Báo Công An Đà Nẵng

Tích cực hỗ trợ, giúp đỡ người từng lầm lỡ tái hòa nhập cộng đồng

Thứ sáu, 10/05/2019 09:00

Qua thực hiện quy chế phối hợp trong công tác Thi hành án hình sự (THAHS) và thực hiện Đề án đảm bảo tái hòa nhập cộng đồng (THNCĐ) giai đoạn 2 theo tinh thần Nghị định 80/2011/NĐ-CP của Chính phủ, công tác THAHS trên địa bàn Q. Ngũ Hành Sơn (TP Đà Nẵng) đã từng bước đi vào nề nếp và có chiều sâu. Đặc biệt, công tác THNCĐ ngày càng dấy lên phong trào sâu rộng, huy động được sức mạnh toàn xã hội đem lại hiệu quả cao trong công tác tiếp nhận, quản lý giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù (NCHXAPT ) về địa phương THNCĐ.

UBND Q. Ngũ Hành Sơn tổ chức hội nghị đối thoại về các biện pháp hỗ trợ, giúp đỡ người từng lầm lỡ hòa tái nhập cộng đồng. 

Xuất hiện nhiều mô hình hay, cách làm tốt

Trong những năm qua, lãnh đạo Q. Ngũ Hành Sơn đã tập trung chỉ đạo sâu sát và hiệu quả các đơn vị, ban ngành, đoàn thể, địa phương trong công tác triển khai thực hiện Luật THAHS; phối hợp tiếp nhận, quản lý, giáo dục, giúp đỡ và tạo mọi điều kiện thuận lợi để NCHXAPT tái hòa nhập cộng đồng. Các đơn vị, địa phương trên địa bàn Ngũ Hành Sơn đã tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền Luật THAHS và tuyên truyền giáo dục về THNCĐ với nội dung phù hợp bằng nhiều phương pháp, hình thức phong phú, đa dạng nhằm từng bước nâng cao công tác THAHS và THNCĐ ở cơ sở. Từ đó phát huy được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị vào việc triển khai thực hiện Luật THAHS và nhiệm vụ THNCĐ đối với NCHXAPT trên địa bàn toàn quận.

Đặc biệt, UBND Q. Ngũ Hành Sơn đã chủ động tổ chức nhiều cuộc đối thoại về các biện pháp đảm bảo THNCĐ đối với NCHXAPT về địa phương để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của từng người. Qua các cuộc đối thoại, các cơ quan, đơn vị, địa phương quan tâm tổ chức cho vay vốn, dạy nghề, tạo công ăn việc làm, xóa đói giảm nghèo để NCHXAPT ổn định cuộc sống, xóa bỏ mặc cảm để trở thành công dân tốt, có ích cho gia đình và xã hội, hạn chế tối đa tình trạng tái phạm tội và vi phạm pháp luật… Tính đến nay, toàn Q. Ngũ Hành Sơn đã tiếp nhận 274 NCHXAPT về nơi cư trú tại địa phương, hiện còn 50 người thuộc diện THNCĐ. Các địa phương đã tích cực phối hợp các cơ quan, ban ngành, đoàn thể vận động tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp hỗ trợ kinh phí cho vay vốn, dạy nghề, giới thiệu việc làm cho NCHXAPT… 

Trong giai đoạn 2 thực hiện Đề án đảm bảo THNCĐ (2017-2018), toàn Q, Ngũ Hành Sơn đã hỗ trợ vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội quận cho 17 hộ, trong đó có cả gia đình và NCHXAPT trực tiếp vay vốn, với tổng số tiền hơn 455 triệu đồng... Kết quả cho thấy, đa số những người vay vốn đều sử dụng đúng mục đích, tạo công ăn việc làm, góp phần ổn định cuộc sống. Bên cạnh mô hình cho vay vốn "Quỹ hoàn lương" theo quyết định của Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, nhiều ban ngành, đoàn thể trong quá trình triển khai thực hiện đã có nhiều sáng kiến, xây dựng những mô hình hay, cách làm tốt, hiệu quả phù hợp với điều kiện kinh tế ở từng địa phương, đơn vị. Điển hình như mô hình: "Phụ nữ giúp nhau cùng vượt khó", "3 + 1" do Hội Cựu chiến binh quận khởi xướng; "Hỗ trợ vay vốn, liên kết vay vốn, tạo việc làm", "3 biết 2 hỗ trợ" của CAP Hòa Hải; "4 kèm cặp 2 hỗ trợ" của CAP Mỹ An… Đặc biệt, mô hình "Hỗ trợ vay vốn" của Hội LHPN P. Khuê Mỹ đến nay đã tạo điều kiện cho 10 người vay, tổng cộng 85 triệu đồng, trong đó vốn vay huy động hơn 154 triệu đồng. Hầu hết số người được vay vốn đều làm ăn khá, ổn định cuộc sống. Và mô hình này được Bộ Công an và UBND TP Đà Nẵng tặng Bằng khen và biểu dương toàn quốc.

Theo Trung tá Trần Việt Hùng- Trưởng CAP Mỹ An, việc quan tâm giúp đỡ NCHXAPT ổn định cuộc sống, vươn lên trở thành người có ích cho xã hội luôn được lãnh đạo địa phương và các ban ngành, tổ chức đoàn thể quan tâm giải quyết. P. Mỹ An hiện đang quản lý 17 NCHXAPT nhưng chưa được xóa án tích. Tất cả những người này đều được CAP phối hợp với các ban ngành, đoàn thể quan tâm, giúp đỡ thích nghi với đời sống xã hội, tạo kế sinh nhai. Rất nhiều trường hợp trong số đó đã phấn đấu vươn lên vượt qua mặc cảm và trở thành người có ích cho xã hội, đóng góp tích cực vào công tác đảm bảo ANTT tại địa phương, được nhân dân và các cấp lãnh đạo ghi nhận. Điển hình như trường hợp anh Mai Văn D. (trú P. Mỹ An), là người THNCĐ, sau khi về địa phương, CAP và các đoàn thể thường xuyên gặp gỡ, trao đổi, nắm bắt tư tưởng, nhu cầu và tham mưu UBND phường hỗ trợ vay vốn làm ăn có hiệu quả và tạo thêm được việc làm cho những người cùng hoàn cảnh với anh tại địa phương. Điều đó phản ánh được sự đúng đắn của việc triển khai thực hiện đề án THNCĐ trên địa bàn là hết sức kịp thời, phù hợp với thực tiễn phát triển KT-XH và giữ gìn ANTT tại địa phương...

P. Hòa Quý (Q. Ngũ Hành Sơn) ra mắt "Câu lạc bộ Chi đoàn giúp bạn" nhằm giúp đỡ thanh thiếu niên có quá khứ vi phạm hoặc có nguy cơ vi phạm pháp luật tham gia các hoạt động bổ ích, lành mạnh.

Xóa bỏ định kiến đối với những người đã từng lầm lỡ

Theo các đơn vị, địa phương, ban ngành trên địa bàn Q. Ngũ Hành Sơn, vấn đề khó nhất để hỗ trợ NCHXAPT tái hòa nhập cộng đồng chính là giải quyết việc làm. Phần đông người tái hòa nhập còn mặc cảm, tự ti, sống khép kín, khó hòa nhập nên khó xác định số người cần giới thiệu việc làm, học nghề hay hỗ trợ vay vốn sản xuất. Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp khi tuyển công nhân có yêu cầu xác nhận lý lịch thì những người chưa xóa án tích khó vào làm hoặc do trình độ tay nghề. Vì vậy, nhiều người sau khi ra tù không tìm được việc làm nên bị kẻ xấu lợi dụng dẫn tới tái phạm…

Bà Nguyễn Thị Anh Thi- Chủ tịch UBND Q. Ngũ Hành Sơn cho rằng, việc hỗ trợ, giúp đỡ, giáo dục NCHXAPT tái hòa nhập cộng đồng là trách nhiệm chung của toàn xã hội, của cả hệ thống chính trị. Trong đó, lực lượng CA đóng vai trò nòng cốt trong tham mưu, tổ chức thực hiện. Làm tốt điều này sẽ là giải pháp quan trọng, góp phần kiềm chế tội phạm gia tăng, giữ vững ổn định ANTT, góp phần phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương... Tuy nhiên, để làm được điều đó, trước hết mọi người phải thay đổi nhận thức xóa bỏ định kiến trong cộng đồng xã hội đối với những người đã từng có quá khứ vi phạm pháp luật khi họ đã chấp hành xong hình phạt tù trở về cộng đồng... Bà Thi nhấn mạnh: "Thực tế cho thấy, nơi nào, thời điểm nào, địa phương nào mà lãnh đạo cấp ủy, chính quyền đó vào cuộc với một tâm thế quyết tâm cao, suy tư tìm cách làm hay, những giải pháp tốt cũng như chủ động tự tin dám nghĩ, dám làm thì nơi đó địa phương đó hiệu quả công tác cao. Ngược lại nơi nào, địa phương nào mà lãnh đạo ít quan tâm chỉ đạo, kiểm tra, không đầu tư suy nghĩ tìm cách làm mới thì chất lượng hiệu quả thấp, thậm chí bị động lúng túng…".

Bà Nguyễn Thị Anh Thi cho rằng, các đơn vị, ban ngành, đoàn thể trên địa bàn quận cần tiếp tục chú trọng công tác nhân rộng các mô hình, cá nhân điển hình tiên tiến trong công tác đấu tranh phòng chống tội phạm, giáo dục, cảm hóa, giúp đỡ NCHXAPT tái hòa nhập cộng đồng; đồng thời nghiên cứu xây dựng các mô hình mới phù hợp với tình hình thức tế từng địa bàn, từng thời điểm và từng nhóm đối tượng cụ thể. Bên cạnh đó, các đơn vị, địa phương tăng cường nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục các nội dung của Luật THAHS và Nghị định số 80/2011/NĐ-CP bằng nhiều hình thức, nội dung phù hợp với từng địa bàn, đối tượng, khu dân cư nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm, tính tích cực, tự giác của nhân dân tham gia quản lý, giáo dục, giúp đỡ, xóa bỏ sự định kiến kỳ thị, phân biệt đối xử với NCHXAPT, giúp họ ổn định cuộc sống, THNCĐ. Đặc biệt, các đơn vị, địa phương phát huy vai trò, trách nhiệm của công đồng, của gia đình NCHXAPT trong việc quản lý, giáo dục, động viên, giúp đỡ NCHXAPT xóa bỏ mặc cảm, tích cực lao động, học tập và tham gia các hoạt động xã hội, ổn định cuộc sống.

Thủ trưởng các đơn vị, ban ngành, đoàn thể, chủ tịch UBND các cấp cần tập trung chỉ đạo thực hiện tốt các mặt công tác trong giai đoạn 3 (2019-2020) của Đề án bảo đảm THNCĐ, để hoàn thành lộ trình Đề án. Bà Thi kêu gọi: Để công tác THNCĐ đi vào chiều sâu có hiệu quả thiết thực hơn nữa, các cấp ngành, đơn vị tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân, các cấp, các ngành và toàn xã hội tích cực tham gia xóa bỏ mặc cảm kỳ thị, hỗ trợ, giúp đỡ NCHXAPT trở về địa phương ổn định cuộc sống. Đồng thời, các ban ngành, đoàn thể tăng cường phối hợp tổ chức dạy nghề, tạo điều kiện cho vay vốn, vận động doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tiếp nhận NCHXAPT vào làm việc để ổn định cuộc sống; kịp thời biểu dương, khen thưởng những NCHXAPT tiêu biểu về tái hòa nhập cộng đồng.

TRÍ DŨNG