Báo Công An Đà Nẵng

Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII:

Thủy điện: Từ quy hoạch đến vận hành đều chưa ổn

Thứ tư, 30/10/2013 23:49

* Sự cố thấm nước ở dự án thủy điện Sông Tranh 2 là do sơ suất trong xây dựng

Phát triển thủy điện: Nhiều bất cập

(Cadn.com.vn) - Tiếp tục chương trình kỳ họp, ngày 30-10, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) làm việc tại Hội trường.

Báo cáo thẩm tra kết quả rà soát quy hoạch, đầu tư xây dựng các dự án thủy điện (DATĐ) và vận hành khai thác các công trình thủy điện của Chính phủ, sau khi tiến hành rà soát, cả nước hiện còn lại 815 DATĐ trong số 1.239 DA quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương và UBND các tỉnh phê duyệt theo thẩm quyền.

2 DATĐ bậc thang thu hút sự chú ý của dư luận trong thời gian qua là Đồng Nai 6 và 6A cũng bị loại khỏi quy hoạch. Đồng thời, cơ quan chức năng cũng không xem xét quy hoạch 172 vị trí tiềm năng thủy điện; tạm dừng có thời hạn 136 DA; tiếp tục rà soát, đánh giá 158 DA. Các DA, vị trí thủy điện tiềm năng bị đưa ra khỏi quy hoạch vì 2 lý do chính: hiệu quả đầu tư thấp, không có nhà đầu tư quan tâm; có tác động xấu đến môi trường và KTXH.

Liên quan đến việc quản lý, vận hành các hồ chứa thủy lợi, thủy điện, đến nay, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy trình vận hành liên hồ về mùa lũ trên 5 lưu vực sông thường xuyên xảy ra lũ lụt (gồm 20 hồ chứa đã vận hành).

Bộ TN&MT cũng đang tập trung xây dựng để trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy trình vận hành liên hồ chứa cả về mùa lũ và mùa kiệt cho các lưu vực sông lớn, dự kiến hoàn thành từ nay đến năm 2015.

Về sự cố thấm nước ở DA Sông Tranh 2, Chính phủ khẳng định, nguyên nhân là do sơ suất trong xây dựng, Chính phủ đã yêu cầu EVN nghiêm túc rút kinh nghiệm và có giải pháp xử lý.

Về sự cố động đất kích thích tại công trình thủy điện này, Chính phủ rất chia sẻ với lo lắng của người dân và đã vào cuộc với tinh thần trách nhiệm cao. Đến nay, các bộ và cơ quan chức năng, các chuyên gia chuyên ngành có trách nhiệm trong nước và các công ty tư vấn độc lập chuyên ngành hàng đầu của Nhật Bản, Thụy Sĩ đều đánh giá đập Sông Tranh 2 đảm bảo an toàn.

Tuy nhiên, để chắc chắn hơn, Chính phủ đã yêu cầu chưa được tích nước phát điện để tiếp tục nghiên cứu, đánh giá kỹ thêm về động đất, đồng thời thuê các chuyên gia tư vấn hàng đầu quốc tế của Nga, Nhật Bản, Ấn Độ khảo sát, đánh giá về động đất kích thích liên quan tới an toàn của đập, công bố công khai đầy đủ thông tin cho nhân dân và hướng dẫn nhân dân ứng phó với động đất kích thích; rà soát, bổ sung việc chi trả đền bù hỗ trợ đối với hộ dân có nhà bị hư hỏng do động đất. Hội đồng nghiệm thu Nhà nước cũng đã ký hợp đồng với đơn vị tư vấn Nhật Bản OYO để nghiên cứu, đánh giá tác động của động đất tại dự án này. Hiện OYO đang hoàn thiện báo cáo.

Một vấn đề khác cũng liên quan đến các DATĐ là trồng hoàn trả rừng, Chính phủ cũng nhận thấy chưa đạt mong muốn. Theo thống kê, giai đoạn 2006-2012, có 160 DATĐ đã chuyển đổi 19.792 ha rừng và diện tích rừng trồng hoàn trả mới đạt khoảng 3,7% so với yêu cầu. Về công tác bồi thường, hỗ trợ, di dân và tái định cư đạt tổng vốn 43.868 tỷ đồng, trong đó đã giải ngân 27.517,5 tỷ đồng. Tổng số dân phải di dời là 62.784 hộ, đến nay đã di chuyển về nơi tái định cư 57.014 hộ (đạt 90,81%)...

Sau khi nghe Báo cáo của Chính phủ, nhiều ĐB bày tỏ sự lo ngại từ khâu quy hoạch, thiết kế, thi công các DATĐ, tái sinh rừng, tích nước, xả lũ... không tuân thủ đúng quy trình và thiếu sự kiểm tra, giám sát của cơ quan quản lý Nhà nước... và khi sự cố xảy ra cũng chưa có chế tài xử lý nghiêm khắc. Bên cạnh đó, nhiều ĐB cũng cho rằng, cần chỉ rõ trách nhiệm trong quy hoạch thủy điện tràn lan, về trách nhiệm của cả địa phương và các bộ ngành liên quan.

Ngay cả khi Chính phủ có quyết định 1879 (tháng 10-2010) giao cho Bộ TT-MT xây dựng quy trình vận hành đơn hồ và liên hồ thủy lợi, giữa hồ thủy lợi và hồ thủy điện nhưng đến nay việc triển khai của các ngành liên quan vẫn còn chậm. Vì vậy, cần phải rà soát lại việc thực hiện theo chỉ đạo của Chính phủ về quy trình vận hành hồ và hồ chứa. Tiếp theo, cần phải gắn với trách nhiệm của từng chủ thể ngành và địa phương trong quá trình vận hành hồ chứa, đồng thời có chế định về xử lý vi phạm cho nghiêm minh.

ĐB Ngô Văn Minh (Quảng Nam), người thường xuyên bày tỏ sự lo ngại về sự an toàn của các DATĐ thông qua sự cố TĐ Sông Tranh 2 cho rằng, phát triển thủy điện là cần thiết, song phải đặt mục tiêu tổng hợp, trong đó mục tiêu đầu tiên là góp phần cung cấp điện cho quốc gia, tiếp đến là ngăn lũ, chặn lũ trong mùa mưa và cấp nước trong mùa kiệt... góp phần vào sự ổn định phát triển dân cư trong vùng, giữ vững môi trường sinh thái và các điều kiện KT-XH.

Việc dừng gần 400 DATĐ vừa qua cho thấy các DATĐ đã không đạt các mục tiêu đề ra. Xảy ra việc dừng này là do cách làm quy hoạch cũng như trách nhiệm của cơ quan quản lý, địa phương và doanh nghiệp đầu tư. “Việc chúng ta rà soát lại quy hoạch, rà soát lại chủ trương đối với những dự án công trình thủy điện dù mới chỉ là bước đầu nhưng tôi nghĩ động thái này đã cảnh báo một điều quản lý quy hoạch chưa tốt, tổ chức thực hiện chủ trương không đạt mục tiêu đề ra. Nhưng động thái mạnh mẽ quyết liệt dừng các DATĐ sẽ giảm hậu quả do các dự án gây ra”, ĐB Minh nhấn mạnh.

Đề tài thủy điện tiếp tục được các ĐB và báo chí quan tâm trong các giờ nghỉ cho thấy sự quan tâm lớn của dư luận. ĐB Minh khi chia sẻ: “Việc lũ quét, lũ bất thường xảy ra, có những công trình thủy điện đã vỡ, gây hậu quả đến vùng hạ du, điều này thấy rõ việc lũ lụt xảy ra tại miền Trung ngày một nhiều có ảnh hưởng của việc quy hoạch thủy điện. Điều này cho thấy, vấn đề đặt ra khi quy hoạch DATĐ  phải xem xét quy trình vận hành hồ, liên hồ. Chúng ta vận hành hồ có quy trình, theo quy trình, nhưng quy trình đó đúng hay sai, ai thẩm định?”.

Về đường Hồ Chí Minh, do nhiều vướng mắc trong triển khai, thực hiện Chính phủ chính thức có tờ trình đề nghị Quốc hội cho lùi thời hạn thông xe toàn tuyến đường Hồ Chí Minh dài 3.183 km vào năm 2020.

Sự cố thấm nước ở Thủy điện Sông Tranh 2 (Quảng Nam) được Chính phủ kết luận là do sơ suất trong xây dựng.

Luật Đấu thầu: Cần tránh tạo khe hở cho các nhà đầu tư

Thảo luận về dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi), nhiều đại biểu cho rằng dự luật đã tiếp thu tương đối nhiều các ý kiến đóng góp của các ĐBQH và cơ quan chuyên môn, các chuyên gia theo hướng có chọn lọc một cách hợp lý tích cực. Tuy nhiên, để hoàn thiện hơn nữa, giải quyết triệt để những tồn tại vướng mắc hiện nay, hoạt động đấu thầu vẫn cần phải xem xét thêm nhiều yếu tố ở khía cạnh quan điểm xây dựng luật cũng như kỹ thuật soạn thảo.

Đáng chú ý, về chỉ định thầu, các ĐB đề nghị nên quy định tỷ lệ giảm giá thành là một yếu tố trong chỉ định thầu, có quy định cụ thể, chặt chẽ hơn đối với chỉ định thầu, đặc biệt là vấn đề liên quan đến điều kiện, trình tự, thủ tục, thẩm quyền trong việc thẩm định, quyết định, nhất là đối với các gói thầu liên quan đến xây dựng cơ bản, vận dụng trường hợp khẩn cấp, cấp bách.

Tựu trung, đa số ĐB tán thành với các quy định trong dự thảo Luật và cho rằng dự thảo Luật được chuẩn bị chu đáo, công phu, cụ thể hóa được nhiều nội dung, hướng tới khắc phục được những điểm bất hợp lý của Luật Đấu thầu hiện hành. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng cần có quy định về trường hợp đặc thù để tránh tạo kẽ hở và lúng túng trong đấu thầu...

Cũng tại phiên thảo luận, các đại biểu cũng đã tập trung thảo luận, cho ý kiến về hợp đồng với nhà thầu, nhà đầu tư; về việc thực hiện đấu thầu thông qua tổ chức đấu thầu độc lập, chuyên nghiệp; về các hành vi bị cấm và xử lý vi phạm...

Q.H