Báo Công An Đà Nẵng

Thủy điện, những điều trông thấy… (6)

Thứ bảy, 09/11/2013 10:28

* Bài cuối: Quy hoạch thủy điện - cần gom về một đầu mối

(Cadn.com.vn) - Trong phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào đầu tháng 10-2013, theo báo cáo rà soát quy hoạch thủy điện (TĐ) của Chính phủ, đến tháng 9-2013, đã loại bỏ 424 DATĐ. Trong đó, không xem xét đưa vào quy hoạch 172 vị trí tiềm năng TĐ; tạm dừng có thời hạn 136 DA;  đánh giá,  rà soát 158 DA.

Như vậy, trên cả nước còn lại 815 DATĐ trên tổng số 1.239 DA đã được quy hoạch. Chính phủ thừa nhận  hầu hết bất cập nằm ở các DATĐ nhỏ, Ủy ban Khoa học- Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cũng nhận định chất lượng quy hoạch, đặc biệt là TĐ nhỏ rất hạn chế, không ít dự án bị loại bỏ, thiếu khả thi, phải điều chỉnh sơ đồ khai thác và quy mô quá trình đầu tư.  Cũng theo báo cáo, số lượng TĐ nhỏ chiếm tới 90% quy hoạch, nhưng chỉ đóng góp công suất 26%....

Những gì chúng tôi đã thu thập được khi đi thực tế để thực hiện loạt bài viết này cho thấy: Tỉnh Gia Lai có  42 DATĐ thì có tới 34 DATĐ nhỏ; tỉnh Đắc Lắc 26 DA thì có tới 23 DA vừa và nhỏ; tỉnh Quảng Nam có 42 DA thì cũng chiếm tới 32 DA vừa và nhỏ... Có một điều khó hiểu là trong khi Chính phủ, Quốc hội đều đánh giá hầu hết bất cập, hạn chế về chất lượng quy hoạch, tính khả thi... đều thuộc nhóm TĐ vừa và nhỏ thì một số địa phương lại cho rằng "chưa có cơ chế cụ thể để tạo điều kiện phát triển các TĐ vừa và nhỏ ít gây tác động đến môi trường, dân sinh..." (báo cáo của Sở Công thương Quảng Nam, Đắc Lắc- PV).

Vậy như thế nào là "điều kiện" để phát triển TĐ vừa và nhỏ? Cơ sở nào để đánh giá TĐ vừa và nhỏ ít gây tác động đến môi trường, dân sinh? Trên thực tế cũng chưa có một nghiên cứu nào, chưa có một đề án nào, một kết luận nào  để khẳng định vấn đề này.  Trong khuôn khổ bài viết, chúng tôi không thể nêu hàng loạt các DATĐ vừa và nhỏ để bạn đọc xem xét, nhưng chỉ xin nêu một ví dụ ở huyện miền núi biên giới Tây Giang (Quảng Nam) làm minh chứng.  Ông Hồ Đắc Vinh, Phó phòng Nông nghiệp huyện này cho biết,  có 5 DATĐ vừa và nhỏ "trong quy hoạch tổng thể" trên địa  bàn huyện đã được UBND tỉnh phê duyệt.

Chỉ riêng xã A Vương có 3 DA gồm A Vương 1-2-3, hiện mới chỉ có một DA A Vương 3 triển khai công tác đền bù giải phóng mặt bằng. Xã A Tiêng có 1 DA mới đang chuẩn bị báo cáo đầu tư đề nghị cấp phép.  Băn khoăn nhất của chính quyền và nhân dân địa phương hiện nay là  DATĐ Tr'hy, có công suất 30MW, do Cty Phát triển Năng lượng Đà Nẵng làm chủ đầu tư, đã khởi công xây dựng từ năm 2008 đến 2010, thu hồi 149,07 ha đất, trong đó có hơn 40 ha đất sản xuất nông ngiệp của 89 hộ dân địa phương.

Tuy nhiên đã 3 năm qua, DA này bỏ dở dang, môi trường bị tác động xáo trộn, ruộng đất của người dân bỏ hoang nhưng không thể canh tác, đời sống nhân dân gặp khó khăn vì không có đất sản xuất.  UBND huyện đã nhiều lần có văn bản kiến nghị đơn vị chủ đầu tư có tiếp tục triển khai dự án nữa hay không thì  cho địa phương biết, nhưng vẫn rơi vào im lặng. Ông Briu Liếc, Ủy viên dự khuyết BCH T.Ư Đảng, Bí thư Huyện ủy Tây Giang trả lời chúng tôi: "Không thể hiểu chủ đầu tư dự án này thế nào...".   Một ví dụ nhỏ như vậy để thấy, TĐ đã ảnh  hưởng tới vấn đề dân sinh  như thế nào.

Thủy điện Đắc Mi 4 không xả nước khiến gần 40 km dòng sông Đắc Mi
trở thành dòng sông chết trong mùa khô.

Không riêng gì ở Tây Giang mà nhiều  địa phương khác, TĐ nhỏ quy hoạch cứ quy hoạch, cấp phép cứ cấp phép còn thi công lúc nào là "quyền" của chủ đầu tư, đẩy chính quyền và người dân địa phương rơi vào tình cảnh lúng túng, bối rối, không thể hoạch định được bất kỳ kế hoạch, phương án nào để phát triển kinh tế, văn hóa xã hội ở những vùng mà DATĐ đã "xí phần".

Sau nhiều năm TĐ được triển khai ồ ạt ở nhiều địa phương trên cả nước, đặc biệt là các tỉnh miền Trung-Tây Nguyên, bên cạnh những cái được, nhiều địa phương đã nhận thấy những khó khăn, hạn chế trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển TĐ. Đó là, khó khăn, hạn chế về việc xây dựng, triển khai, rà soát quy hoạch phát triển TĐ; về tuân thủ các  quy định trong quá trình  lập, thẩm định các DATĐ, thi công, quản lý chất lượng xây dựng, vận hành...; khó khăn trong việc đảm bảo hiệu quả tổng hợp công trình, về an toàn công trình, về tác động môi trường của TĐ; khó khăn, hạn chế trong việc trồng rừng thay thế, về đền bù, tái định cư  và nhiều những khó khăn, hạn chế khác về "hậu thủy điện".

Các địa phương cũng đã có những kiến nghị hoàn thiện chính sách, pháp luật. Đối với Chính phủ, nhiều ý kiến cũng đề nghị quy định cơ chế chia sẻ lợi ích trong lợi nhuận khai thác công trình TĐ cho địa phương  để có nguồn quỹ chủ động khắc phục những công trình tái định cư đã xây dựng bị xuống cấp, hư hỏng và phát triển sản xuất, ổn định đời sống nhân dân.

Hỗ trợ vốn thực hiện Đề án "Ổn định, phát triển sản xuất và đời sống cho các hộ tái định cư do di dời khi xây dựng các công trình thủy lợi, thủy điện", theo tinh thần Công văn số 588/TTg-ĐP ngày 20/4/2009 của Thủ tướng Chính phủ.  Ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 72/2007/NĐ-CP ngày 7-5-2007 của Chính phủ về Quản lý an toàn đập. Đối với các bộ, ngành, rà soát đánh giá lại tính hiệu quả  khả thi của quy trình vận hành hồ chứa của một số công trình TĐ, đánh giá rút kinh nghiệm làm cơ sở để xây dựng quy trình vận hành hồ chứa liên hồ; ập trung nguồn lực để trồng lại rừng, bảo vệ rừng đầu nguồn đã bị chuyển đổi vào mục đích TĐ... Yêu cầu chủ đầu tư các DATĐ  phải có báo cáo điều tra hiện trạng rừng và phương án trồng rừng mới thay thế diện tích rừng phải chuyển mục đích sử dụng vào TĐ... Vân vân và vân vân,..

"Đã đến lúc quy hoạch thủy điện phải tập trung về một đầu mối duy nhất,  phải có các nhà khoa học phải chịu trách nhiệm, làm sao sử dụng nguồn nước có hiệu quả nhất, cân bằng nước tốt nhất, vừa cho điện, vừa phục vụ cho sinh hoạt, giao thông, cân bằng sinh thái, môi trường..." 
Ông Lê Trí Tập-nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam

Nói về TĐ, đặc biệt là TĐ miền Trung-Tây Nguyên, ông Lê Trí Tập-nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, một chuyên gia về thủy  lợi, thủy điện tâm sự: "Tại một Hội nghị khoa học về làm công tác TĐ năm 2008, tôi đã có ý kiến TĐ là nguồn tài nguyên quý về năng lượng, giá rẻ, dễ khai thác, sớm thu hồi vốn...  Nhưng mặt trái của TĐ không phải là nhỏ, nó tác động vào thiên nhiên, môi trường sống, vào xã hội... Lâu nay, những người làm TĐ cứ thấy đầu tư ít, công suất lớn, hoàn vốn nhanh mà không nghĩ tới mặt trái của nó, đố là cách nghĩ nông cạn, không lâu dài, không bền vững...".

Nói về TĐ miền Trung-Tây Nguyên, ông Tập nhận xét: "Gần như TĐ hiện nay chỉ tồn tại độc lập, các TĐ  mới chỉ làm được hai nhiệm vụ đó là: Lấy điện và an toàn công trình. Chưa mang lại hiệu quả tổng hợp, trong đó có việc phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội cho các địa phương có TĐ...".  Cũng theo ông Tập: "Đã đến lúc quy hoạch TĐ phải tập trung về một đầu mối duy nhất, phải có các nhà khoa học phải chịu trách nhiệm, làm sao sử dụng nguồn nước có hiệu quả nhất, cân bằng nước tốt nhất, vừa cho điện, vừa phục vụ cho sinh hoạt, giao thông, cân bằng sinh thái, môi trường... Quy hoạch phải thường xuyên được kiểm tra, để phù hợp với điều kiện khí hậu, thiên nhiên, môi trường, xã hội ở từng địa phương có TĐ...".

Thay lời kết

Kết thúc bài viết này, xin nêu một câu chuyện làm TĐ gắn với tên tuổi Anh hùng Lao động Lưu Ban nổi tiếng một thời: nghe Hợp tác xã Duy Sơn 2 (H. Duy Xuyên, Quảng Nam) đề xuất làm TĐ, một số  hộ dân nêu ý kiến công trình sẽ khiến họ mất nguồn nước sản xuất lúa lâu nay, những người làm dự án đã xây dựng hẳn một con kênh để dẫn nước, "trả" lại cho số hộ dân này dù kinh phí có tốn kém hơn... Đến nay, bao nhiêu năm đã trôi qua, TĐ Duy Sơn 2 vẫn phát huy tác dụng, không chỉ phục vụ các nhà máy, xí nghiệp, xưởng sản xuất... của HTX, mà người dân, trường học còn sử dụng điện miễn phí, "bán điện ngược" cho ngành Điện, cải tạo phát triển bao công trình du lịch sinh thái, chống hạn...

Phóng sự điều tra: Hồng Thanh- Lê Hùng