Báo Công An Đà Nẵng

Thương lắm Lão khoa!

Thứ sáu, 23/07/2021 11:21

Mỗi lần vào Lão khoa - Bệnh viện Đà Nẵng chăm sóc người thân, lại có cảm giác dãy hành lang chạy dọc 10 phòng bệnh, 6 phòng chức năng sao dài xa tít tắp, ngày cũng như đêm lúc nào cũng sáng đèn. Lại thấy thương các điều dưỡng, hộ lý; ngày thường, công việc đã nhiều; đại dịch COVID-19, việc nhiều không xuể. 

Bác sĩ, hộ lý khoa Lão thuyết phục, đút cơm cho bệnh nhân.   Ảnh: P.T 

1. Tôi đặt cho điều dưỡng Thu biệt danh “cây kẹo mút”, bởi mỗi lần gặp lại thấy cô hao gầy đi. Tranh thủ lúc cô ngơi tay, tôi bắt chuyện thì hay Thu quê Lệ Thủy (Quảng Bình), chồng là kỹ sư xây dựng quê Nghệ An. Tết 2020, vợ chồng cô đưa con về quê nội ăn Tết thì đại dịch COVID-19 thình lình xuất hiện. Vợ chồng cô đành để con thơ hơn 1 tuổi cho ông bà nội chăm nom để trở vào Đà Nẵng làm việc. Đại dịch tiếp tục hoành hoành, mãi đến sau Tết Tân Sửu, vợ chồng cô mới ra Nghệ An đón con vào. “Vừa đón con vào Đà Nẵng thì trúng đợt dịch mới. Trường học đóng cửa, vợ chồng em ở nhà thuê, nội ngoại đều ở xa nên chẳng biết nhờ ai trông con. Chồng em đành mang con lên công ty, cho cháu ngồi một chỗ chơi với…chiếc điện thoại”, nghe Thu kể chuyện con trẻ mà tôi nghẹn lời. Tưởng chỉ có mình Thu, nào ngờ điều dưỡng, hộ lý nào ở Lão khoa có con nhỏ, quê ở xa cũng đều thế cả.

2.  Là nơi điều trị bệnh cho người già với đủ loại bệnh tật, lúc trái gió trở trời hay khi lên cơn loại thần, tâm tính các cụ ông, cụ bà trở nên bất thường. Có cụ suốt ngày nhân lúc các điều dưỡng bận làm thuốc lẻn ra khỏi phòng, đi dọc hành lang đòi mở cửa khoa để về nhà; có bà lão mỗi lần lên cơn loạn thần lại mắng chửi ra rả cả đêm…Trước diễn biến phức tạp về tình hình dịch bệnh COVID-19, để đảm bảo an toàn cho bệnh nhân cũng như đội ngũ y tế, Bệnh viện Đà Nẵng quy định, ngoại trừ những bệnh nhân nặng, bệnh nhân bị liệt nằm một chỗ là có người nhà vào chăm (không cho thay người - P.V); các bệnh nhân còn lại đều do điều dưỡng, hộ lý thay phiên nhau chăm sóc, từ đút ăn đến thay tả, làm vệ sinh cá nhân…Vì thế, lúc nào tôi cũng thấy họ bận rộn, tất bật, làm việc không ngơi tay. Nhớ một lần trong phiên ca trực của điều dưỡng Giang, có bà lão lên cơn loạn thần đòi ra ngoài tắm nắng, rồi đòi về nhà nấu cơm cho cháu nội ăn để kịp giờ đi học. Sau khi tìm mọi cách dỗ dành không được, điều dưỡng Giang bắt luôn ghế ngồi trước cửa phòng; vừa canh, vừa năn nỉ: “Bà ơi! Bà về giường nằm, đừng đi lại lung tung lỡ té ngã nghe. Con còn nhiều việc lắm!”…

3.  Nhiều lần vào Lão khoa chăm sóc người thân, tôi chứng kiến nhiều đêm, các ê-kíp trực thức trắng. Nào nhận bệnh nhân mới được chuyển từ khoa cấp cứu lên; nào xử lý ca bệnh nặng chuyển biến xấu, nào cắt cơn cho những cụ ông, cụ bà lên cơn loạn thần náo loạn cả Khoa. Có bệnh nhân không kiểm soát được hành vi, không cho hộ lý, điều dưỡng làm vệ sinh với thái độ hung dữ. Sau rồi, nhìn bà cụ cười tươi rói như không hề có chuyện gì, rồi nhìn thấy gương mặt phờ phạc của các điều dưỡng, hộ lý, tôi nghe lòng mình đắng ngắt. Một lần, tôi hỏi điều dưỡng Minh - cô gái có gương mặt xinh xắn, hiền lành, giọng nói nhỏ nhẹ, quê ở Quảng Bình, Hà Tĩnh gì đó - có yêu nghề không mà đăng ký theo học ngành điều dưỡng. Minh cười, trả lời thật lòng: “Hồi chưa bước chân vào nghề, nào biết vất vả sẽ ra sao. Lúc vào mới thấm. Nhưng nhìn các cụ ông, cụ bà đau ốm, thấy thương không chịu được, không muốn bỏ nghề chút nào”. 

Điều dưỡng Châu “hột mít”, người Đà Nẵng bộc bạch, cô đăng ký theo nghề điều dưỡng là do bị mẹ dụ dỗ. “Mẹ em nói nghề điều dưỡng đẹp lắm con. Được mặc áo blouse trắng, được đi theo bác sĩ khám bệnh. Bác sĩ kê đơn, điều dưỡng theo toa để tiêm thuốc cho bệnh nhân. Chỉ sau 1 tháng thử việc là vỡ mộng đẹp. Nhưng khi nhìn cảnh người già đau ốm, em thương lắm…”, Châu cười nói. Còn điều dưỡng Tâm thì thổ lộ, khi chưa vào làm ở Khoa lão, cô nào biết đến chuyện mặc tả, thay tả. Giờ thì làm được tất. Lại có hôm vào phòng trực để báo điều dưỡng người nhà đã hết thuốc truyền, tôi lặng đi khi thấy điều dưỡng Hiền B gục mặt trên tập hồ sơ bệnh lý của bệnh nhân, gương mặt phờ phạc. Tôi vội quay ra thì cô giật mình tỉnh ngủ. Tôi nói cứ tranh thủ chợp mắt đi, nhưng cô cười nói “em quen rồi” và tất tả đến phòng bệnh rút dây truyền để “ông ngủ cho thẳng giấc”!

4. Không chỉ có điều dưỡng, hộ lý, đội ngũ bác sĩ ở Lão khoa cũng rất tận tình, chu đáo với bệnh nhân. Tôi nhớ mãi hình ảnh bác sĩ Khoa biếu hộp bánh ngon cho một bệnh nhân ở phòng bệnh nặng 104, khi bà đòi ăn bánh ngon; hay cách bác sĩ Duy Thành nhanh nhẹn mở hộp cơm thuyết phục bệnh nhân ăn để còn uống thuốc: “Muốn mau lành bệnh, bác phải cố ráng ăn uống, bồi bổ nhiều vô để mau được về nhà với con cháu nghe...”. Nhớ cách những bác sĩ nữ ở đây dỗ ngọt các cụ bà lên cơn loạn thần như dỗ ông, bà mình mà thấy quý…  

Ở Lão khoa, tôi cảm nhận được tình người thật đậm!

P.THỦY