Báo Công An Đà Nẵng

Thủy điện "hành" dân

Thứ năm, 02/04/2020 15:30

Dự án thủy điện Trhy thuộc xã Trhy, H.Tây Giang, Quảng Nam đã triển khai hơn một thập kỷ, nhưng đến nay vẫn chưa rõ ngày hoàn thành. Tên của dự án thủy điện này đã thật sự trở thành nỗi ám ảnh của người dân miền biên giới xứ Quảng.

Dự án thủy điện Trhy thi công đã 13 năm chưa hoàn thành, việc chi trả đền bù, hỗ trợ đất đai cho người dân ảnh hưởng đến dự án vẫn chưa dứt điểm.

Chậm bồi thường,  hỗ trợ cho người dân

Dự án thủy điện Trhy do Công ty CP Tài chính và Phát triển năng lượng làm chủ đầu tư, được UBND tỉnh Quảng Nam cấp giấy chứng nhận đầu tư năm 2007. Dự án  triển khai xây dựng trên dòng suối Tà Púc, một nhánh thượng nguồn sông Bung; diện tích lưu vực tính đến tuyến đập là 111,5km2,  công suất lắp máy 30MW; tổng diện tích dự án hơn 1,3 triệu m2; tổng mức đầu tư dự án hơn 600 tỷ đồng.

Nói về dự án này, các cán bộ chính quyền và ban ngành H. Tây Giang than phiền, là dự án thủy điện thuộc loại nhỏ trong những dự án thủy điện được cấp phép ở Quảng Nam, nhưng ngay từ khi triển khai xây dựng, đã có nhiều phiền toái. Được triển khai từ năm 2007, sau hơn 10 năm, dự án mới chỉ làm được một số hạng mục như đường thi công vận hành, 20km đường dây trên tổng số 47km thuộc đường dây 110kV lưới đầu nối, đường dây 22kV cấp điện thi công và  thi công đào đắp các hạng mục vai trái đập chính, cửa nhận nước. Đấy là chưa kể, dự án triển khai trên địa bàn rộng, ảnh hưởng đến đất đai sản xuất, nơi ở của hàng trăm hộ dân địa phương, nhưng sau hơn 10 năm, việc chi trả bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cũng ì ạch như việc triển khai dự án.

Từ cuối năm 2016, UBND H. Tây Giang đã phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho người dân tại công trình thủy điện Trhy. UBND huyện đã nhiều lần làm việc với chủ đầu tư dự án, nhưng đến cuối năm 2017, việc chi tiền bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho người dân có đất bị ảnh hưởng trong vùng dự án vẫn chưa thực hiện. UBND H. Tây Giang đã kiến nghị UBND tỉnh Quảng Nam và ngành chức năng đề nghị chủ đầu tư khẩn trương triển khai chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng theo phương án đã được UBND huyện phê duyệt, với số tiền hàng tỷ đồng, nhằm tránh tình trạng gây khiếu kiện trong nhân dân. Phải đến hết năm 2018, việc chi trả bồi thường, hỗ trợ cho người dân mới triển khai, nhưng vẫn chưa dứt điểm.

Ông Lê Hoàng Linh - Phó Chủ tịch UBND H.Tây Giang cho biết, trong những năm qua, việc thi công dự án thủy điện Trhy đã ảnh hưởng đến đất đai sản xuất, nơi ở của người dân địa phương, UBND huyện và chủ đầu tư dự án đã khảo sát, lập phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho người dân theo nhiều giai đoạn. Nhưng đến nay, đã là tháng 4-2020, hàng chục héc-ta đất sản xuất của người dân các thôn Dầm 1, Dầm 2, Voòng... bị sạt lở, vùi lấp trong quá trình thi công dự án thủy điện vẫn chưa thống nhất được phương án đền bù, hỗ trợ cho người dân. Việc này gây ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của người dân vùng dự án, UBND huyện lại phải tiếp tục kiến nghị lên UBND tỉnh và ngành chức năng xem xét, can thiệp. Thế nhưng, việc khắc phục, giải quyết vẫn chưa biết đến thời gian nào sẽ tiến hành.

Đường giao thông đến các khu dân cư do ảnh hưởng dự án thủy điện Trhy 13 năm qua vẫn tạm bợ, nắng bụi, mưa lầy.

Nắng bụi, mưa lầy

Những ngày đầu tháng 3-2020, có dịp cùng các cán bộ H.Tây Giang đi thực tế tại Trhy, chúng tôi chứng kiến con đường dẫn vào các thôn Dầm 1, Dầm 2, Voòng... lổn nhổn đầy "ổ voi", đầy bụi đất, nhiều đoạn bị sạt lở nghiêm trọng.  Ông Nguyễn Anh Tuấn - Bí thư Đảng ủy xã Trhy cho hay, đã 13 năm triển khai xây dựng dự án thủy điện Trhy nhưng nhà đầu tư làm mãi vẫn chưa xong con đường dài 12km đi vào nhà máy thủy điện, vào khu đập thủy điện chính và đấu nối với các tuyến đường giao thông đến các khu dân cư trên địa bàn xã Trhy.  Theo ông Tuấn, nếu không có dự án thủy điện, từ chương trình xây dựng nông thôn mới, huyện đã đầu tư hoàn tất hệ thống đường giao thông kiên cố cho nhân dân tại các thôn Dầm 1, Dầm 2... từ lâu rồi. Trong những năm qua, con đường đến các thôn này, dự án thủy điện đã sử dụng làm đường công vụ phục vụ dự án. Cho đến nay, đường đến các thôn vẫn chỉ là đường đất, mùa nắng thì bụi đất, mùa mưa lầy lội, trơn trượt, thậm chí không thể đi lại được, gây khó khăn cho cuộc sống người dân trong việc giao lưu, vận chuyển hàng hóa, vật liệu, nhất là các em nhỏ đi học vô cùng nguy hiểm và vất vả.  Người dân, rồi chính quyền địa phương đã phản ánh, kiến nghị rất nhiều lần trong nhiều năm qua, nhưng tình trạng vẫn không được khắc phục. Không chỉ đường giao thông vào khu  dân cư quanh khu vực dự án thủy điện hư hỏng, xuống cấp, tuyến đường QL14G  từ đường Hồ Chí Minh đến địa bàn xã Trhy gần 50km cũng xuống cấp,  hư hỏng nặng vì các loại phương tiện xe tải nặng vận chuyển vật liệu, vật tư, thiết bị phục vụ xây dựng công trình thủy điện thường xuyên đi lại. 

Ông Lê Hoàng Linh cho biết thêm, huyện đã nhiều lần liên hệ, đề nghị chủ đầu tư dự án thủy điện sớm làm đường cho dân, nhưng đến nay chủ đầu tư dự án thủy điện vẫn chưa phản hồi thời gian nào sẽ tiến hành.

Được biết, theo kế hoạch, đến tháng 6-2020, khi lắp đặt xong hệ thống tua-bin máy phát điện, nhà máy thủy điện Trhy sẽ hoàn thành đi vào hoạt động. Nhưng đấy mới chỉ là dự kiến. Theo ý kiến của cán bộ, người dân, dự án thủy điện này đã kéo dài rất nhiều năm, gây ảnh hưởng đến cuộc sống người dân trong việc ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội. Chính quyền và các ban ngành tỉnh Quảng Nam, H. Tây Giang cần yêu cầu chủ đầu tư dự án và các đơn vị có liên quan cần giải quyết dứt điểm việc chi trả đền bù, hỗ trợ về vấn đề đất đai sản xuất, đường giao thông mà quá trình triển khai thi công dự án gây ảnh hưởng, không để xảy ra tình trạng "sự đã rồi", gây bức xúc, khiếu kiện phức tạp tại một địa phương miền núi biên giới tỉnh Quảng Nam.

HỒNG THANH