Báo Công An Đà Nẵng

Thương vụ tên lửa HIMARS có thể khiến biển Đông dậy sóng

Thứ bảy, 06/04/2019 12:04

Trong suốt thập kỷ qua, Trung Quốc đã liên tục gây ra những phản ứng chỉ trích gay gắt vì những tuyên bố chủ quyền vô lý và hành động trái phép trên biển Đông. Mỹ đã phản ứng gay gắt trong bối cảnh cuộc cạnh tranh quyền lực giữa hai nước leo thang. Trong Dự báo Thường niên năm 2019 của Stratfor, Washington được cho là sẽ tăng cường sự hiện diện an ninh ở biển Đông để thách thức các yêu sách lãnh thổ của Trung Quốc trong khu vực. Bây giờ, khi Philippines thảo luận về khả năng lắp đặt hệ thống tên lửa trong khu vực, Mỹ đang tiến xa hơn một bước.

Tàu chiến Mỹ tuần tra ở biển Đông.   Ảnh: Reuters

Biển Đông có thể sẽ lại một lần nữa dậy sóng. Tờ South China Morning Post trong tuần qua đưa tin, Mỹ và Philippines đã thảo luận việc bố trí Hệ thống tên lửa pháo binh cơ động cao (HIMARS) hiện đại ở biển Đông đang tranh chấp nhằm phòng thủ trước các hành động tuyên bố chủ quyền vô lý của Trung Quốc ở khu vực này.

HIMARS - chi phí rất đắt đỏ

Thông tin này được đưa ra trong bối cảnh có những lo ngại về mối quan hệ đồng minh không chắc chắn giữa Mỹ và Philippines dưới thời chính quyền của Tổng thống Rodrigo Duterte, nhà lãnh đạo vốn mong muốn được xem xét lại Hiệp ước phòng thủ lẫn nhau trong 70 năm qua của các quốc gia.

Tuy nhiên, hồi đầu tuần này, Lầu Năm Góc khẳng định “mối quan hệ đồng minh bền vững” giữa Mỹ và Philippines, và nhất trí sự cần thiết phải “tăng cường năng lực phối hợp lẫn nhau” giữa quân đội hai nước. Hồi tháng 2, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tuyên bố bất kỳ cuộc tấn công nào nhằm vào máy bay hoặc tàu của Philippines ở biển Đông sẽ buộc Mỹ phải phản ứng. Và việc đàm phán triển khai HIMARS là minh chứng cho thấy mối quan hệ đồng minh vẫn bền chặt giữa hai nước. Một chuyên gia cho biết, hệ thống tên lửa này của tập đoàn Lockheed Martin là hệ thống phóng tên lửa đa nòng hạng nhẹ, có thể phóng cùng lúc 6 tên lửa hoặc 1 tên lửa chiến thuật đất đối đất, với tầm bắn tối đa 300 km. Nếu được triển khai, HIMARS, với các tên lửa dẫn đường tầm xa có độ chính xác cao, có khả năng tấn công các đảo nhân tạo ở biển Đông do Trung Quốc chiếm đóng và bồi đắp bất hợp pháp.

Tuy nhiên, theo nguồn tin, mặc dù Washington và Manila đang hợp tác để ngăn chặn “hành động quân sự hóa” gia tăng của Bắc Kinh tại các đảo, nhưng hai nước này chưa thể nhất trí một thỏa thuận do HIMARS có chi phí quá đắt đỏ.

Vì nhiều nguyên nhân khác

Không những chi phí đắt đỏ, còn nhiều lo ngại khác liên quan đến việc triển khai tên lửa này.

Theo các chuyên gia, bất kỳ hành động triển khai quân sự tiềm năng nào của Mỹ ở biển Đông - cho dù với HIMARS hay cái gì khác - sẽ vượt ra ngoài quyền tự do hoạt động hàng hải mà Washington hiện đang theo đuổi trong khu vực. Bằng cách tăng sự hiện diện quân sự, Mỹ có lẽ sẽ ngăn cản Trung Quốc lộng hành hơn ở khu vực biển Đông - điều mà các hoạt động hiện tại của Washington ở vùng biển này không thực hiện được.

Đó là chưa kể mối lo khả năng Trung Quốc sẽ trở nên “khó trị” hơn nữa khi Mỹ-Philippines triển khai HIMARS ở biển Đông. Manila đã chùn bước khi biết chi phí đắt đỏ của hệ thống này, nhưng Washington đã nói họ có thể giảm giá để giảm bớt những lo ngại về tài chính của Philippines. Nếu cuối cùng chính phủ của Tổng thống Duterte đồng ý triển khai các hệ thống HIMARS, thì nó cũng sẽ thể hiện một sự thay đổi lớn trong mối quan hệ của chính họ với Trung Quốc trong bối cảnh Manila gần đây đang duy trì giọng điệu hữu nghị với Bắc Kinh.

Việc triển khai HIMARS hoặc các vũ khí khác của Mỹ tại biển Đông cũng có thể châm ngòi cho Trung Quốc tiếp tục vũ khí hóa các đảo nhân tạo của mình và đáp trả Philippines.

KHẢ ANH