Báo Công An Đà Nẵng

Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh: Lực lượng tham gia gìn giữ hòa bình của Việt Nam là đội quân mẫu mực

Thứ sáu, 19/07/2019 07:23

Để làm rõ hơn những dự định và bước đi tiếp theo của Việt Nam trong việc tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hiệp quốc (LHQ), phóng viên đã có cuộc phỏng vấn Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Ủy viên T.Ư Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy T.Ư, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổ trưởng Tổ công tác liên ngành, Trưởng ban Chỉ đạo Bộ Quốc phòng về tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình LHQ.

Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh

P.V:  Xin ông cho biết đánh giá chung về tầm quan trọng của các hoạt động gìn giữ hòa bình LHQ?

Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh: Việc tham gia vào hoạt động gìn giữ hòa bình LHQ là một trong những chính sách đối ngoại của Việt Nam, tuyên bố mạnh mẽ và thể hiện hình ảnh một quốc gia có uy tín, trách nhiệm đối với cộng đồng quốc tế, góp phần đảm bảo hòa bình, an ninh thế giới. Chúng ta không chỉ mong muốn LHQ ủng hộ, giúp đỡ Việt Nam, mà chúng ta cũng đóng góp vào những hoạt động của LHQ, mặc dù còn nhiều khó khăn. Đây là một trong những nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước giao cho Quân đội và đã được tiến hành qua 5 năm.

Ý nghĩa thứ hai của việc tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình LHQ, đó là quảng bá và tôn vinh hình ảnh của đất nước, Quân đội, nhân dân Việt Nam đối với bạn bè quốc tế. Đây không chỉ là ngoại giao đơn thuần mà là làm thật, việc thật - một thử thách rất khó khăn đối với nhiều quốc gia. Do đó, yêu cầu đặt ra là chúng ta cần làm tốt nhiệm vụ của mình, góp phần quảng bá hình ảnh đất nước.

Lực lượng tham gia gìn giữ hòa bình của Việt Nam lại là một đội quân mẫu mực, có tỷ lệ nữ vào loại cao nhất trong tất cả các quốc gia; không vi phạm kỷ luật và các quy định của LHQ, một đội quân có chuyên môn giỏi theo đánh giá của LHQ. Việc rèn luyện kỹ năng công tác, hoạt động, chiến đấu trong môi trường khắc nghiệt ở những khu vực rất xa đất nước, tạo cho chiến sĩ của chúng ta những kỹ năng mới, đạt yêu cầu mới theo quy chuẩn của thế giới.

Ví dụ như hoạt động quân y, chúng ta có thể chữa bệnh rất tốt nhưng LHQ có hơn 90 quy trình chuẩn cần theo sát để không bị sai sót, không bị “lỗi quá trình”..., đó cũng là yếu tố chúng ta rèn luyện cho bộ đội. Tuy nhiên, chúng tôi cũng rất bất ngờ và tự hào khi bộ đội ta có những kỹ năng đặc biệt khiến LHQ khâm phục. Đây là các kỹ năng mà quân đội của nhiều nước rất mong muốn có được, như khả năng thích nghi trong môi trường khắc nghiệt, khả năng tổ chức cuộc sống, ứng phó trong điều kiện không đầy đủ... Điển hình là Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1 của Việt Nam sau khi tiếp nhận của Anh một thời gian ngắn đã đi vào khám chữa cho một số lượng lớn bệnh nhân, kể cả bệnh nhân quân sự và bệnh nhân dân sự.

Ý nghĩa cuối cùng của việc tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình là tạo môi trường thử thách cho cán bộ, chiến sĩ. Chúng ta sống trong thời bình, tuy nhiên nhiệm vụ còn rất nặng nề, khó khăn. Việc công tác, hoạt động ở địa bàn xa sẽ giúp “kiểm tra” lại xem người lính Việt Nam sẽ làm việc như thế nào, năng lực đến đâu, để thấy yên tâm rằng những kinh nghiệm của Quân đội ta trong các cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc, giải phóng đất nước hoàn toàn có thể áp dụng trong thời bình, góp phần kiến tạo hòa bình, an ninh của đất nước mình, cũng như của thế giới.

P.V:  Có thể nói việc Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 2 (Bệnh viện 2.2) chuẩn bị lên đường thực hiện nhiệm vụ là một đợt “đổi quân” với Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1 (Bệnh viện 2.1). Xin Thượng tướng cho biết sự khác biệt giữa nhiệm vụ mà Bộ Quốc phòng giao cho hai bệnh viện?

Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh: Chúng ta có thuận lợi vì Bệnh viện 2.1 đã hoàn thành tốt nhiệm vụ. Bệnh viện 2.2 tiếp quản thành quả hơn một năm qua và kinh nghiệm chúng ta đã có được. Tuy nhiên,  khó khăn đầu tiên là Bệnh viện 2.2 phải đảm bảo làm tốt bằng hoặc   tốt hơn những công việc mà Bệnh viện 2.1 đã thực hiện. Tiếp theo, chúng ta phải đảm bảo tỷ lệ nữ nhiều hơn Bệnh viện 2.1 và trình độ phải cao hơn.

Trong thời gian trước, do công tác chuẩn bị gấp rút, chưa kịp thời, vì vậy trình độ của một số anh chị em còn chưa thật xuất sắc. Lần này đội hình phải đồng đều hơn. Đặc biệt, chúng tôi đang nghiên cứu và nhận được sự đồng tình cao của Học viện Quân y – cơ quan chủ quản của Bệnh viện 2.2 về việc cố gắng xây dựng một bệnh viện không có rác thải nhựa. Đây là một tiêu chí đặc biệt quan trọng của LHQ, một yêu cầu đặc biệt của nước Châu Phi là Nam Sudan, đồng thời là chủ trương của Đảng, Nhà nước ta.

Việc này nói vậy nhưng không hề đơn giản, nhất là đối với ngành y. Làm sao để không có rác thải nhựa, từ bao bì ni-lông, từ cái cốc đến thiết bị y tế..., chúng ta sẽ chuẩn bị. Tôi tin với quyết tâm của các đơn vị, chúng ta sẽ thực hiện được tiêu chí này. Nếu được thì đây sẽ là đơn vị đầu tiên tham gia gìn giữ hòa bình của Việt Nam không có rác thải nhựa và cũng là đơn vị đầu tiên của các phái bộ LHQ  ở nước ngoài không có rác thải nhựa.

P.V:  Việt Nam đang chuẩn bị cho Đội Công binh tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc với dự kiến biểu biên chế lớn, trên 300 người. Điều này tạo nên khó khăn, thách thức như thế nào đối với Việt Nam, thưa Thượng tướng?

Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh: Đây là bước đi mới, nấc thang mới trong hoạt động gìn giữ hòa bình của chúng ta. Với quân y, đội hình khoảng hơn 60 đồng chí thì là đơn vị cấp đại đội. Nhưng với đơn vị công binh, là đơn vị cấp tiểu đoàn, thậm chí trung đoàn vì trang bị rất lớn, lên tới hàng ngàn tấn trang bị cần đưa sang địa bàn phục vụ quá trình công tác. Đội Công binh không đóng độc lập như bệnh viện dã chiến, mà phải phân tán và thực hiện nhiệm vụ tương đối khó khăn, đó là thách thức mới. Tuy nhiên, chúng ta đã chuẩn bị hơn 5 năm và chính thức thành lập Đội công binh này được hơn 3 năm. Các đợt kiểm tra gần đây cho thấy LHQ đều đánh giá rất cao khả năng đội Công binh của chúng ta. Chúng tôi đã đưa các đồng chí chỉ huy các đơn vị và một số sĩ quan công binh sang tận địa bàn để khảo sát nhiệm vụ của nước bạn. Các đồng chí đã khẳng định với Bộ Quốc phòng là lực lượng Công binh sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ. Đây cũng là niềm tin, sự khẳng định của chúng ta với LHQ.

P.V:  Thượng tướng đánh giá như thế nào về khả năng lực lượng dân sự Việt Nam tham gia gìn giữ hòa bình LHQ?

Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh: Lực lượng dân sự Việt Nam tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình là một trong những đề nghị của LHQ. Việc triển khai lực lượng này cũng nằm trong đề án mà Bộ Chính trị đã thông qua. Tuy nhiên, chúng ta cần chuẩn bị thận trọng, tìm kiểu kỹ càng về cơ chế, yêu cầu khả năng quản lý chỉ đạo để đảm bảo hai yêu cầu: Hoàn thành tốt nhiệm vụ của LHQ và yêu cầu cao hơn là đảm bảo an toàn cho tất cả cán bộ cử đi.

Các bác sĩ - chiến sĩ của Bệnh viện Dã chiến Việt Nam trao đổi với đồng nghiệp tại Phái bộ gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc ở Nam Sudan.

P.V:  Xin Thượng tướng chia sẻ về phương hướng, mục tiêu cũng như những thử thách chúng ta có thể gặp phải thời gian tới trong việc tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình LHQ?

Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh: Những chủ trương, nội dung, bước đi của chúng ta đều đã nằm trong Đề án của Bộ Chính trị và Chính phủ, chúng ta sẽ dần mở rộng các hoạt động gìn giữ hòa bình LHQ. Tuy nhiên, yêu cầu của LHQ đối với chúng ta trong việc này rất rộng, rất cao. Điều đó cũng xuất phát một phần từ chính chúng ta bởi chúng ta đã làm rất tốt giai đoạn đầu và đã tạo được sự tin tưởng cho họ. Vì vậy, LHQ đề nghị chúng ta mở rộng các hoạt động. Ví dụ như bên cạnh Quân y, LHQ mong muốn Việt Nam cử đội Công binh tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình. Không chỉ Công binh, chúng ta dự kiến cử các lực lượng Bộ binh để bảo vệ căn cứ, không tham gia xung đột; hay nghiên cứu cử các chuyên gia quân sự, Đội sĩ quan cảnh sát để làm công tác tham mưu. Đặc biệt hơn nữa, trong quá trình công tác tại các quốc gia cũng như các phái bộ, LHQ đã chính thức mời một số sĩ quan Việt Nam làm cán bộ chỉ huy của LHQ tại phái bộ cũng như ở trụ sở LHQ. Đây là điều chúng ta hướng đến nhiều năm mà chưa làm được. Tới đây, tôi sẽ nghiên cứu và báo cáo cấp có thẩm quyền để cử một số đồng chí đi với tư cách là sĩ quan chỉ huy của một phái bộ hoặc sĩ quan tham mưu tại trụ sở LHQ. Đó cũng chính là một sự hiện diện mới của quốc phòng, quân sự của Việt Nam trên môi trường quốc tế.

P.V:  Xin trân trọng cảm ơn Thượng tướng!

H.HẠNH - TTXVN (thực hiện)

Nghiên cứu cử lực lượng công an và dân sự tham gia gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc

Sáng 18-7, tại Hà Nội đã diễn ra Hội nghị tổ công tác liên ngành về việc Việt Nam tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc. Thông tin tại Hội nghị, Thiếu tướng Hoàng Kim Phụng, Cục trưởng Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam cho biết: Thực hiện ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Quốc phòng trên cơ sở thông báo của Liên hợp quốc liên quan đến khả năng xem xét lựa chọn quốc gia triển khai Đội công binh tại Nam Sudan, Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam đã phối hợp với Bộ Tư lệnh Công binh, Cục Quân lực, Bộ Tổng Tham mưu xây dựng biểu biên chế tổ chức của Đội công binh tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc. Dự kiến, biểu tổ chức biên chế Đội công binh gồm 319 người, trong đó có 34 sĩ quan và 256 quân nhân chuyên nghiệp (chính thức: 290; dự bị: 19), 41 nữ quân nhân (chính thức: 38; dự bị: 3). Trên cơ sở hoàn thành nhiệm vụ của các sĩ quan Việt Nam, Liên hợp quốc đã trao đổi với lãnh đạo Bộ Quốc phòng Việt Nam và cho rằng, bên cạnh lực lượng quân sự, Việt Nam nên nghiên cứu cử thêm các thành phần khác tham gia vào hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, bao gồm lực lượng công an và lực lượng dân sự. Liên hợp quốc luôn hoan nghênh, khuyến khích, tạo điều kiện cho Việt Nam trong vấn đề này.

H.H