Thuế với thuốc lá có thể tăng lên 10.000 đồng/bao, rượu bia bị đánh thuế nặng
Bộ Tài chính vừa gửi Bộ Tư pháp hồ sơ thẩm định dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi). Trong đó, Bộ Tài chính trình Chính phủ quyết định về phương án lộ trình tăng thuế suất đối với mặt hàng thuốc lá, rượu, bia. Đây là vấn đề vẫn còn các luồng ý kiến khác nhau.
Thuế với thuốc lá có thể lên 10.000 đồng/bao vào năm 2030
Tại dự thảo Luật gửi xin ý kiến theo 2 phương án bổ sung mức thuế tuyệt đối theo lộ trình tăng từng năm trong giai đoạn từ năm 2026 – 2030 đối với thuốc lá điếu như sau:
+ Phương án 1: 2.000 đồng/bao (năm 2026), 4.000 đồng/bao (năm 2027), 6.000 đồng bao (năm 2028), 8.000 đồng/bao (năm 2029), 10.000 đồng/bao (năm 2030).
+ Phương án 2: 5.000 đồng/bao (năm 2026), 6.000 đồng/bao (năm 2027), 7.000 đồng/bao(năm 2028), 8.000 đồng/bao(năm 2029), 10.000 đồng/bao năm 2030).
Hiệp hội sản xuất và tiêu thụ thuốc lá, các doanh nghiệp thuốc lá đề xuất giãn lộ trình tăng thuế và áp dụng mức thuế tuyệt đối thấp hơn cả 2 phương án xin ý kiến.
Trong khi đó, Bộ Y tế, Tổ chức Y tế thế giới, Ngân hàng Thế giới và một số tổ chức bảo vệ sức khỏe ủng hộ phương án 2 của Bộ Tài chính và đề xuất thêm phương án 3 với mức thuế cao hơn. Cụ thể, bên cạnh thuế tỷ lệ 75%, bổ sung mức thuế tuyệt đối theo lộ trình: 5.000 đồng/bao từ năm 2026, 7.000 đồng/bao từ năm 2027, 10.000 đồng/bao từ năm 2028, 12.500 đồng/bao từ năm 2029 và 15.000 đồng/bao từ năm 2030.
Bày tỏ quan điểm, Bộ Tài chính đánh giá: Cả 2 phương án về lộ trình tăng mức thuế tuyệt đối tại dự thảo Luật gửi xin ý kiến đã được cân nhắc tính toán trên cơ sở các yếu tố như giá thuốc lá tại Việt Nam đang ngày càng rẻ so với thu nhập, dẫn đến sức mua thuốc lá tăng; Gánh nặng chi phí y tế liên quan đến bệnh tật do thuốc lá gây ra (theo Bộ Y tế, tại Việt Nam, mặt hàng thuốc lá là nguyên nhân gây 40.000 người tử vong mỗi năm cùng chi phí y tế có liên quan đến bệnh tật do thuốc lá gây ra là 1 tỷ USD).
Theo phương án 2 thì tỷ lệ hút thuốc ở nam giới giảm từ 42,7% (2022) xuống còn 39,7% vào năm 2026 và đến năm 2030 giảm xuống còn 38,6%. Tỷ trọng thuế trên giá bán lẻ tăng từ 36% (2022) lên 52,4% vào năm 2026 và đến năm 2030 tăng lên 59,38%.
"Như vậy, phương án 2 có khả năng giảm tiêu thụ nhanh hơn, sớm hơn và ở mức độ lớn hơn để gần tiếp cận đến mục tiêu giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá trong nhóm nam từ 15 tuổi trở lên đề ra tại Chiến lược Phòng chống tác hại của thuốc lá (xuống dưới 36% trong giai đoạn 2026 – 2030) và hướng tới đạt tỷ trọng thuế trên giá bán lẻ thuốc lá theo khuyến nghị của WHO (75%)", theo Bộ Tài chính.
Đối với phương án 3 của Nhóm bảo vệ sức khỏe (Bộ Y tế, các tổ chức bảo vệ sức khỏe cộng đồng) dù đáp ứng tốt hơn về các yêu cầu hạn chế tiêu dùng, tăng giá bán sản phẩm, đạt tỷ trọng thuế trên giá bán lẻ cao hơn phương án 2 của Bộ Tài chính và góp phần phòng chống ảnh hưởng của thuốc lá đến môi trường, sức khỏe của người dân nhưng sẽ có tác động lớn hơn nhiều đến doanh nghiệp. Còn 2 phương án do Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam đề xuất thì mức độ tăng rất thấp nên sẽ tác động không mạnh mẽ đến việc giảm tiêu dùng và sẽ không góp phần thực hiện các mục tiêu, chiến lược đã đề ra.
Do vậy, Bộ Tài chính nghiêng theo phương án 2.
Tăng thuế với mặt hàng rượu, bia
Tại dự thảo Luật gửi xin ý kiến, Bộ Tài chính đưa ra 2 phương án tăng thuế suất đối với mặt hàng rượu, bia như sau:
- Đối với mặt hàng rượu từ 20 độ trở lên:
+ Phương án 1: Tăng thuế suất từ mức hiện hành 65% lên 70%, 75%, 80%, 85%, 90% theo từng năm trong giai đoạn từ năm 2026-2030.
+ Phương án 2: Tăng thuế suất từ mức hiện hành 65% lên 80%, 85%, 90%, 95%, 100% theo từng năm trong giai đoạn từ năm 2026-2030.
- Đối với mặt hàng rượu dưới 20 độ:
+ Phương án 1: Tăng thuế suất từ mức hiện hành 35% lên 40%, 45%, 50%, 55%, 60% theo từng năm trong giai đoạn từ năm 2026-2030.
+ Phương án 2: Tăng thuế suất từ mức hiện hành 35% lên 50%, 55%, 60%, 65%, 70% theo từng năm trong giai đoạn từ năm 2026-2030.
- Đối với mặt hàng bia:
+ Phương án 1: Tăng thuế suất từ mức hiện hành 65% lên 70%, 75%, 80%, 85%, 90% theo từng năm trong giai đoạn từ năm 2026-2030.
+ Phương án 2: Tăng thuế suất từ mức hiện hành 65% lên 80%, 85%, 90%, 95%, 100% theo từng năm trong giai đoạn từ năm 2026-2030.
Các bộ Y tế, Nội vụ, Công an và nhiều địa phương (Yên Bái, Quảng Bình, Quảng Trị, Vĩnh Long, Lạng Sơn, Quảng Ngãi, Bắc Ninh, Phú Yên,...), Tổ chức Y tế Thế giới và các tổ chức bảo vệ sức khỏe nhất trí theo phương án 2.
Trong khi đó, Hiệp hội Bia – Rượu – Nước giải khát Việt Nam và các doanh nghiệp bia, rượu đề nghị xem xét giảm mức tăng thuế và giãn lộ trình tăng.
Riêng Công ty bia Heiniken Việt Nam, Liên minh các doanh nghiệp rượu quốc tế tại châu Á đề nghị cân nhắc áp dụng phương pháp tính thuế tuyệt đối theo nồng độ cồn đối với sản phẩm bia.
Bộ Tài chính phân tích: Theo phương án 2 thì giá bán năm 2026 sẽ tăng khoảng 10% so với năm 2025, và các năm tiếp theo mỗi năm giá bán sẽ tăng 2-3% so với năm trước để đảm bảo giá sản phẩm tăng tương ứng theo mức độ lạm phát và gia tăng thu nhập của các năm tiếp theo. Với phương án 2 sẽ có tác dụng giảm khả năng chi trả đối với các sản phẩm rượu, bia mạnh hơn, tác động tốt hơn trong việc giảm tỷ lệ sử dụng rượu, bia và giảm các tác hại liên quan do việc lạm dụng rượu, bia gây ra.
Bộ Tài chính nghiêng theo phương án 2.
Theo Vietnamnet