Báo Công An Đà Nẵng

Thủy điện, những điều trông thấy… (2)

Thứ ba, 05/11/2013 10:05

* Bài 2: Thủy điện chiếm rừng, dân cũng phá rừng

(Cadn.com.vn) - Giữa năm 2012, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã yêu cầu Bộ NN&PTNT kiểm tra làm rõ thông tin liên quan đến tình trạng chặt phá rừng đầu nguồn, khai thác gỗ trái phép ở tất cả các lưu vực có công trình thủy điện ở Quảng Nam. Đến nay tuy chưa có báo cáo chính thức, song với 42 công trình thủy điện đã và đang triển khai thi công trên địa bàn tỉnh này, diện dích rừng đã mất và dự báo sẽ mất chắc chắn khiến dư luận phải giật mình.

Huyện Đông Giang được xem là địa phương có nhiều dự án thủy điện (DATĐ)  nhất tỉnh Quảng Nam, với 7 công trình thủy điện lớn và nhỏ đã và đang triển khai thi công, gồm: A Vương, Sông Kôn, Za Hung, An Điềm 2, Sông Bung 4A, Sông Bung 5, Sông Bung 6.  7 DATĐ này chiếm 1.914,38 ha đất, trong đó có 840,83 ha đất rừng tự nhiên,  gần 500 ha đất rừng trồng... Trong số các DATĐ này, bức xúc nhất vẫn là người dân ở các khu tái định cư (TĐC) Palanh Pache và Cutchrum của thủy điện A Vương. Ngay từ khi mới thành lập, nhà cửa người dân ở 2 khu TĐC này xuống cấp trầm trọng, đặc biệt là thiếu đất sản xuất.

Do vậy, trong tháng 3-2012, 14 hộ dân ở hai khu TĐC này đã phá 4 ha rừng phòng hộ để lấy đất sản xuất. Vụ việc được chính quyền và ngành chức năng kiểm tra, xem xét và kết luận: rất nghiêm trọng. Nhằm “sửa sai” và giải quyết cuộc sống cho người dân, chính quyền tỉnh dự kiến phải mở rộng 300 ha đất sản xuất cho nhân dân ở cả hai khu TĐC với số vốn 50 tỷ đồng.

Theo kế hoạch, đến ngày 15-4-2012 phải cấp đất cho các hộ dân TĐC, nhưng đến tháng 11-2013,  thủ tục cấp đất vẫn chưa xong, chưa được ngành chức năng có thẩm quyền phê duyệt; nguồn vốn để mở  rộng, cải tạo đất sản xuất cho các hộ TĐC cũng chưa biết lấy đâu ra. Như vậy, đồng nghĩa với việc người dân sẽ tiếp tục phá rừng để kiếm sống.  UBND H. Đông Giang đang có hướng đề nghị Tập đoàn Điện lực Việt Nam  hỗ trợ, đồng thời trích từ nguồn thu công trình thủy điện A Vương, Sông Kôn, Sông Bung, Za Hung để thành lập quỹ hỗ trợ phát triển sản xuất cho nhân dân mượn để phát triển sản xuất, song đến nay chưa có câu trả lời chính thức.

Dự án thủy điện Sông Tranh 2, một dự án chiếm nhiều diện tích rừng.

Huyện Nam Giang cũng có 2 DATĐ đang triển khai là Sông Bung 4 và Sông Bung 2, hiện mới chỉ có số liệu diện tích rừng ở thủy điện Sông Bung 4  là 452,9 ha, trong đó rừng phòng hộ bị mất là 141,5 ha.  Theo lãnh đạo địa phương này, đó đã là sự cố gắng, đã rút kinh nghiệm để không vấp phải những sự cố về nhà cửa, đất đai sản xuất của người dân, tránh được tình trạng đáng tiếc như phá rừng, bỏ khu TĐC như một số nơi đã xảy ra...

Tình trạng tàn phá rừng phòng hộ ở công trình thủy điện Sông Tranh 2, 3 thuộc 2 huyện Tiên Phước,  Bắc Trà My  trong 5 năm qua cũng trong tình trạng báo động. Tại công trình thủy điện này đã phải di dời  gần 1.000 hộ dân với  gần 5.000 nhân khẩu. Đã thành lập 5 khu TĐC gồm Trà Đốc, Trà Bui, Trà Giác ở Bắc Trà My; Trà Dơn, Trà Long ở Nam Trà My. Tuy nhiên vẫn diễn ra tình trạng thiếu đất sản xuất và người dân buộc phải phá rừng để mưu sinh.

Rừng nguyên sinh, phòng hộ sẽ bị tàn phá khi làm thủy điện.

Chỉ trong 5 năm qua đã có 108 ha rừng nguyên sinh bị tàn phá  để khai thác gỗ và trồng cây nguyên liệu. Nhiều vụ phá rừng nghiêm trọng đã xảy ra. Đơn cử: cuối tháng 3-2012, hai hộ dân là ông Hồ Văn Giỏi và Hồ Văn Đoàn ở Trà  Bui đã chặt hạ 6 cây chò cổ thụ hơn 100 năm tuổi để khai thác trái phép hàng chục mét khối gỗ... Cuối năm 2012, UBND tỉnh Quảng Nam đang phải làm thủ tục để chuyển đổi 750 ha đất rừng, trong đó có một phần không nhỏ diện tích đất rừng phòng hộ sông Tranh để lấy đất sản xuất cho người dân.

Theo đánh giá của các nhà khoa học, chuyên gia Hội Đập lớn và phát triển nguồn nước Việt Nam, trên lưu vực sông Vu Gia-Thu Bồn hầu hết đã và đang triển khai những công trình thủy điện có quy mô lớn. Đặc biệt, trong những năm tới khi thủy điện Sông Bung 4 tích nước (với gần 500 triệu m3), thì lượng nước hệ thống sông Vu Gia sẽ cạn kiệt, tình trạng khô hạn sẽ xảy ra triền miên vào mùa khô. Rõ ràng việc xây dựng các công trình thủy điện ảnh hưởng trực tiếp đến tình trạng suy giảm nguồn nước, nhu cầu dùng nước vùng hạ lưu ngày càng tăng cùng với những diễn biến bất thường của lũ lụt. Việc xây dựng các công trình thủy điện mà không chú trọng bảo vệ, tái tạo các khu rừng phòng hộ sẽ dẫn đến tình trạng mất nguồn nước làm gia tăng hạn hán vào mùa khô, lũ lụt vào mùa mưa lũ. 

Ngược về hướng Tây Nam, nơi có các công trình thủy điện Đắk Mi 4A và 4C  tại H. Phước Sơn (Quảng Nam) tình hình cũng không sáng sủa gì hơn.  Chúng tôi đã nhiều dịp đến thực tế ở các khu TĐC như Nước Lang, Phước Xuân, và thôn 2, Phước Hòa, đều nghe được sự bức xúc của người dân về tình trạng thiếu đất sản xuất. Để mưu sinh, nhiều người dân vẫn phải lén lút vào rừng khai thác gỗ trái phép, chặt phá rừng phòng hộ làm nương rẫy. Tình trạng khai thác, vận chuyển lâm sản đã có một thời gian dài diễn ra rầm rộ, ồ ạt tại khu vực lòng hồ thủy điện Đắk Mi 4, chỉ đến khi UBND tỉnh ban hành Chỉ thị 33 và Công văn 580, yêu cầu chính quyền địa phương và ngành chức năng phải ra quân truy quét tình hình mới tạm được vãn hồi.

Thủy điện chiếm rừng, người dân cũng phá rừng, một điều cảnh báo rõ ràng là rừng đang ngày một mất đi, môi trường sinh thái đang bị phá vỡ nghiêm trọng. Tỉnh Quảng Nam đã lập phương án tổng kiểm tra các công trình thủy điện nhằm phòng ngừa thảm họa cho người dân vùng hạ lưu khi mùa mưa lũ. Trong các phương án đó, nhất thiết phải đặt ra phương án giữ rừng, tái tạo rừng làm sao cho có hiệu quả nhất, đó mới là phương án chiến lược lâu dài...

(còn nữa)
Phóng sự điều tra: Hồng Thanh- Lê Hùng