Báo Công An Đà Nẵng

Thương lắm lớp 1 ơi!

Thứ tư, 13/09/2017 09:41

Tuần học đầu tiên của năm học mới đã trôi qua. Đây cũng là tuần học mà giáo viên chủ nhiệm (GVCN) khối lớp 1 bậc tiểu học (TH) vất vả nhất.

Cô Như Quỳnh (GV Trường TH Ông Ích Khiêm) tập cho HS lớp 1 tư thế ngồi trong lớp.

Vất vả đưa học sinh vào nền nếp

Ngay sau lễ khai giảng, phát hiện mẹ ra về, một cậu bé lớp 1 Trường TH Ông Ích Khiêm (Q.Hải Châu, Đà Nẵng) liền chạy ào ra khỏi lớp, vừa chạy vừa gào khóc, không cho bất kỳ cô giáo nào đến gần mình. Đích thân thầy hiệu phó phải chạy theo, chật vật lắm mới ôm được cậu bé. Áo thầy ướt đẫm mồ hôi. Mặc cho thầy dỗ dành, cậu bé vẫn tìm cách thoát ra, làm văng chiếc kính của thầy. Phải vất vả lắm, thầy mới bồng được cậu bé vào lớp...

Cũng tại Trường TH Ông Ích Khiêm, tôi chứng kiến cô giáo Nguyễn Cửu Thị Như Quỳnh vừa ổn định lớp học nhao nhao như ong vỡ tổ, vừa xoa đầu, tìm cách dỗ dành một bé gái đang khóc nhè vì lạ trường, lạ lớp. Dỗ cô bé nín khóc xong đã thấy một cậu bé khác đứng dậy mếu máo đòi về nhà, cô Quỳnh vội vàng chạy đến bên dỗ dành rất đặc biệt. Thấy tôi ngạc nhiên, cô khẽ giải thích: "Cháu là học sinh tự kỷ học hòa nhập nên phải có cách dỗ riêng". Chỉ trong 10 phút, tôi chứng kiến không biết bao nhiêu lần học trò chạy đến bên cô giáo, cháu thì mách bị bạn chọc, cháu thì hỏi có được phép chơi bong bóng không, lại có cháu hỏi bao giờ thì được về nhà... Bài học đầu tiên cô giáo Quỳnh dạy cho học sinh (HS) là cách ngồi đúng tư thế, cách vòng tay lên bàn giữ trật tự, không được nói leo… Giọng cô khản đặc đi bởi HS lớp 1 chưa quen nền nếp, cứ nhao nhao hỏi, nói chuyện…

Cô Phan Thị Thu Ba - Hiệu trưởng Trường TH Ông Ích Khiêm - cho biết, so với các khối lớp từ 2 đến 5, GVCN khối lớp 1 vất vả hơn rất nhiều, đặc biệt là tuần đầu tiên của năm học mới. Từ môi trường học ở bậc mầm non chủ yếu ăn, ngủ, vui chơi là chính, bước vào lớp 1, HS phải tập làm quen với môi trường học tập mới, từ cách ngồi, cách cầm bút sao cho đúng đến giờ giấc sinh hoạt, học tập… Vì thế, GVCN phải tập cho các em từng li, từng tí một. Việc chọn lựa giáo viên dạy lớp 1 luôn được nhà trường cân nhắc. "Ngoài kiến thức chuyên môn giỏi, họ phải là những GV có kinh nghiệm, tính phải đằm thắm, chỉn chu, chữ viết phải đẹp. Và trên hết, đó phải là những người có tấm lòng yêu trẻ hết mực. Bởi với HS lớp 1 phải chăm lo từng li, từng tí như người mẹ vậy", cô Ba chia sẻ.

Còn theo cô Ông Thị Thái Hằng - Hiệu trưởng Trường TH Trần Văn Ơn, GV dạy lớp 1  phải chọn những người hết sức mềm mỏng, có tính kiên nhẫn cao và có nhiều tài vặt như hát múa, làm trò… Ngoài việc tập và hình thành các kỹ năng cơ bản, đối với HS lớp 1, việc quan tâm đến miếng ăn, giấc ngủ của các em cũng rất quan trọng, luôn được nhà trường chú trọng.

Cần sự phối hợp từ phụ huynh

18 năm thâm niên trong nghề dạy HS lớp 1, cô giáo Trương Thị Hà (Trường TH Ông Ích Khiêm) không còn nhớ đã có bao nhiêu kỷ niệm với HS đầu cấp này. Theo cô Hà, để dạy dỗ, đưa HS lớp 1 vào nền nếp, GVCN phải kiên trì, nhẫn nại. Bởi lẽ, không phải HS đầu cấp nào cũng thích nghi được ngay môi trường học tập, sinh hoạt mới. Có em vẫn còn thói quen tè dầm, còn tùy tiện trong sinh hoạt cá nhân… Vất vả hơn cả là dạy trẻ tự kỷ hòa nhập. "Lớp nào có HS tự kỷ, trách nhiệm của GVCN là phải làm sao để các phụ huynh (PH) khác thông cảm, chia sẻ và phải tạo được sự an tâm cho PH khi con em học trong lớp học có HS tự kỷ. Sự tương tác, phối hợp giữa PH với GVCN và nhà trường vô cùng quan trọng", cô Hà nói.

Đồng quan điểm này, cô giáo Bùi Thị Kế (GV Trường TH Ông Ích Khiêm) cho rằng, trong quá trình rèn và dạy dỗ cho HS lớp 1 các kỹ năng tự phục vụ bản thân, ngăn nắp trong sinh hoạt, nền nếp trong học tập sẽ thật khó khăn khi không có sự hợp tác từ cha mẹ. Bởi thực tế, không ít PH vì quá thương con đã tự tay làm thay các phần việc này cho các cháu. Điều này vô hình trung đã hình thành một thói quen, sự ỷ lại ở trẻ.

Cô giáo Phan Thị Minh Châu, người có thâm niên 15 năm làm GVCN lớp 1 Trường Trần Văn Ơn cho rằng: "Ngay từ khi bước vào năm học mới, GVCN phải liên hệ với PH để nắm bắt tâm lý, đặc điểm của HS, nhất là HS có cá tính đặc biệt để có cách dạy dỗ phù hợp. Theo đó, rất cần sự phối hợp, tương tác của PH trong vấn đề dạy, rèn các kỹ năng tự  phục vụ góp phần giúp cháu đi vào nền nếp hơn".

Được ví là nền móng đầu tiên trên hành trình tiếp thu, lĩnh hội tri thức, học cách làm người để làm hành trang bước vào đời của mỗi con người, việc rèn và dạy dỗ HS lớp 1 các kỹ năng cơ bản vô cùng cần thiết. Trên hành trình rèn, dạy dỗ ấy, cần có sự đồng hành, tương tác giữa PH với nhà trường và GVCN.

PHAN THỦY