Báo Công An Đà Nẵng

Thủy điện, những điều trông thấy…

Thứ hai, 04/11/2013 12:27

* Bài 1:  Người ta đang định làm thủy điện giữa Vườn quốc gia Yok Đôn?

(Cadn.com.vn) - Không ai phủ nhận tính ưu việt và hiệu quả của thủy điện cũng như tầm quan trọng của nguồn năng lượng sạch này trong chiến lược đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Tuy nhiên, vấn đề quy hoạch, vận hành thủy điện như thế nào cho phù hợp với điều kiện địa chất, địa hình, an sinh xã hội... không phải là việc đơn giản. Thực tế đã cho thấy, câu chuyện thủy điện ở nước ta trong những năm qua luôn là đề tài “nóng” của dư luận, gần nhất được nhìn nhận một cách tổng thể tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIII. Để giúp bạn đọc có cái nhìn cận cảnh hơn về thủy điện miền Trung- Tây Nguyên, nhóm  phóng viên Báo CATP Đà Nẵng đã có cuộc khảo sát thực tế, phản ánh những tồn tại, vướng mắc chưa giải quyết dứt điểm về công tác quy hoạch, vận hành thủy điện hiện nay.

Mỗi công trình thủy điện sẽ tác động lớn đến môi trường, tài nguyên trong khu vực.

Dư luận ở Đắc Lắc vẫn xôn xao về chuyện, ngày 10-10-2013 vừa qua, Thường vụ Tỉnh ủy Đắc Lắc đã công bố quyết định kỷ luật về Đảng với hình thức cảnh cáo đối với ông Trần Văn Thành, Giám đốc Vườn quốc gia Yok Đôn, vì ông đã tự ý mang quyết định (làm sổ đỏ) của Vườn quốc gia cho một doanh nghiệp kêu gọi đầu tư, trong khi doanh nghiệp này không có khả năng. Việc ông làm sai, ông phải chịu trách nhiệm.

Vậy nhưng, trong chuyến đi thực tế để thực hiện loạt bài viết này, chúng tôi cũng được nghe dư luận nói về một chuyện khác: “Ông Trần Văn Thành tuyên bố sẽ từ chức, nếu chính quyền và ngành chức năng cho xây dựng một dự án nhà máy thủy điện giữa Vườn quốc gia Yok Đôn”.  Sự “bức xúc” này của ông được dư luận ủng hộ. Tiếp chúng tội tại  Ban quản lý Vườn quốc gia Yok Đôn, ông Thành cho biết, Vườn quốc gia Yok Đôn là một trong những khu rừng đặc dụng lớn nhất Việt Nam, nằm trên địa bàn thuộc 3 huyện Buôn Đôn và Ea Súp tỉnh Đắc Lắc và H. Cư Jút tỉnh Đắc Nông;  phía Tây giáp Campuchia,  cách TP Buôn Ma Thuột khoảng 40 km về phía Tây Bắc. Vườn quốc gia được phê duyệt theo Quyết định số 352/CT ngày 29-10-1991 của Chủ tịch HĐBT Việt Nam và được mở rộng theo Quyết định số 39/2002/QĐTTg ngày 18-3-2002 của Thủ tướng Chính phủ,  với mục đích bảo vệ 115.545 ha hệ sinh thái rừng khộp đất thấp.

Vườn quốc gia nằm trên một vùng tương đối bằng phẳng ở phía Nam của sông Serepok, chủ yếu là rừng tự nhiên,  rừng khộp cây họ dầu, nhiều loại gỗ quý hiếm như  cẩm lai, căm xe... hơn 464 loài thực vật, 63 loài động vật có vú, 196 loài chim, 40 loài bò sát, 13 loài lưỡng cư, hàng chục loài cá nước ngọt nằm trong danh mục sách đỏ, là nơi trú ngụ của nhiều loài động vật nguy cấp mang tính toàn cầu như bò xám, mang lớn, voi Châu Á, hổ, nai, gấu, sói đổ, chà vá chân nâu... và hệ chim phong phú nhất Đông Dương.  Nói tóm lại, đây là loại rừng đặc biệt, được quản lý, bảo vệ nghiêm ngặt theo đúng quy định của pháp luật Việt Nam về quản lý bảo vệ rừng.

Nếu làm thủy điện giữa Vườn quốc gia Yok Đôn, dòng sông Serepok sẽ là một dòng sông chết.

Vậy nhưng, từ năm 2009, đã có một dự án xây dựng công trình thủy điện Đrăng Phok, do Công ty CPĐT xây dựng và ứng dụng công nghệ mới làm chủ đầu tư,  dự định sẽ tiến hành triển khai ngay vùng lõi  của Vườn quốc gia Yok Đôn.  Dự án thủy điện này có công suất 26 MW, hiện đang lập báo cáo đánh giá tác động môi trường để trình phê duyệt.

Ông Lê Văn Thừa, Phó phòng Kế hoạch và Hợp tác quốc tế  Vườn quốc gia Yok Đôn cho biết, theo quy hoạch, dự án thủy điện trên sẽ thu hồi 63 ha rừng  nguyên sinh nằm ngay giữa trung tâm Vườn quốc gia.  Không cần phải nói nhiều, dự án dự báo sẽ để lại nhiều hệ lụy, không những làm giảm tính đa dạng sinh học mà còn ảnh hưởng trực tiếp, gián tiếp đến môi trường sinh thái cũng như công tác bảo tồn thiên nhiên của một khu rừng đặc dụng với những đặc trưng nhất của vùng Tây Nguyên.

Nói về dự án, ông Trần Văn Thành kêu trời: “Dòng sông Serepok chảy qua giữa Vườn quốc gia. Nếu làm nhà máy thủy điện, người ta sẽ ngăn sông, đắp đập ở vị trí ngay giữa vườn, người ta sẽ nổ mìn,  làm móng đập, phá đá làm vật liệu xây dựng. Vùng lõi của rừng sẽ biến thành “đại công trường”, tập trung hàng nghìn công nhân, hàng trăm phương tiện xe máy các loại. Hàng chục héc-ta rừng nguyên sinh bị tàn phá, dòng nước Serepok trong lành bị khuấy đảo, liệu có con thú, con chim nào dám yên ổn sinh sống giữa rừng không? Liệu sẽ còn con cá nằm trong sách đỏ nào dám sinh sôi, nảy nở trên dòng nước bị ngăn chia, thay dòng đó không?

Vườn quốc Yok Đôn, nơi có hệ sinh thái đặc biệt, đặc trưng ở Tây Nguyên.

   Ông Thành dẫn chúng tôi ra trước tấm bản đồ Vườn quốc gia Yok Đôn, diễn giải: “Nếu tiến hành xây dựng dự án thủy điện, Yok Đôn sớm muộn gì cũng sẽ thành một khu rừng “chết”, vậy thì những người như chúng tôi, còn đâu rừng để quản lý, Yok Đôn có còn là Vườn quốc gia theo đúng nghĩa của nó ở Tây Nguyên nữa không?”.  Ngày 23-2-2013 và  trong thời gian qua, Ban quản lý Vườn quốc gia Yok Đôn đã nhiều lần có văn bản đề nghị chính quyền và ngành chức năng xem xét lại dự án thủy điện Đrăng Phôk, đề nghị loại bỏ ra khỏi danh mục các dự án thủy điện trên sông Serepok,  nhưng cho đến thời điểm hiện tại vẫn chưa có phản hồi.

Ông Võ Thanh, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Đắc Lắc cho rằng, so với các tỉnh trên địa bàn Tây Nguyên, Đắc Lắc là địa phương có ít các dự án thủy điện nhất, lý do là địa hình Đắc Lắc bằng phẳng, ít có vị trí thích hợp để phát triển thủy điện. Nhưng khi các cán bộ chuyên môn của Sở Công thương cung cấp cho chúng tôi báo cáo về tình hình thực hiện các dự án thủy điện trên địa bàn tỉnh đến tháng 9-2013,  toàn tỉnh cũng có tới 26 dự án thủy điện lớn, vừa và nhỏ, trong đó đã hoàn thành 17 dự án, đã khởi công 3 dự án, đang giai đoạn thực hiện các thủ tục pháp lý  6 dự án.  Trong 26 dự án nêu trên chỉ có 6 dự án thủy điện có công suất từ 50 MW đến 280 MW, còn lại 20 dự án là thủy điện vừa và nhỏ, thậm chí có những dự án chỉ có công suất dưới 1 MW.

Ông Trần Văn Thành: “Nếu làm thủy điện giữa vùng lõi sẽ xóa xổ Vườn quốc gia Yok Đôn”.

Tại tỉnh Gia Lai, ông Phan Đức Hưng, Phó phòng Quản lý điện năng của Sở Công thương cũng cho biết, trên địa bàn tỉnh, hiện có 42 dự án thủy điện, trong đó có 8 dự án do Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) làm chủ đầu tư, 34 dự án thủy điện vừa và nhỏ do các tổ chức doanh nghiệp đầu tư.  Một thông số chúng tôi tìm hiểu và được biết, để xây dựng một nhà máy thủy điện, cứ 1 MW phải thu hồi, chiếm từ 10 đến 16 ha rừng, đất lâm nghiệp. Chưa có  một thống kê cụ thể nào đã có bao nhiêu héc-ta rừng ở Đắc Lắc, Gia Lai... phải dành cho thủy điện, nhưng chắc chắn đã có hàng nghìn héc-ta rừng, đất lâm nghiệp, mãi mãi nằm dưới các lòng hồ thủy điện. Có bao nhiêu héc-ta rừng quý giá như ở Yok Đôn bị khai tử?

(còn nữa)
Phóng sự điều tra: Hồng Thanh- Lê Hùng