Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí: Chỉ mới sờ tới phần ngọn
(Cadn.com.vn) - “Ở nước ta, dường như quyết định thì do cá nhân, nhưng hình thức là tập thể, để rồi khi xảy ra chuyện thì tập thể chịu trách nhiệm, tức là không ai phải chịu trách nhiệm cả”.
Dưới đây là toàn văn phát biểu của đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (Đoàn ĐBQH Đà Nẵng) góp ý dự án Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí tại hội trường, sáng nay (4-11):
Tuy là dự thảo trình QH thông qua nhưng tôi cảm nhận việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí chỉ mới sờ tới phần ngọn mà bỏ qua cái gốc, đó là do ban hành chính sách sai, quyết định sai dẫn đến lãng phí nhiều nghìn tỷ đồng mà người ra quyết định cùng lắm cũng chị phê bình, khiển trách.
Thử hỏi, một quyết định sử dụng ngân sách nhà nước đã không phù hợp ngay từ lúc ban hành, lãng phí đã hình thành ngay từ khi ra quyết định rồi thì việc tiết kiệm, chống lãng phí trong quá trình triển khai thực hiện liệu còn có tác dụng gì?
ĐBQH Nguyễn Thị Kim Thúy |
Tôi thấy phần giải trình, tiếp thu, chỉnh lý về trách nhiệm do ban hành chính sách gây lãng phí là chưa thực sự thuyết phục. Vì việc bổ sung Điều 16 chỉ mới giới hạn hành vi vi phạm trong ban hành, thực hiện và kiểm tra định mức, chế độ, tiêu chuẩn mà thôi, chứ chưa phù hợp với thực tế là có biết bao công trình, dự án như: mía đường, xi măng lò đứng, sân bay, bến cảng, thủy điện, thủy lợi, chợ .v.v…ngày ngày hiện lên trên các phương tiện thông tin đại chúng, nào là: thiếu vốn, vốn bị thất thoát, công trình không sử dụng được hoặc không được sử dụng, sản xuất bị lỗ hoặc không sản xuất được, hay hoạt động cầm chừng theo kiểu “bỏ thì thương mà vương thì tội”… mà nguyên nhân là các quyết định đầu tư thiếu trọng tâm, trọng điểm, chưa dựa trên các yếu tố bảo đảm tính KT-XH, chưa căn cứ vào khả năng thu xếp vốn…dẫn đến tiêu tốn nhiều nghìn tỉ đồng mà không phát huy tác dụng, dù hậu quả thấy rất rõ nhưng cuối cùng cũng chẳng ai phải chịu trách nhiệm và cũng chưa thấy một văn bản nào chỉ ra, chỉ cụ thể trách nhiệm của người ra quyết định đó là gì.
Xã hội thường quan tâm đến việc tiết kiệm,chống lãng phí trong cuộc sống, làm việc và sinh hoạt hàng ngày… nhưng ít ai nói đến việc tiết kiệm trong quyết định đầu tư dự án.
Khi đã biết đầu tư (ví dụ: cảng biển) sẽ không hiệu quả, các nhà chuyên gia cũng đã cảnh báo trước, nhưng vẫn quyết định để rồi cảng biển nước sâu mà tàu trọng tải lớn theo kế hoạch vẫn không thể vào được cảng, hàng hóa vẫn phải sang từ ngoài khơi, làm tốn phí thêm hàng triệu đôla vận tải hàng từ ngoài khơi vào bờ.
Có phải là không biết trước những bất cập đó không? Có phải là không có đủ chuyên gia để đánh giá cái được và cái mất của mỗi quyết định trước khi ban hành không?
Đây là một sự lãng phí vô cùng!
Ở nhiều nước, họ xác lập trách nhiệm cá nhân của người ra quyết định rất rõ ràng, nên mọi quyết định được ban hành không phải dễ dàng như ở nước ta.
Ở nước ta, dường như quyết định thì do cá nhân, nhưng hình thức là tập thể, để rồi khi xảy ra chuyện thì tập thể chịu trách nhiệm, tức là không ai phải chịu trách nhiệm cả. Cơ quan này đổ lỗi cho cơ quan kia, có người cho là lỗ hổng của hệ thống, của cơ chế, mà suy cho cùng thì hệ thống, cơ chế đó cũng do con người đặt ra.
Trong không ít trường hợp, lại thường quy về một nguyên nhân muôn thuở là “do năng lực cán bộ hạn chế”, giả sử điều này là đúng, thì lỗi hệ thống đó nằm ở công tác và quy trình đề bạt cán bộ.
Có thể nói, chúng ta đang dốc sức tập trung vào cuộc chiến chống tham nhũng mà đang để hổng mặt trận chống lãng phí, nhưng chưa chắc mặt trận này thua mặt trận kia về mức độ nguy hiểm. Thử so sánh: Một người tham nhũng 1 tỉ đồng với 1 người ra quyết định làm lãng phí năm, bảy chục tỉ đồng thì ai gây thiệt hại cho dân, cho nước nhiều hơn?
Vì vậy, lần này sửa luật cần tìm lỗ hổng của cơ chế để bít nó lại, nếu không thì mọi sự nỗ lực sẽ không mang lại kết quả như mong đợi. Nếu chưa thể bít được thì chí ít cũng phải làm cho nó nhỏ đi. Vì vậy, tôi cho rằng đã đến lúc cần xác định trách nhiệm cá nhân rõ ràng đối với người có thẩm quyền ra quyết định.
Và đây là luật chuyên ngành về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí do đó, tôi đề nghị bổ sung quy định về trách nhiệm của người đưa ra chính sách không phù hợp gây lãng phí trong trường hợp xác định được trách nhiệm cá nhân.
Tôi thiết nghĩ, dân mình còn nghèo, nước mình còn trong giai đoạn đang phát triển, hàng năm thường phải đương đầu với thiên tai, dịch bệnh đòi hỏi càng phải tiết kiệm, chống lãng phí.
Việc làm này mang đến 2 cái lợi cùng một lúc là: Vừa được thêm tiền để đầu tư phát triển đất nước, vừa được lòng dân, đó là việc kiên quyết phải làm và làm triệt để, quyết không đánh trống bỏ dùi, xuất phát là việc loại bỏ hơn 400 dự án thủy điện.
Nguyễn Lê (ghi)