Báo Công An Đà Nẵng

"Thủy chiến" Nga- Ukraine: Ukraine đề nghị NATO điều tàu đến biển Azov

Thứ sáu, 30/11/2018 12:22

Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko đề nghị các nước thành viên NATO, trong đó có Đức, điều tàu hải quân tới biển Azov nhằm hỗ trợ Kiev trong bất đồng hiện nay với Nga.

Tổng thống Poroshenko thăm các binh sĩ ở Chernihiv, miền bắc Ukraine.Ảnh: BBC

Trả lời nhật báo Bild của Đức, ông Poroshenko nêu rõ: "Đức là một trong những đồng minh thân cận nhất, và chúng tôi hy vọng các nước trong NATO sẵn sàng bố trí các tàu hải quân tới biển Azov để hỗ trợ Ukraine và cung cấp an ninh".

Trước đó cùng ngày, Tổng thống Vladimir Putin khẳng định các lực lượng Nga đã đúng khi bắt giữ 3 tàu Ukraine hồi cuối tuần qua. Tuy nhiên, ông Poroshenko cáo buộc người đồng cấp Putin "chỉ mong muốn chiếm giữ vùng biển này". Phát biểu đúng vào dịp Thủ tướng Ukraine Volodymyr Groysman sắp có chuyến thăm Berlin, ông Poroshenko nói: "Chúng tôi không thể chấp nhận chính sách gây hấn này của Nga. Đầu tiên là Crimea, sau đó là miền đông Ukraine, và giờ ông ấy muốn cả biển Azov. Đức cũng cần tự hỏi mình: Ông Putin sẽ làm gì tiếp theo nếu chúng ta không ngăn ông ấy"?

Tổng thống Poroshenko cũng ca ngợi Thủ tướng Đức Merkel là một người bạn vĩ đại của Ukraine. Nhà lãnh đạo Ukraine cũng kêu gọi Đức, nước nhập khẩu khí đốt lớn nhất của Moscow, ngừng xây dựng đường ống khí đốt dưới biển vốn sẽ cho phép Nga cung cấp khí đốt trực tiếp tới Đức mà không qua ngả Ukraine. Ông nói: "Chúng tôi muốn một phản ứng mạnh mẽ, cương quyết và rõ ràng đối với cách hành xử gây hấn của Nga. Điều này đồng nghĩa với việc chấm dứt dự án đường ống khí đốt Dòng chảy phương Bắc 2".

Đức, Pháp phản đối

Tại cuộc họp báo ngày 28-11, ông Steffen Seibert, người phát ngôn của chính phủ Đức, cho rằng, Berlin phải thảo luận với các đối tác Châu Âu khác trước khi đi đến việc mở rộng các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga sau vụ bắt giữ các tàu chiến Ukraine ở eo biển Kerch. Ông Seibert đánh giá việc siết chặt trừng phạt Moscow, theo yêu cầu của Mỹ và nhiều chính khách Châu Âu, là "hấp tấp". Ông Seibert cũng nhấn mạnh, sự việc ở Eo biển Kerch sẽ không ảnh hưởng gì đến dự án Dòng chảy Phương Bắc 2.

Trước đó, nhật báo Die Welt của Đức dẫn các nguồn tin ngoại giao ở Liên minh Châu Âu (EU) cho biết, sau cuộc họp bí mật tại Brussels ngày 28-11, các nhà ngoại giao Đức và Pháp đều phản đối gia tăng các lệnh trừng phạt hiện nay của EU với Nga vì cuộc đụng độ giữ Hải quân Nga và Ukraine trên Eo biển Kerch. Thay vào đó, chính phủ Đức và Pháp muốn duy trì nỗ lực ngoại giao dưới hỗ trợ của Tổ chức An ninh và Hợp tác Châu Âu (OSCE) được cho có thể đóng vai trò quan trọng trong giải quyết vụ việc tại Eo biển Kerch. Trong khi đó, hãng thông tấn Sputnik của Nga dẫn nguồn tin ngoại giao Châu Âu nói rằng các cuộc thảo luận ở EU đi đến thống nhất là đưa ra một lời kêu gọi các bên kiềm chế.

Âm mưu

Tổng thống Nga Vladimir Putin cáo buộc người đồng cấp Ukraine Petro Poroshenko dàn dựng "vụ khiêu khích" hải quân trên biển Azov hôm 25-11 nhằm mục đích tăng độ tín nhiệm của mình trước cuộc bầu cử dự kiến diễn ra vào năm sau.

Phát biểu tại một diễn đàn tài chính ở thủ đô Moscow, Tổng thống Putin cho rằng, phương Tây sẵn sàng tha thứ cho giới chính khách Ukraine về những thiếu sót của họ bởi phương Tây tin vào những đòn công kích Nga mà Kiev đang thúc đẩy. Theo nhà lãnh đạo Nga, các tàu của Ukraine rõ ràng có lỗi trong vụ đụng độ cuối tuần qua. Tổng thống Putin khẳng định lực lượng bảo vệ biên giới của Nga đã "hoàn tất nhiệm vụ quân sự" khi dừng các tàu chiến Ukraine bên ngoài bán đảo Crimea.

Trong khi đó, người phát ngôn chính thức của Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova không loại trừ khả năng một số nước phương Tây tham gia vào việc lên kế hoạch trong vụ việc hôm 25-11 vừa qua, Phát biểu trên kênh truyền hình Channel One của Nga, bà Zakharova nhấn mạnh: "Đây là một sự khiêu khích cố ý. Tôi chắc chắn rằng một số đối tác phương Tây của chúng tôi đã biết về việc đó hoặc thậm chí đã tham gia lên kế hoạch. Đây là lý do tại sao tất cả những điều này không phải là ngẫu nhiên. Quan chức Nga cũng nói thêm rằng các đánh giá mà phía Nga nghe được và chiến dịch thông tin đang được tiến hành lúc này càng chứng minh điều đó".

Trước diễn biến ngày càng căng thẳng sau vụ đụng độ, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Nga Konstantin Kosachev khẳng định Moscow sẽ làm mọi thứ có thể để ngăn chặn một cuộc xung đột quân sự với Ukraine, nhưng EU và NATO phải có trách nhiệm ngăn Ukraine phát động cuộc chiến. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan ngày 29-11 cũng cho biết, ông đã thảo luận với người đồng cấp Nga Vladimir Putin về khả năng Ankara trở thành một bên trung gian hòa giải trong cuộc khủng hoảng hiện nay giữa Moscow và Kiev sau vụ đụng độ ở Eo biển Kerch. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ cho biết thêm, ông sẽ tiếp tục thảo luận vụ đụng độ ở Eo biển Kerch trong cuộc gặp thượng đỉnh được lên kế hoạch với người đồng cấp Putin và Trump bên lề hội nghị thượng đỉnh G20 ở Buenos Aires sắp diễn ra.

AN BÌNH