Báo Công An Đà Nẵng

Thùng rác - chuyện nhỏ mà không nhỏ

Thứ hai, 07/04/2014 00:02

(Cadn.com.vn) - Vấn đề muốn đề cập đến cứ tưởng là nhỏ, giản đơn nhưng thực tế lại không nhỏ chút nào, phức tạp và gây nhiều bức xúc lâu nay - đó là vị trí đặt các thùng rác...

Nếu đi một vòng quanh thành phố Đà Nẵng chúng ta sẽ thấy các thùng rác đặt ở các vị trí ven đường mà cứ nghĩ là hợp lý, tiện lợi nhưng thực ra rất bất lợi. Các thùng rác nằm giữa nắng mưa, chủ yếu nương tựa vào các gốc cây, trụ điện, có thùng chình ình trước mặt tiền nhà phố. Chính các thùng rác đã làm ô nhiễm thêm môi trường, mất mỹ quan thành phố và không phù hợp với một thành phố đang xây dựng theo tiêu chí văn minh, hiện đại. Thùng rác to, nhỏ đặt để ở đâu thì bị vương vãi, ô uế nơi đó, do: có những người đổ rác thiếu ý thức đổ ra ngoài; đội ngũ chai bao chọc chĩa, tìm kiếm các “vật thể lạ”; lũ chuột luôn rình mò, “khám phá” suốt ngày đêm... làm cho anh chị em Cty Môi trường - Đô thị vất vả và mất nhiều thời gian hơn.

Có những con đường đặt các thùng rác dày đặc (50- 100m) nhưng bẩn cứ bẩn. Những nơi ấy cứ vô tư tạo thành bãi rác nhỏ, như đường Trần Cao Vân, Chi Lăng, Ông Ích Khiêm, Hải Phòng, Đỗ Anh Hàn, Trần Nhân Tông... Nơi nào thấy nhà cửa thưa thớt, chưa xây dựng, có hàng rào khuất là ở đó có cơ hội tụ tập thùng rác, có nơi thùng rác nằm ở các tư thế: đứng, nghiêng, ngả... trông quá nhếch nhác. Ở các bãi biển nhiều người tắm, như Mỹ Khê, Non Nước,... các thùng rác hình chim cánh cụt, đặt thành hàng rất “hoành tráng”, mỗi thùng có in dòng chữ “Hãy cho tôi rác” nhưng có mấy ai cho, về đêm và khuya chỉ có các chị lao công cần mẫn cho nó đầy ắp rác.

Đó là thùng rác ở nội thành, còn ngoại thành rác không dùng thùng mà dùng “bãi”.

Vấn đề là không phải nhất thiết đặt thùng rác nhiều là sạch? Vì sao nhiều kiệt hẻm không có thùng rác vẫn sạch? Có gì đó bất cập trong cách gom rác? Ý thức công dân hay tuyên truyền, giáo dục về vệ sinh, môi trường chưa tác dụng? Phương thức gom rác thiếu khoa học, thụ động hay quy định chưa đi vào cuộc sống?

Ở nhiều thành phố trên thế giới, như Băngkok (Thailand), Bắc Kinh (Trung Quốc), Paris (Pháp)..., họ quy định từng hộ gia đình có trách nhiệm gom rác, phân loại rác ngay tại nhà, phát các bao nilon theo màu sắc đựng cho từng loại rác, được buộc kín và chỉ được đưa ra trước cửa nhà hàng ngày theo giờ quy định hợp lý (thường mỗi ngày 1-2 lần) trước khi xe rác chuyên dụng tới bốc đi (đường to có xe to, đường nhỏ, kiệt hẻm có xe nhỏ). Ai không chấp hành đúng quy định, sau 24 giờ, 48 giờ, 72 giờ... sẽ có các chế tài xử lý theo cấp độ: cúp nước, cúp điện, phạt tiền. Chúng ta có thể tham khảo xem? Ở mình, thấy nhắc nhở nhiều, góp ý nhiều, “ngâm cứu” nhiều, bảng hiệu “cấm đổ rác - xả bẩn” cũng nhiều, nhưng chưa thấy có hiệu quả.

Những ai biết thương yêu, chia sẻ với công việc của anh chị em lao công trực tiếp thu, dọn, chuyển rác thì sẽ nghĩ được cách để làm thế nào giảm bớt quá trình trung chuyển rác, giảm thời gian làm việc vất vả của anh chị em lao công, đảm bảo thu gom rác hiệu quả, sạch môi trường, đẹp đường phố. Vấn đề là, từ nơi đặt thùng rác suy nghĩ tới phương thức gom rác tốt nhất, đảm bảo chủ động từ hộ gia đình. Và mỗi khi có cách làm tốt, quy định hợp lòng dân, chế tài hợp lý... thì môi trường vệ sinh thành phố nhất định sẽ chuyển biến tích cực, và tiêu chí “ Xanh-Sạch- Đẹp”  không phải là điều xa vời.

F.T