Báo Công An Đà Nẵng

Kỷ niệm 74 năm ngày Thương binh, liệt sỹ (27-7-1947 – 27-7-2021):

Thương nhớ khôn nguôi

Thứ ba, 27/07/2021 08:19

Mẹ già rồi nên ký ức trong mẹ không theo ngày tháng, mà chất chứa theo mùa. Nhưng có bao mùa cũng đều chỉ gọi một tên: mùa nhớ. Nhớ mùa mưa năm ấy, con trai của mẹ đã hy sinh khi đang giúp đỡ đồng bào phòng chống lụt bão trong ngày lũ dữ ập về bản. Anh bỏ lại đời binh nghiệp tự hào cùng tuổi đời mênh mông, vĩnh viễn rời xa mẹ già, người vợ trẻ hiền lành và hai con thơ cùng niềm thương tiếc của đồng đội. Mẹ đớn đau, đón anh về giữa cái nắng miền xuôi mà tê tái lòng. 20 năm có lẻ, mẹ vẫn khóc nhớ anh, quay quắt.

Mẹ Phún thẫn thờ trong nỗi nhớ con khôn nguôi.

Mẹ Tạ Thị Phún (88 tuổi) ở thôn Nam Phú, xã Vĩnh Nam, nay là xã Trung Nam (H. Vĩnh Linh, Quảng Trị) được trao tặng danh hiệu Mẹ Việt Nam anh hùng vào tháng 7-2020. Con trai mẹ, Liệt sĩ – Đại úy Hà Quang Huấn là sỹ quan biên phòng Quảng Trị, hy sinh vào cuối tháng 8-2000, lúc đó anh đang là Trạm trưởng trạm Kiểm soát biên phòng Cheng, ĐBP 609 (nay gọi là ĐBP Hướng Phùng), đóng chân tại xã Hướng Phùng, H. Hướng Hoá (Quảng Trị). Chúng tôi gặp mẹ trong những ngày tháng Bảy tri ân này. Sức khoẻ mẹ xuống hẳn hơn trước, một phần vì tuổi cao bệnh tật, một phần về già khiến nỗi nhớ con lại càng mãnh liệt hơn. Trong ngôi nhà cấp 4 giản dị, mẹ sống cùng gia đình người con trai út Hà Quang Hoành (1977), làm nghề nông, là con thứ 8 của mẹ.

Trò chuyện mới hay ngoài nỗi đau mất con trong thời bình, mẹ còn chịu mất mát đau đớn lớn trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Trở lại năm tháng là cô gái xinh đẹp, gan dạ của vùng đất Nam Phú, mẹ lập gia đình với chàng trai dân quân dũng cảm đất Vĩnh Nam. Rồi 5 đứa con lần lượt chào đời, nếp tẻ đủ cả. Năm 1967, ông hy sinh trong ngày chiến đấu ác liệt, địch dội bom trút như mưa xuống Vĩnh Linh. Mẹ Phún lúc đó mới 34 tuổi. Hoàn cảnh ngặt nghèo nhưng như bao người dân Vĩnh Linh anh hùng, mẹ tiếp tục bám trụ, bảo vệ xóm làng, thay chồng nuôi các con. Nhiều người đều quý mến và nể phục nghị lực của người mẹ trẻ, vợ liệt sĩ ấy, trong đó có chiến sĩ dân quân họ Hà, người cùng xã. Họ đến với nhau bằng tin tưởng, sẻ chia và thương yêu lớn dần lên. Đứa con đầu của hai ông bà là anh Hà Quang Huấn, sinh năm 1969. Sau anh Huấn còn 2 người em nữa. Cả gia đình cùng 8 đứa con đi qua ngày tháng gian khó nhưng đầm ấm, thuận hòa. Ngày 1-3-1990, anh Huấn lên đường nhập ngũ, biên chế vào BĐBP Quảng Trị.

Những năm cuối thập niên 1990 thế kỷ trước, đường đến các đồn thuộc hai tuyến biên phòng Quảng Trị vẫn rất gian nan, nhất là tuyến rừng. Và sau nhiều năm công tác tại ĐBP Mỹ Thuỷ (tuyến biển), anh Huấn được điều động lên ĐBP 609. Khi đường HCM nhánh tây chưa nâng cấp, đoạn từ Khe Sanh ra ĐBP 609 chừng 30km nhưng mùa mưa chỉ có thể cuốc bộ, có khi mất trọn ngày. Mưa lũ tại vùng đồi núi này rất dữ dội. Năm 1999, Quảng Trị trải qua trận lũ lịch sử lớn nhất 20 năm trở lại. Đến năm 2000, lũ lại về sớm sau những ngày mưa tầm tã. Đồng bào thiểu số người Vân Kiều ở Hướng Phùng nhà cửa tạm bợ buộc phải sơ tán nhanh, kịp các con suối nước đang cao dần. Trước diễn biến không thể chậm trễ, CBCS ĐBP 609 tốc lực đi giúp dân, đưa dân đến nơi an toàn. Và trong sự khẩn trương ấy, dòng nước đã cuốn trôi anh Huấn.

Anh Hà Quang Hoành nhớ lại, sau khi xảy ra sự việc, lực lượng Biên phòng cùng địa phương nỗ lực tìm kiếm anh trai, với hy vọng chỉ mắc kẹt ở đâu đó, còn sống. Nhưng mọi nỗ lực đã bị dập tắt khi đồng đội tìm được thi thể anh, lúc đó họ mới dám báo tin về gia đình. Mẹ Phún đớn đau, đón con về giữa cái nắng miền xuôi mà tê tái lòng. Chị Hằng, vợ anh Huấn, ngã quỵ trước nỗi đau và mất mát quá lớn. Hơn 20 năm chồng ra đi mãi mãi, chị Hằng dồn hết thương yêu cho hai con, nuôi con khôn lớn. Càng thương con, chị Hằng càng hiểu nỗi đau trong lòng mẹ, tưởng năm tháng đã lặng lẽ nhưng chưa hề nguôi ngoai.

Nhìn trong mắt buồn của Mẹ, chúng tôi dường như lọt vào thẳm sâu biển lớn thương yêu và nhớ mong về người con đã ngã xuống vì bình yên của nhân dân và bản làng. Niềm xúc động ấy gợi chúng tôi đến nhớ trận bão lũ lớn nhất 40 năm vào tháng 10-2020. 22 đồng chí sỹ quan, quân nhân chuyên nghiệp, chiến sĩ của Đoàn KT-QP 337 (Quân khu 4, đóng chân ở Hướng Phùng) đã hy sinh trong khi làm nhiệm vụ giúp dân khắc phục hậu quả mưa lũ ngày 18-10-2020 tại xã Hướng Phùng. Và cũng chỉ mấy tiếng trước đó, tại địa bàn xã Hướng Việt (H. Hướng Hóa), Đại uý Trương Văn Thắng, CAX Hướng Việt (CAH Hướng Hóa) cũng đã hy sinh trong quá trình tìm kiếm, cứu dân gặp nạn trong lũ quét. Bao nhiêu tưởng nhớ là bấy nhiêu tri ân xin dành đến những người chiến sĩ đã xuống vì sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, vì bình yên của nhân dân. Và cả mọi hy sinh to lớn, lặng thầm đến từ những người cha, người mẹ, người vợ… luôn ghi nhớ, khắc sâu.

Bảo Hà

>> 10 năm miệt mài đi tìm đồng đội

>> Bộ đội Biên phòng Đà Nẵng thực hiện tốt phong trào đền ơn đáp nghĩa