Thực hiện xét nghiệm kháng thể đối với khoảng 2.200 nhân viên y tế tại Bệnh viện Đà Nẵng
Ngày 26-7,Đội công tác đặc biệt của Bộ Y tế đã vào Đà Nẵng và hỗ trợ thành phố 10.000 bộ test để xét nghiệm kháng thể bằng phương pháp Elisa.
CDC Đà Nẵng đang chạy đua để xét nghiệm cho những trường hợp F1. |
Hiện Bộ Y tế và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Đà Nẵng (CDC) Đà Nẵng đã thống nhất trước mắt thực hiện xét nghiệm kháng thể đối với khoảng 2.200 nhân viên y tế tại Bệnh viện Đà Nẵng. Sau đó, cơ quan chức năng sẽ tiếp tục triển khai phương pháp này tại Bệnh viện C Đà Nẵng, các khu du lịch có người nước ngoài lưu trú, nơi cư trú, sinh hoạt của bệnh nhân 416 và 418. Bên cạnh đó, CDC Đà Nẵng cũng đẩy mạnh điều tra dịch tễ, lấy mẫu xét nghiệm bằng phương pháp PCR đối với các trường hợp tiếp xúc gần, nguy cơ cao đối với 2 bệnh nhân 416 và 418.
Ths.Bs Tôn Thất Thạnh - Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Đà Nẵng cho biết, để xác định người bệnh nhiễm virus SARS-CoV-2 cần thực hiện theo phương pháp xét nghiệm kháng nguyên bằng kỹ thuật RT-PCR. CDC Đà Nẵng đã được Bộ Y tế cho phép triển khai kỹ thuật này từ ngày 6-3-2020. Tuy nhiên, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh do SARS-CoV-2, đặc biệt là việc truy vết, tìm kiếm nguồn lây của bệnh nhân 416 gặp nhiều khó khăn, Bộ Y tế đã hỗ trợ Đà Nẵng thêm phương pháp xét nghiệm mới. Đây là bộ test thử mới do Việt Nam sản xuất, được thực hiện theo phương pháp xét nghiệm tìm kháng thể bằng kỹ thuật Elisa. Bs Thạnh cho biết: “Xét nghiệm kháng thể nói dễ hiểu là đánh giá người được xét nghiệm đã từng mắc bệnh hay chưa. Nếu kết quả dương tính nghĩa là bệnh nhân đã từng nhiễm bệnh. Cách làm này giúp Đà Nẵng để có thể xác định được nguồn lây nhiễm sớm, từ đó có biện pháp kịp thời”.
Cùng ngày, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương (Bộ Y tế) đã tổ chức tập huấn cho cán bộ, nhân viên y tế thành phố, nhân viên Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Đà Nẵng những kiến thức, kỹ năng cơ bản, cần thiết để tìm kiếm những người có nguy cơ lây nhiễm… Theo Bs Tôn Thất Thạnh, hiện đơn vị đang huy động tối đa nhân lực để thực hiện truy vết, tìm kiếm những người tiếp xúc gần với bệnh nhân. Hoạt động này được xem là “nút thắt” phải chạy đua càng sớm càng tốt để khoanh vùng, cách ly kịp thời. Hiện CDC Đà Nẵng đang xác định những trường hợp có tiếp xúc với bệnh nhân 418 để cách ly, lấy mẫu xét nghiệm.
Liên quan đến bệnh nhân 416, hiện CDC Đà Nẵng đã xác định có 294 người tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân. Kết quả xét nghiệm đến sáng 26-7 cho thấy, 294 mẫu bệnh phẩm những trường hợp tiếp xúc này đều âm tính với SARS-CoV-2. Do bệnh nhân phải thở máy, không trực tiếp khai báo thông tin, kết hợp với việc đi lại, tham gia nhiều sự kiện nên công tác truy vết gặp nhiều khó khăn.
L.HÙNG
>> Từ 13 giờ hôm nay (26.7), Đà Nẵng thực hiện giãn cách xã hội
>> Thêm ca mắc Covid-19 mới tại Đà Nẵng
>> Đà Nẵng ghi nhận ca nhiễm vi rút SARS-CoV-2
>> Chủ tịch UBND TP chỉ đạo nóng chủ động rà soát, ổn định tình hình