy nhiên, Bộ trưởng Quân lại đề nghị TP đầu tư với quy mô khoảng 200 – 300 tỷ đồng và Bộ sẽ hỗ trợ một phần kinh phí qua việc đào tạo nguồn nhân lực, mua sắm trang thiết bị, hỗ trợ về hạ tầng thông tin. Còn việc đầu tư thì nguồn vốn của Trung ương cũng rất khó khăn. Bộ trưởng Quân đề nghị các vụ của Bộ tiếp tục bàn với TP Đà Nẵng để tìm ra mô hình hợp lý nhất. |
TS Nguyễn Văn Hùng, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu KT-XH TP Đà Nẵng, đưa ra đề xuất đáng lưu ý, đó là Bộ KH&CN cần nhanh chóng số hóa hệ thống Font tư liệu Hoàng Sa để nhân rộng, bảo tồn và phát huy 132 bản đồ về Trường Sa vì đây không chỉ là đề tài ở TP Đà Nẵng mà phải nâng tầm quốc gia vì đảm bảo chủ quyền biển đảo.
Ông Trần Văn Sơn, Giám đốc Sở KH&ĐT Đà Nẵng cho biết, tại Đà Nẵng trong thời gian qua các dự án cũng chỉ mới dừng lại ở góc độ nghiên cứu, chứ chưa có một sản phẩm cụ thể để sản xuất ra đưa vào ứng dụng, thậm chí nhiều đề tài đầu tư vốn nghiên cứu ra rồi nhưng không ứng dụng được trong thực tế nên chết yểu. Do đó, ông Sơn đề nghị các chính sách hỗ trợ KHCN của Bộ phải đi cụ thể vào một sản phẩm, một lĩnh vực, một đề án và phải được thương mại hóa nhằm tạo công ăn việc làm và thu nhập cho đất nước. Xuất phát từ thực tế của miền Trung, Thứ trưởng Bộ KH &CN Trần Quốc Khánh đề nghị Đà Nẵng nên phối hợp với các tỉnh duyên hải miền Trung, kể cả Nam Trung Bộ để triển khai nghiên cứu ứng dụng KHCN hỗ trợ phát triển kinh tế biển từ khâu nuôi trồng, đánh bắt, chế biến hải sản...
Kết luận tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Quân đánh giá cao quyết tâm của lãnh đạo TP đối với việc phát triển KHCN, sự quan tâm, phối hợp và hiểu biết của các sở, ngành về KHCN rất tốt tạo động lực cho KHCN phát triển tốt trong tương lai. Đồng thời, ghi nhận những đề xuất của Đà Nẵng và yêu cầu các Vụ có liên quan sớm nghiên cứu và có báo cáo đề xuất để nhanh chóng hỗ trợ TP Đà Nẵng. Theo Bộ trưởng Quân, nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu của Bộ là triển khai, đưa các chính sách, cơ chế cũng như nghiên cứu KHCN ứng dụng vào thực tiễn sớm nhất để sớm nâng cao năng lực cạnh tranh của quốc gia. Ngoài ra, Bộ trưởng Quân cũng cho biết, sắp tới Bộ KH&CN sẽ làm việc với Bộ KH & ĐT để tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư chung cho cả 3 KCNC, trong đó có KCNC Đà Nẵng.
Xuân Đương