Báo Công An Đà Nẵng

Thủy thủ năm châu khám phá văn hóa Việt

Thứ sáu, 19/02/2016 09:32

(Cadn.com.vn) - Trong 2 ngày nghỉ ngơi và hoạt động tự do, 220 thủy thủ thuộc cuộc đua thuyền buồm nổi tiếng thế giới Clipper Race bắt đầu làm quen và cùng nhau khám phá mảnh đất, con người Đà Nẵng cũng như những nét văn hóa đặc trưng của Việt Nam trước khi hòa mình vào những sự kiện lễ hội  trong những ngày tới. Sau những bỡ ngỡ ban đầu, ai cũng tỏ ra hào hứng thích thú với không khí thân thiện, cởi mở.

Các thủy thủ rất thích thú khi lần đầu tiên được đội chiếc nón lá trên đầu. Ảnh: Công Khanh

Nón lá, áo dài và... mỳ Quảng

Trong 12 thuyền buồm đang neo đậu tại Cảng sông Hàn thì thuyền buồm Đà Nẵng - Việt Nam trở nên nổi bật, được nhiều người chú ý. Không chỉ vì đây là đội đua chủ nhà, được xếp ở vị trí đầu tiên mà trong khoang thuyền có rất nhiều... nón lá. Những chiếc nón này đã được thủy thủ đoàn đội từ phao số 0 qua cầu Thuận Phước vào dọc sông Hàn để cập bến. Những con người thích phiêu lưu, quen với sóng gió thực sự đã "đánh vật" với thứ dụng cụ lần đầu mới thấy. Nhưng rồi ai cũng thích thú khi khám phá ra rằng, nó vừa có thể dùng để che nắng, che mưa, để làm dáng cũng như để quạt giải nhiệt cho những hoạt động nặng nhọc ở trên thuyền.

Sáng 18-2, các thủy thủ đến từ năm châu hết sức ngạc nhiên và thích thú khi được bố trí lấy số đo để may tặng áo dài khăn đóng. Với sự tài trợ của một Cty thời trang, những thợ may chuyên nghiệp từ Hội An đã trực tiếp tỉ mẩn lấy số đo của từng người để có thể mang tặng các vị khách quý món quà ưng ý nhất bằng vải lụa Việt Nam. Matthew Ogg (thủy thủ người Anh) vui vẻ cho biết, anh mới chỉ được nhìn thấy trang phục đặc trưng của người Việt qua tivi, qua mạng internet chứ chưa thực sự được trực tiếp nhìn thấy. Khi hay tin sẽ được tặng một bộ áo dài, khăn đóng khiến anh hết sức thích thú. "Ở London, tôi quen với việc may đo áo vest hoặc mặc những bộ đồ năng động. Tôi không tưởng tượng được để có một bộ trang phục truyền thống của Việt Nam lại có thể phải lấy số đo chi tiết của người mặc. Nó rất công phu và thể hiện được sự khéo tay của người may áo. Tôi rất mong chờ tới khi được sở hữu nó nhưng không biết sẽ mặc như thế nào. Có lẽ cũng sẽ rất đẹp", Matthew Ogg hào hứng. Trong khi đó nữ thủy thủ người Thụy Điển, chị Kat Svedjefalt, lại rất ấn tượng với sự mềm mại, uyển chuyển của người phụ nữ khi khoác lên mình bộ áo dài. Chị tỏ ra khá hiểu biết khi cho rằng, chính sự may đo hết sức cầu kỳ, chất liệu tuyệt vời khiến người mặc vừa kín đáo nhưng cũng rất gợi cảm. "Khi thấy các nữ sinh Đà Nẵng mặc áo dài màu trắng cầm cờ chào đón đoàn đua, tôi đã hết sức ấn tượng. Đến khi thấy nhiều phụ nữ khác mặc nó trong các khách sạn, các khu lễ hội thì tôi đã nghĩ đến việc mình sẽ mua một bộ để làm kỷ niệm. Ngày mai thôi, chúng tôi sẽ được sở hữu nó. Thật là tuyệt vời!", Kat Svedjefalt vui vẻ.

Làm hoạt náo viên kiêm hướng dẫn viên cho đoàn, Nguyễn Trần Minh An - Thủy thủ người Việt duy nhất của Clipper Race 2015-2016 trong suốt cuộc hành trình cũng như những ngày thuyền cập bến đã phải thường xuyên giới thiệu cho các đồng nghiệp về những danh lam thắng cảnh, các món ăn nổi tiếng của Đà Nẵng. Người thì hỏi về Bà Nà, người hỏi về những bãi biển hay khu nghỉ dưỡng nổi tiếng thế giới, người lại nằng nặc "đòi" đi ăn hải sản, mì Quảng, bánh xèo, bánh tráng cuốn thịt heo... An cho biết, vào những ngày thời tiết biển thuận lợi, ít sóng gió thì mọi người đều xúm lại để hỏi các thông tin về Đà Nẵng, về Việt Nam. "Khi tôi nói đến Đà Nẵng thì nhất định phải ăn mì Quảng. Không ăn mì Quảng thì coi như chưa đến đây. Thế là từ đó họ thường xuyên nhắc đến món ăn này. Khi rảnh rỗi tôi nhất định sẽ đưa cả đội đi thưởng thức", An cho biết.

Matthew Ogg được xem là mẫu nam của đội đua Đà Nẵng - Việt Nam với các số đo lý tưởng
để mặc một bộ áo dài khăn đóng. Ảnh: Công Khanh

Mong chờ "tỉ thí" với người Đà Nẵng

Ngay khi đặt chân đến Đà Nẵng, các đội thuyền buồm đã hào hứng đăng ký tham gia các hoạt động văn hóa, lễ hội sẽ được chính quyền, người dân thành phố tổ chức ngay sau Tết cổ truyền. Lãnh đạo Sở VH-TT&DL thành phố Đà Nẵng cho hay, các thủy thủ sẽ được hòa mình vào các sự kiện đặc sắc như hội chợ giao lưu văn hóa, âm nhạc đường phố, đua thuyền kayak, cuộc thi Đôi chân trần trên biển và thi kéo co cùng người dân tại Lễ hội Cầu Ngư lớn nhất của thành phố. Dù rất hào hứng và mong chờ các cuộc "tỉ thí" nhưng nhiều thủy thủ tỏ ra e ngại. Họ cho rằng có thể chinh phục đại dương, vượt qua sự khắc nghiệt của thời tiết nhưng khi tham gia một cuộc thi mang bản sắc là thế mạnh của địa phương thì không dễ gì để giành chiến thắng. Nhưng đó không phải là điều quan trọng nhất, mà theo nữ thuyền trưởng dạn dày kinh nghiệm người Australia Wendy Tuck, điều lớn hơn là thủy thủ đoàn có những ngày được làm người Đà Nẵng, được hòa mình vào những hoạt động văn hóa để hiểu hơn về một đất nước Việt Nam hiếu khách, con người Việt Nam thân thiện dễ mến.

Công Khanh

Các hoạt động tiếp theo của Clipper Race tại Đà Nẵng

Ngày mai (20-2), các thủy thủ có thể tham gia chương trình Âm nhạc đường phố được tổ chức tại vỉa hè đường Bạch Đằng, chương trình biểu diễn nghệ thuật tại bờ Đông cầu Rồng và xem cầu Rồng phun lửa, phun nước (19 giờ đến 21 giờ 30).

Trong ngày chủ nhật (21-2), buổi sáng có chương trình biểu diễn nhạc hơi tại bờ Tây cầu Rồng; buổi chiều là sự kiện Đôi chân trần trên biển; cuối giờ chiều và buổi tối thuyền trưởng và các thủy thủ sẽ tham gia chương trình huấn luyện Mission Performance.