Báo Công An Đà Nẵng

Thương lắm, tháng Chạp ơi

Thứ sáu, 23/01/2015 09:50

(Cadn.com.vn) - Nếu ai hỏi trong năm, thời gian nào bạn cảm thấy lòng mình xôn xao nhất? Có lẽ, trong bạn, trong tôi, trong mỗi người chúng ta, tháng Chạp hình như cho ta nhiều cảm xúc nhất. Đó là tâm trạng nao nao chờ đón xuân về, tết đến xen lẫn với những bận rộn, lo toan những công việc không tên trong gia đình. Tháng Chạp về, lòng người bỗng dưng lâng lâng cảm xúc khi lắng nghe trong gió mùi hương của hoa vạn thọ, của cúc nồng nàn đầu phố. Xuân đang về chạm ngõ, lòng bỗng rưng rưng nhớ nhung những mùa Xuân đã qua.

Tôi đã đọc bài thơ “Tháng Chạp” của nhà thơ Nguyễn Chiến:

 “Nắng

như là thiếu em

già như nếp nhăn

tháng Chạp nhón chân bước vội

tháng Chạp rao bán mùa xuân

phờ phạc tiếng nói

chợ nụ cười, mồ hôi, nước mắt

người hối hả sắm sanh hạnh phúc

căn nhà chật ních sự bày biện

may có loài hoa lạnh lùng mà đẹp, thản nhiên mà hương”.

Tháng Chạp, sáng sớm, nắng hoai hoai, se sắt, gió cuối mùa lạnh hanh hao. Trên đường đến cơ quan, thoảng mùi rau hành, ngò, húng, cải, tần ô, xà lách trên những chiếc xe máy cà tàng của chị em ở quê chở ra phố cho kịp buổi chợ sớm mai. Bất chợt nhớ da diết cánh đồng rau quê vào vụ Đông chuẩn bị bán tết những năm cũ. Những cánh đồng heo hắt, mùi bùn non thơm nồng theo cơn bấc cuối mùa. Những bó mạ non xanh mướt, theo bàn tay chị tay em thoăn thoắt trên cánh đồng trong giá lạnh tê tái.

Hồi nhỏ ở quê, tháng Chạp tôi hay theo người lớn ra đồng cấy lúa Đông- Xuân, trồng khoai vụ tháng 3, hay tưới tắm chăm sóc vườn la-ghim bằng đôi gàu xoa oằn lưng.  Mùi ruộng đồng, vườn tược lại hiển hiện trong từng giấc mơ đồng bãi, quê nhà. Những hình ảnh ấy, có lẽ sẽ bất biến trong những người sinh ra từ gốc rạ. Nhớ mãi những đôi bàn chân đen nhẻm, sần sùi, lạnh ngắt vùi sâu dưới cánh đồng nhão nhẹt bùn non. Bỗng thấy thương chị, thương em chốn quê bao đời tần tảo, mà cái ăn cái mặc, cho dù không thiếu thốn như thời bao cấp đói nghèo nhưng vẫn còn lắm chật vật.

Ông bà mình có câu: Gạo tháng Giêng, tiền tháng Chạp”,  bao nhiêu cũng không đủ, vẫn thấy ít, bởi cái gì cũng cảm thấy thiếu, cái gì cũng muốn sắm sanh, vì bởi cái gì cũng muốn năm mới thì mọi cái phải mới, phải đẹp. Bây giờ, cuộc sống hiện đại, siêu thị, chợ mọc lên nhan nhãn, từ quê đến phố, phục vụ đầy đủ nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng, nhưng tâm lý, thói quen khó bỏ của người Việt là lo trước, phòng xa, muốn cái gì cũng đầy đủ trong nhà 3 ngày tết, vì sợ cả năm sẽ túng thiếu, cho dù cho ngày mồng 2 tết, đó đây phiên chợ đầu năm đã xôn xao họp lại rồi.

Tháng Chạp là tháng lo toan với bao bộn bề cuộc sống, là tháng của đoàn tụ, sum vầy bên mái ấm gia đình, bà con, tộc họ, láng giềng quê kiểng sau một năm xa quê bôn ba làm ăn nơi xứ người. Tháng Chạp còn là tháng để yêu thương, để sẻ chia với cộng đồng,  hàng xóm láng giềng, bạn bè, với những mảnh đời bất hạnh, khốn khó. Tặng cho em thơ một chiếc áo mới xênh xang với bạn bè trong 3 ngày tết, những bàn tay lại nắm lấy những bàn tay, vỗ về nâng đỡ, và lòng người bỗng trở nên rộng mở, yêu thương ấm áp hơn. Vẫn nghe trong tâm khảm nỗi nhớ nhung khắc khoải mỗi khi tháng Chạp về. Thương lắm, tháng Chạp ơi!

Đinh Văn Dũng