Thực hiện nhiệm vụ “kép”: Tăng trưởng kinh tế và chống tham nhũng
Chiều 6-6, thực hiện phân công của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, thay mặt Chính phủ, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ báo cáo giải trình trước Quốc hội, làm rõ thêm một số vấn đề mà nhiều đại biểu và cử tri cả nước quan tâm, chất vấn.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ trả lời chất vấn. |
Chiều 6-6, thực hiện phân công của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, thay mặt Chính phủ, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ báo cáo giải trình trước Quốc hội, làm rõ thêm một số vấn đề mà nhiều đại biểu và cử tri cả nước quan tâm, chất vấn.
Theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, tại Kỳ họp này, đại biểu Quốc hội đã gửi 93 phiếu chất vấn các thành viên Chính phủ. Chính phủ, các thành viên Chính phủ nghiêm túc tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội và đồng bào, cử tri cả nước, tiếp tục phát huy kết quả đã đạt được, khắc phục những hạn chế yếu kém, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, chỉ đạo điều hành, nỗ lực cao nhất, phấn đấu thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, tài chính ngân sách năm 2018 theo Nghị quyết của Quốc hội.
Phòng chống tham nhũng đạt kết quả to lớn
Tại phiên chất vấn, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã khẳng định những năm qua, đặc biệt là năm 2017, công tác phòng, chống tham nhũng đã đạt được kết quả to lớn, căn bản, được đồng bào cử tri cả nước đồng tình ủng hộ và ngay cả dư luận quốc tế cũng đánh giá cao. “Diễn đàn Kinh tế thế giới 2018 (WEF Davos) đặt câu hỏi khi chống tham nhũng gay gắt như vậy có ảnh hưởng tới môi trường đầu tư kinh doanh không? Chúng tôi trả lời là không vì ta đạt được các kết quả toàn diện cả về kinh tế và phòng, chống tham nhũng”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Hiện nay, Chính phủ thực hiện nhiệm vụ “kép” là bảo đảm tăng trưởng kinh tế với thành quả cao hơn, bền vững hơn nhưng mặt khác phải nghiêm khắc với các tồn tại trong các lĩnh vực ngân hàng, hải quan, tài chính, công tác cán bộ. Vừa qua, Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước, cơ quan Công an đã vào cuộc và kết quả đã công khai rõ ràng với các số liệu rõ ràng về thất thoát, tham nhũng, lãng phí. “Chính phủ sẽ nghiêm túc chấp hành chương trình phòng chống tham nhũng của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng do Tổng Bí thư đứng đầu và cùng với các cơ quan tư pháp, lập pháp làm tốt hơn công việc này”, Phó Thủ tướng khẳng định.
Không đánh đổi quốc phòng an ninh lấy kinh tế
Chiều 6-6, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội về việc thành lập các đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt (gọi tắt là đặc khu). Đại biểu Nguyễn Anh Trí (đoàn Hà Nội) đặt vấn đề: Liệu các đặc khu có ảnh hưởng tới việc đầu tư, phát triển Hà Nội, TPHCM hay các vùng kinh tế trọng điểm của quốc gia? Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ khẳng định: “Có hay không có các đặc khu thì cũng không làm ảnh hưởng tới chính sách đầu tư, phát triển Hà Nội, TPHCM và 7 vùng kinh tế của cả nước để lan tỏa tới các địa phương khác”. Phó Thủ tướng cho biết, theo thông lệ của thế giới, đặc khu là nơi thể nghiệm thể chế và tạo cực tăng trưởng. Ở Việt Nam, ta tính toán lợi ích tổng thể về kinh tế, đầu tư, quan hệ kinh tế-quốc phòng, an ninh và được Quốc hội đang thảo luận.
Trước chất vấn của đại biểu Nguyễn Văn Thân (tỉnh Thái Bình) về cơ chế lựa chọn Chủ tịch UBND Đặc khu có bảo đảm chọn được người tài không? Phó Thủ tướng cho biết cán bộ quản lý đặc khu cũng phải đặc biệt. “Lựa chọn cán bộ có quy trình chặt chẽ: Chủ tịch UBND tỉnh giới thiệu, Bộ Nội vụ thẩm định, HĐND bầu còn Thủ tướng phê chuẩn. Hy vọng sẽ chọn được người tài”, Phó Thủ tướng cho biết.
Cùng ngày, bên hành lang Quốc hội ngày 6-6, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, việc thành lập 3 đặc khu kinh tế khẳng định quyết tâm của Đảng, Chính phủ về thay đổi tư duy, thống nhất trong chỉ đạo tạo ra một luật chơi mới, thể chế mới cạnh tranh để tạo ra cực tăng trưởng, thu hút đầu tư trong nước và nước ngoài. Về nguyên tắc, Bộ trưởng cho biết, việc xây dựng các đặc khu cần xác định thể chế không trái với Hiến pháp, không ảnh hưởng đến vấn đề quốc phòng an ninh và chủ quyền quốc gia, ảnh hưởng đến môi trường và sức khỏe người dân.
Giải thích về phương án cho thuê đất 99 năm, Bộ trưởng cho biết, hiện Ủy ban Thường vụ Quốc hội đang chỉ đạo cơ quan chức năng tiếp thu ý kiến đóng góp cho dự án Luật, trong đó có nội dung này để trình Quốc hội. Theo Bộ trưởng, nếu có thể thì nên thiết kế điều kiện chặt chẽ hơn, xác định thế nào là đặc biệt, thật đặc biệt thì mới được phép cho thuê. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh, trong thiết kế Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt không hề có chủ đích đánh đổi quốc phòng an ninh lấy kinh tế, mà việc đảm bảo quốc phòng an ninh được coi là nguyên tắc số một khi thiết kế Luật này.
THU THỦY – TTXVN
Khẩn trương quyết toán, điều chỉnh giảm phí BOT Liên quan đến vấn đề dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng xây dựng-kinh doanh-chuyển giao (BOT) và xử lý tồn tại các dự án BOT được đại biểu Quốc hội quan tâm đề cập trong những ngày qua, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng, huy động mọi nguồn lực xã hội đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, trong đó có đầu tư theo hình thức BOT là chủ trương rất cần thiết và đúng đắn. Tuy nhiên, quá trình tổ chức thực hiện còn nhiều vướng mắc, yếu kém và sai phạm. Thời gian tới, Chính phủ chỉ đạo tiếp tục sửa đổi, bổ sung quy định pháp luật liên quan (trong đó có Nghị định số 30/2015/NĐ-CP về đấu thầu, lựa chọn nhà đầu tư BOT); thực hiện nghiêm Nghị quyết số 437 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, sớm nghiên cứu, xây dựng, trình Quốc hội dự án Luật đầu tư theo hình thức đối tác công tư. Đồng thời yêu cầu các cấp, các ngành công khai, minh bạch quá trình thực hiện dự án, nhất là việc tổ chức đấu thầu, lựa chọn nhà thầu.Về xử lý tồn tại của các dự án BOT, Chính phủ đã và đang chỉ đạo tăng cường thanh tra, kiểm tra xử lý nghiêm các vi phạm. Trên cơ sở kết quả kiểm toán, thanh tra, rà soát từng dự án BOT, khẩn trương quyết toán, điều chỉnh giảm phí BOT phù hợp, bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, nhà đầu tư và người dân. |