Báo Công An Đà Nẵng

Đối ngoại Việt Nam:

Tích cực, chủ động góp phần tạo đà đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới

Thứ bảy, 04/01/2025 06:50
Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn. Ảnh: BNG

Theo Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn, trong năm 2024, thế giới tiếp tục quá trình biến đổi sâu sắc, có nhiều diễn biến mới, phức tạp, tác động đến tất cả mọi mặt đời sống xã hội. Năm 2024 cũng là năm đất nước bước vào giai đoạn nước rút thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII. Trong bối cảnh đó, công tác đối ngoại đã được triển khai đồng bộ, hiệu quả, với nhiều hoạt động sôi động, đạt được nhiều kết quả tích cực. Mặc dù môi trường bên ngoài biến động, Việt Nam tiếp tục nổi lên là một "điểm sáng" hòa bình, ổn định và phát triển ở khu vực. Những thành tựu "quan trọng, có ý nghĩa lịch sử" của đối ngoại từ đầu nhiệm kỳ đến nay như đánh giá của lãnh đạo chủ chốt tiếp tục được kế thừa, phát huy và góp phần vào những thành tựu chung của đất nước.

Năm 2025 là năm quan trọng, có ý nghĩa đặc biệt đối với dân tộc ta, là năm kỷ niệm 80 năm thành lập nước và 50 năm thống nhất đất nước, năm cuối quyết định việc thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, đồng thời cũng là năm bản lề bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Đất nước ta đang đứng trước khởi điểm lịch sử mới, đặt ra những nhiệm vụ mới cho đối ngoại, ngoại giao.

Tại buổi làm việc với Ban Cán sự đảng Bộ Ngoại giao tháng 8 vừa qua, Tổng Bí thư Tô Lâm đã yêu cầu trong thời gian tới, công tác đối ngoại, ngoại giao cần "chủ động, kịp thời phát hiện cơ hội, thách thức, tăng cường đóng góp tích cực của ngoại giao trong thực hiện thắng lợi các mục tiêu chiến lược 100 năm dưới sự lãnh đạo của Đảng, 100 năm thành lập nước", "nâng tầm, mở rộng đóng góp của Việt Nam cho sự nghiệp cách mạng thế giới, cho hòa bình, hợp tác, phát triển và tiến bộ của nhân loại" và "lan tỏa mạnh mẽ phiên bản Việt Nam độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác, hữu nghị, phát triển, phồn vinh, hạnh phúc".

Do đó, nhiệm vụ bao trùm của đối ngoại - ngoại giao trong năm 2025 cũng như cho kỷ nguyên mới là tiếp tục kế thừa các mục tiêu, nguyên tắc, phương châm, phương thức đối ngoại đã được khẳng định trong chặng đường 80 năm của nền đối ngoại, ngoại giao cách mạng Việt Nam. Đồng thời trước những biến chuyển to lớn của thời đại đặt ra yêu cầu đối ngoại, ngoại giao Việt Nam phải có những đổi mới căn bản đáp ứng yêu cầu của giai đoạn mới.

Thứ nhất, phát huy vai trò "trọng yếu, thường xuyên", củng cố cục diện đối ngoại thuận lợi cho đất nước, tạo dựng các khuôn khổ quan hệ vững vàng trước những biến đổi sâu sắc của thời đại. Trong thế giới phụ thuộc lẫn nhau như ngày nay, sự ổn định và phát triển của các quốc gia đều không thể tách rời môi trường khu vực và quốc tế bên ngoài. Tầm vóc quan hệ đối ngoại mới sau khi nâng tầm, nâng cấp khuôn khổ quan hệ với các nước từ đầu nhiệm kỳ đến nay đặt ra yêu cầu mới về tạo lập sự bền vững trong các mối quan hệ với tin cậy chính trị cao hơn, hợp tác sâu rộng hơn và lợi ích đan xen hơn. Đồng thời, đối ngoại cùng với quốc phòng, an ninh bảo vệ tổ quốc từ sớm, từ xa, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, tập trung cho phát triển đất nước.

Thứ hai, đối ngoại đóng vai trò kiến tạo, động lực, mở ra các cơ hội mới cho đất nước, kết nối nội lực với ngoại lực, trong đó nội lực là cơ bản, lâu dài, ngoại lực là quan trọng, đột phá. Đó là các nguồn lực về thương mại, đầu tư, là các xu thế phát triển và liên kết kinh tế, là trật tự thế giới đa cực, đa trung tâm, dựa trên luật pháp quốc tế, là sức mạnh của kỷ nguyên cách mạng khoa học công nghệ, kinh tế tri thức... Từ bài học của các nước đi trước, của các "con rồng, con hổ" châu Á, trong giai đoạn bứt phá, nhiệm vụ của đối ngoại là làm thế nào định vị đất nước vào vị thế tối ưu trong các xu hướng, trào lưu phát triển chính của thế giới; khơi thông, kết nối hợp tác với các đối tác hàng đầu trong những lĩnh vực đột phá, chiến lược như trí tuệ nhân tạo, bán dẫn…

Thứ ba, cách tiếp cận đối ngoại mới từ tiếp nhận sang đóng góp, từ học tập sang dẫn dắt, từ hội nhập sâu rộng sang hội nhập đầy đủ, từ một quốc gia đi sau sang một quốc gia đang vươn lên, sẵn sàng đảm nhận những trách nhiệm mới. Thế và lực mới của đất nước đã thay đổi, cho phép Việt Nam có khả năng, điều kiện tham gia sâu hơn, trách nhiệm hơn nhưng cũng được kỳ vọng đóng góp nhiều hơn vào việc giải quyết các vấn đề chung của thế giới.

Việt Nam sẽ tích cực tham gia xây dựng và bảo vệ trật tự quốc tế công bằng, bình đẳng dựa trên luật pháp quốc tế, nâng tầm đóng góp của Việt Nam vào các vấn đề chung, không chỉ tham gia xây dựng, định hình các thể chế đa phương, mà còn phát huy vai trò nòng cốt, dẫn dắt trong những vấn đề, cơ chế quan trọng có tầm chiến lược, phù hợp với lợi ích của ta.

Thứ tư, phát huy "sức mạnh mềm" của dân tộc tương xứng với tầm vóc lịch sử và văn hóa, vị thế chính trị và kinh tế của đất nước. "Sức mạnh mềm" của Việt Nam là nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc, những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử của công cuộc đổi mới, là đường lối đối ngoại hòa bình, xử lý các vấn đề quốc tế hài hòa, có lý, có tình, tôn trọng luật pháp quốc tế, là sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân thế giới. Trong giai đoạn phát triển mới, sức mạnh mềm của đất nước không chỉ là nguồn lực phục vụ cho mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội mà cao hơn là hướng tới gắn kết Việt Nam với thế giới, gia tăng vị thế, ảnh hưởng của đất nước trong nền chính trị thế giới, kinh tế toàn cầu và văn minh nhân loại.

Thứ năm, để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ đó, một trong những điều cốt yếu là xây dựng nền đối ngoại, ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, chuyên nghiệp. Trong tổ chức bộ máy, kiện toàn tổ chức bộ máy các cơ quan làm công tác đối ngoại theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh. Trong công tác cán bộ, với phương châm "cán bộ là cái gốc của mọi công việc", các cán bộ đối ngoại - ngoại giao trong giai đoạn mới không chỉ có trình độ, năng lực và bản lĩnh chính trị mà còn phải dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới sáng tạo, ngày càng chuyên nghiệp về cách thức, phương thức, lề lối làm việc.

Một mùa xuân mới đã đến với nhiều ước vọng tốt đẹp cho đất nước. Dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, trên cơ sở những thành quả đã đạt được trong năm 2024, ngoại giao Việt Nam sẽ tiếp tục đóng góp xứng đáng vào thực hiện thắng lợi đường lối đối ngoại theo tinh thần Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, góp phần đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới.

B.T (theo TTXVN)