Báo Công An Đà Nẵng

Thủy điện giành nước khiến người dân lao đao?

Thứ ba, 17/05/2016 09:36

(Cadn.com.vn) - Hàng chục hộ dân ở xã Phú Vinh và Hồng Thượng (H. A Lưới, tỉnh TT-Huế) đang gặp nhiều khó khăn trong sản xuất, nuôi trồng và sinh hoạt do mạch nước ngầm bị sụt lún nghiêm trọng và mất nước bề mặt. Nguyên nhân được người dân chỉ ra là do:

Dân khốn đốn

Ông Lê Thuấn (80 tuổi, trú thôn Phú Xuân, xã Phú Sơn), nhà có 3 hồ cá với diện tích 5 sào nhưng đang bỏ hoang, dù đầu tháng 5 là lúc cao điểm thả nuôi cá. Dẫn chúng tôi về các hồ cá đang bỏ hoang, ông Thuấn ngậm ngùi: "Nguồn nước nuôi cá của người dân trong xã chảy từ suối Ông Mô - một nhánh rẽ trên dòng A Sáp về, nhưng thời gian gần đây nước ngầm sụt giảm, nước mặt cũng không còn nên người dân không có nước để nuôi trồng". Ông Thuấn cho biết, hiện tượng sụt mạch nước ngầm đã xảy ra khoảng 4 năm lại đây, cao điểm là từ tháng 4-2016 đến nay. "Không chỉ hồ cá bỏ hoang mà hoa màu cũng không có nước để tưới, giếng thì cạn kiệt, khiến đời sống nông dân khó khăn chồng chất" - ông Thuấn lo lắng.

Do sụt giảm nguồn nước, hồ nuôi cá của hộ bà Lý phải san bằng để trồng keo lá tràm.

Tương tự, giếng của gia đình ông Phạm Ty luôn trong tình trạng khô nước. Ông Ty cho biết, giếng nhà ông đào sâu hơn 11m, trước đây sử dụng quanh năm, giờ thì khô rang nên 2 hồ nuôi cá của gia đình không có nước. "Năm 1976, gia đình tôi lên đây lập nghiệp và đào 2 hồ thả cá, mỗi năm thu nhập vài chục triệu đồng. Trước đây, quanh năm hồ đều đầy nước nhưng từ khi thủy điện đào con kênh dẫn nước về nhà máy thì ao trơ đáy, giếng cũng cạn, phải bỏ hoang" - ông Ty buồn bã.

Trước đây, vợ chồng bà Phan Thị Lý (62 tuổi) có 7 hồ cá, mỗi năm lãi ròng khoảng 30 triệu đồng. Tuy nhiên, 3 năm lại đây, do mạch nước ngầm sụt sâu nên 7 hồ cá đành bỏ hoang. Bà Lý bảo: "Nuôi cá là nghề chính của người dân trong xã, nhà nào nhiều cũng thu nhập được 40 triệu đồng, nhà ít cũng thu nhập được 15 triệu đồng/năm. Nhưng mấy năm ni bà con trong xã đành phơi hồ, cuộc sống rất khốn đốn". Mạch nước ngầm bị tụt không chỉ ảnh hưởng đến đời sống sản xuất và sinh hoạt của người dân xã Phú Vinh mà nhiều hộ dân ở thôn Kăn Tôm, xã Hồng Thượng nằm ở đầu con kênh dẫn nước cũng xuất hiện tình trạng tương tự. Ông Hồ Viết Liêm - Trưởng thôn Kăn Tôm xác nhận, nhiều năm lại đây, nhiều giếng nước, ao, hồ nuôi cá của người dân trong thôn cạn kiệt.

Thiếu nước, hoa màu của người dân ở xã Phú Vinh cũng cằn cỗi.

Nhà máy thủy điện là thủ phạm?

Theo nhiều hộ dân ở xã Phú Vinh và Hồng Thượng, việc nước ngầm sụt giảm nghiêm trọng và hiện tượng mất nước mặt là do Nhà máy Thủy điện A Lưới gây nên. Tháng 5-2012, Nhà máy Thủy điện A Lưới do Cty CP Thủy điện Miền Trung làm chủ đầu tư chính thức hoạt động, hòa vào lưới điện quốc gia. Để dẫn nước từ hồ chứa trên dòng A Sáp về nhà máy, chủ đầu tư đã cho đào một con kênh lớn, dài hơn 2km từ xã Hồng Thượng đến cửa hầm lấy nước ở thôn Phú Xuân (xã Phú Vinh, H. A Lưới). Ông Hồ Chính Bê - Chủ tịch UBND xã Phú Vinh cho biết: "Khoảng năm 2010, dòng kênh dẫn nước của Thủy điện A Lưới được xây dựng. Từ đó đến nay tình trạng nước ngầm bị sụt giảm gây cạn giếng, khô hồ cá. Theo thống kê, có hàng chục hồ cá cùng hàng chục giếng nước trên địa bàn bị ảnh hưởng. Qua các đợt tiếp xúc cử tri, người dân đã kiến nghị về vấn đề này rất nhiều, nhưng chưa được giải quyết. Năm 2014 và 2015, chúng tôi và lãnh đạo H. A Lưới mấy lần mời chủ đầu tư làm việc nhưng họ không tới".

Người dân "tố" kênh dẫn nước đưa về Nhà máy Thủy điện A Lưới
là nguyên nhân gây sụt giảm nước ngầm.

Ông Nguyễn Ngọc Quang - Phó Chủ tịch UBND xã Phú Vinh dẫn chúng tôi ngược lên cửa hầm lấy nước của Nhà máy Thủy điện A Lưới, cho biết: "Về hiện tượng sụt giảm nước ngầm và nước bề mặt, chính quyền xã đã làm tờ trình báo cáo với huyện nhiều năm nay". Trao đổi về việc này, ông Nguyễn Mạnh Hùng - Chủ tịch UBND H. A Lưới cho biết, tháng 8-2014, qua kiểm tra khu vực toàn thôn Phú Xuân của xã Phú Vinh, giếng nước của các hộ dân bị giảm 2-3m so với mực nước trước đây. Trước tình hình cuộc sống người dân đối mặt với khó khăn, cuối năm 2014, chính quyền H. A Lưới đã có tờ trình gửi UBND tỉnh TT-Huế chỉ đạo cơ quan chức năng tiến hành quan trắc tài nguyên môi trường khu vực nói trên để sớm tìm ra nguyên nhân.

Tuy nhiên, mãi đến ngày 25-4-2016, Sở TN&MT tiến hành phối hợp cùng Trung tâm Quan trắc Phòng TN&MT A Lưới và các chuyên gia địa chất mới tiến hành khảo sát hiện trường, lấy mẫu nước tại thôn Phú Xuân (xã Phú Vinh). Hiện, ngành chức năng và các chuyên gia về địa chất đang tìm nguyên nhân dẫn đến nước mặt và nước dưới đất bị mất và sụt giảm. "Hiện, vẫn chưa xác định được nguyên nhân sụt giảm nghiêm trọng nước ngầm và nước bề mặt ở một số xã thuộc huyện miền núi A Lưới. Tuy nhiên, theo người dân phản ánh, thì do nhà máy thủy điện xây kênh dẫn nước từ trên cao về dẫn đến hiện tượng này. Nếu đúng là nguyên nhân thủy điện gây ra thì thủy điện phải sớm khắc phục, hỗ trợ cho bà con để họ ổn định cuộc sống và về lâu dài phải tìm giải pháp thích hợp. Huyện rất mong cơ quan chức năng sớm có kết luận nguyên nhân của việc mất nước ngầm và nước mặt"- ông Nguyễn Mạnh Hùng nói.

Hải Lan