Báo Công An Đà Nẵng

Thực hành pháp luật dưới triều Nguyễn (4)

Thứ tư, 18/03/2015 11:33

* Bài cuối: Vận hành pháp luật dưới triều Nguyễn

(Cadn.com.vn) - Trong thời kỳ độc lập, tự chủ (1802 - 1885), các vị vua của triều Nguyễn từ Gia Long, Minh Mạng đến Thiệu Trị, Tự Đức đã dày công xây dựng một bộ máy hành chính khá hoàn chỉnh từ trung ương đến địa phương.

Cùng với quá trình thiết lập và hoàn thiện, triều Nguyễn đã vận hành bộ máy một cách khá hiệu quả, góp phần bảo vệ nền quân chủ và phần nào đáp ứng nguyện vọng của dân chúng. Để có được thành quả đó, triều Nguyễn đã có khá nhiều biện pháp nhằm làm trong sạch bộ máy hành chính và giám sát nhằm ngăn ngừa cũng như trừng trị thích đáng đối với nạn "quan tham, lại nhũng".

Nhờ thực hành nhiều chính sách tiến bộ và nghiêm khắc, nhà Nguyễn đã xây dựng được một bộ máy hoạt động hiệu quả. Ảnh TL: Quan, quân thời nhà Nguyễn.

Biện pháp đầu tiên đó là triều Nguyễn đã cho thành lập tổ chức giám sát từ trung ương đến địa phương (Viện Đô sát, lục khoa và giám sát ngự sử các đạo). Trong đó, Viện Đô sát là cơ quan giám sát tối cao ở Kinh đô, lục khoa có trách nhiệm giám sát lục bộ và Giám sát ngự sử các đạo giám sát các đạo tương ứng. Tổ chức giám sát của triều Nguyễn có trách nhiệm cán gián những lời nói, việc làm sai trái của vua, đàn hặc và giám sát bộ máy hành chính và toàn bộ đội ngũ quan lại trong cả nước. Điều đặc biệt là triều Nguyễn đã ban hành song song ba cơ chế giám sát đó là cơ chế giám sát độc lập, cơ chế phối hợp, liên kết và cơ chế giám sát chéo lẫn nhau. Đối với cơ chế giám sát độc lập, các cơ quan giám sát trong hệ thống tổ chức giám sát được quyền độc lập với nhau, không lệ thuộc nhau trong giám sát.

Chẳng hạn, Giám sát ngự sử các đạo là tổ chức giám sát cấp đạo, tỉnh và là cấp dưới của Viện Đô sát nhưng họ có quyền độc lập tương đối, không lệ thuộc Viện Đô sát. Về cơ chế giám sát chéo, Viện Đô sát là cơ quan giám sát ở triều đình nhưng có thể được giám sát, đàn hặc lục khoa, lục bộ, các đạo, giám sát ngự sử và quan lại các đạo. Ngược lại, giám sát ngự sử các đạo có thể được quyền can gián cả vua, đàn hặc các đại thần và thậm chí giám sát cả các thuộc viên của Đô sát viện. Đây là một trong những sáng tạo của triều Nguyễn, cơ chế giám sát này cho phép, các cơ quan giám sát lẫn nhau nhằm hạn chế sự chuyên quyền, độc đoán.

Thứ hai, năm 1832, vua Minh Mạng đã cho thành lập Tam Pháp ty - tòa án tối cao của triều đình triều Nguyễn. Cơ quan này được thành lập trên cơ sở kết hợp thành viên của 3 cơ quan tư pháp và hành pháp là Đô sát viện, bộ Hình và Đại Lý tự nhằm giúp cho vua và triều đình một nhiệm vụ quan trọng đó là xét xử các hình án, trọng án lớn của triều đình và xét xử các vụ án oan trong cả nước. Cùng với việc cho thành lập Tam Pháp ty, vua Minh Mạng đã cho dựng trống Đăng Văn trước cổng Công chính đường của cơ quan này để mỗi khi dân chúng trong cả nước có oan khuất gì có thể đến đây đánh trống, nộp đơn kêu oan, sau đó các thành viên của Tam Pháp ty thụ đơn và tiến hành điều tra, xét xử lại. Trong quá trình tồn tại, Tam Pháp ty và trống Đăng Văn đã giúp cho triều đình minh oan được nhiều vụ án, trả lại sự công bằng cho dân chúng.

Thứ ba, triều Nguyễn đã thực hiện một cơ chế đặc biệt đó là tổ chức các đoàn kinh lược đến các địa phương trong cả nước. Hàng năm, theo định kỳ và đột xuất, triều Nguyễn thường tổ chức các đoàn kinh lược đến các địa phương để điều tra, xét hỏi tình hình của các địa phương có giặc dã nổi lên để đánh dẹp; dân chúng thiên tai, mất mùa đói kém để phát chẩn, cứu đói; dân chúng bị oan khuất, quan lại địa phương nhũng nhiễu hà hiếp dân lành để xét hỏi trừng trị... Thành phần của đoàn kinh lược gồm các quan đại thần "tâm dày, trí sáng, đức cao", đại diện của tổ chức giám sát và quan lại các địa phương khác.

Thứ tư, triều Nguyễn đã thực hiện cơ chế hồi tỵ (tránh đi). Đây là cơ chế không bổ dụng quan lại làm việc tại quê hương, địa phương của họ và không cho quan lại thân thuộc cùng làm việc trong một cơ quan, địa phương hay tại các trường thi, các vụ án xét xử có người thân của mình. Ngoài ra, triều Nguyễn còn ban hành và thực thi các biện pháp khác như thực hiện các chế độ ưu đãi về phẩm phục, tiền lương, khen thưởng, xử phạt... nhằm ngăn ngừa, hạn chế và trừng trị nạn quan tham, tư lợi tiền bạc, tài sản của triều đình và nhũng nhiễu, hà hiếp dân chúng.

Trên đây, chính là những biện pháp đã góp phần giúp triều Nguyễn xây dựng một bộ máy hành chính mạnh với đội ngũ quan lại có nhiều vị quan thanh liêm, mẫn cán mà ngày nay sử sách còn ghi công. Đây cũng chính là một trong những yếu tố đảm bảo cho triều Nguyễn xây dựng và duy trì một nền quân chủ đủ mạnh với nhiều đóng góp cho lịch sử và văn hóa dân tộc. Trong dòng chảy lịch sử, người thời nay ngoái nhìn lại, suy xét kỹ càng, tường tận vẫn có thể nhận ra lắm điều hay, biết đâu có thể vận dụng được.

Ngô Đức Lập - Nguyễn Văn Tưởng