Báo Công An Đà Nẵng

Thực hành pháp luật dưới triều Nguyễn (2)

Thứ hai, 16/03/2015 10:00

* Bài 2: Chiếc trống minh oan

(Cadn.com.vn) - Trước tình trạng một số địa phương xảy ra nhiều vụ án oan, năm 1831, cùng với việc thành lập Tam Pháp ty  (Viện Đô sát, Bộ Hình và Đại Lý tự)–“tòa án tối cao”, vua Minh Mạng đã cho đặt trống Đăng Văn ở góc Đông Nam trong Kinh thành để mỗi khi dân chúng bị oan khuất đến đánh trống, nộp đơn kêu oan cho vua và triều đình biết để Tam Pháp ty xét xử lại. Triều đình quy định: dân chúng ai bị oan thì nộp đơn vào các ngày mồng 6, 16 và 26 hàng tháng, Tam Pháp ty cử các thuộc viên của mình lên Công chính đường trực nhận đơn của dân chúng. Ngoài 3 ngày trên, hàng ngày, 3 cơ quan này còn cử mỗi đơn vị 1 thuộc viên thay phiên thường trực để nhận đơn. Đối với những đơn “xét ra là vu cáo càn bậy thì tới kỳ đợi chỉ sẽ xử trị nghiêm ngặt”. Đơn phải có 1 bản chính và 1 bản phụ, “duy khi tố cáo bí mật về việc phản nghịch quan trọng và những việc có quan hệ đến lợi hại lớn thì mới cho làm 1 bản tấu phong kín lại”. Sau khi nhận được đơn, Tam Pháp ty hội đồng để thống nhất nghị xử “rồi hội hàm làm thành tập tấu dâng lên” vua và khi vua có chỉ, đơn nào liên quan đến bộ, nha nào thì gửi cho bộ, nha ấy xử lý. Đặc biệt, đối với những đơn phong kín hay đơn mật, Tam Pháp ty lập tức dâng trình không được tự tiện phát đi.

Trong quá trình tồn tại, trống Đăng Văn đã phát huy được tác dụng trong việc minh oan, nhiều vụ án oan của dân chúng đã được trả lại công bằng. Điển hình là vụ án của Thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa (1807- 1872). Năm 1848, khi ông đang là Tri phủ Trà Vang (thuộc huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long ngày nay), ông đã bảo vệ những người dân chài địa phương bị quan lại ức hiếp và nhũng lạm quyền thế, không cho dân chúng khai thác thủy sản trên kênh rạch. Hành động cương trực của ông đã bị các đồng liêu ganh ghét và tìm cách hãm hại. Tổng đốc Vĩnh Long báo triều đình là ông xúi dân làm loạn nên đã cách chức không cho ông làm Tri phủ Trà Vang. Triều đình liền bắt giải ông về Kinh và chờ ngày thọ án tử hình. Biết chồng mình bị oan, vợ ông là bà Nguyễn Thị Tôn đã thực hiện một nghĩa vụ công dân rất đỗi can trường và nguy hiểm là đi trên chiếc ghe bầu ròng rã cả tháng trời vượt biển ra Kinh đô Huế để gióng lên ba hồi trống Đăng Văn, quyết minh oan, giải cứu cho chồng khỏi bản án tử hình. Việc đánh trống kêu oan của bà đã được Tam Pháp ty điều tra lại và kết quả không phải như hình án đã quyết nên vua Minh Mạng cho Bùi Hữu Nghĩa thoát khỏi án tử hình. Thái hậu Từ Dũ biết tin đã ban tặng bà Nguyễn Thị Tôn tấm biển chạm nổi bốn chữ vàng “Liệt phụ khả gia”.

Mô hình trống Đăng Văn. Ảnh: TL

Tuy nhiên, triều Nguyễn quy định nếu kêu oan không thật sự khẩn thiết hay không đúng sự thật “thì việc dẫu có thực, cũng phải đóng gông 10 ngày để ở ngoài sân nhà Công chính đường, khi mãn hạn lại đánh ngay 100 trượng; nếu có vu cáo tức thì chiếu theo tội kiện vu cáo mà bắt chịu tội”, kể cả những người xúi giục cũng bị phạt. Việc triều đình cho đặt trống Đăng Văn đã góp phần cho Tam Pháp ty hoạt động có hiệu quả, nhất là việc phát giác các vụ án oan khuất của dân chúng hay tệ ức hiếp dân lành và tư lợi của quan tham. Đây là tiến bộ của triều Nguyễn “biểu hiện sự nghiêm minh của công lý, thể hiện được tính dân chủ. Tiếng kêu của trống là tiếng kêu của dân đến tận tai nhà vua. Không phải tiếng kêu ấy chỉ để nghe, để thấy, mà điều quan trọng bậc nhất là được thực hiện ngay”.

Năm 1885, khi kinh thành Huế thất thủ, triều Nguyễn chính thức chấm dứt vai trò là một triều đại tự chủ, chính thức lệ thuộc vào thực dân Pháp, vai trò, chức năng của Tam Pháp ty và trống Đăng Văn đều bị thực dân Pháp khống chế và thực hiện theo mục đích của chúng. Đến năm 1901, vua Thành Thái muốn khôi phục truyền thống tốt đẹp của các tiên đế, ông đã cho dựng lại Tam Pháp ty và trống Đăng Văn nhưng đến năm 1906 lại phải dẹp bỏ vì thực dân Pháp không cho phát huy công dụng như ngày xưa nữa.

Ngô Đức Lập
(còn nữa)