Báo Công An Đà Nẵng

Tích cực phòng chống bệnh dại mùa cao điểm

Thứ ba, 08/05/2018 11:02

Mùa nắng nóng là điều kiện thuận lợi cho bệnh dại phát sinh, vì thế mọi người cần phải tích cực phòng chống.

Người dân cần tiêm phòng triệt để vaccine dại cho đàn chó.

92 người tử vong vì bệnh dại mỗi năm

Bệnh dại là bệnh viêm não tủy cấp tính do virus, lây truyền từ động vật sang người chủ yếu qua vết cắn của động vật (chó, mèo) mắc bệnh. Tại Việt Nam, bệnh dại lưu hành ở nhiều địa phương với nguồn truyền bệnh chính là chó. Bệnh lây truyền chủ yếu qua vết cắn hoặc vết cào, liếm của động vật bị dại lên trên da bị tổn thương. Các biểu hiện lâm sàng của bệnh dại trên người là sợ nước, sợ gió, co giật, liệt và dẫn đến tử vong. Khi đã lên cơn dại, tỷ lệ tử vong gần như 100% (đối với cả người và động vật).

Theo Bộ NN&PTNT, trong những năm qua, bệnh dại ở nước ta đã làm chết nhiều người, ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng, tác động tiêu cực đến xã hội, gây thiệt hại lớn về kinh tế. Giai đoạn 2011-2016, trung bình mỗi năm có 92 ca tử vong và khoảng 400.000 người bị chó cắn phải đi điều trị dự phòng, thiệt hại trực tiếp hàng năm hơn 800 tỷ đồng. Theo số liệu của Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương - Bộ Y tế, năm 2017, toàn quốc có 74 người chết do bệnh dại (giảm 17 ca so với năm 2016) tại 34 tỉnh, thành phố, tập trung chủ yếu tại các tỉnh miền Bắc, Tây Nguyên và một số tỉnh miền Trung. Trong đó, có 14 tỉnh có ca mắc mới, các ca bệnh phát sinh nhiều trong khoảng thời gian từ tháng 3 đến 8. Hơn 500.000 người phải đi điều trị dự phòng (trong đó 85% là do chó cắn), tăng 21% so với năm 2016. Trong 3 tháng năm 2018, cả nước có 16 trường hợp tử vong do bệnh dại tại 12 tỉnh, thành phố. Cụ thể, Kon Tum (4 ca), Tuyên Quang (2 ca) và các tỉnh: Điện Biên, Yên Bái, Vĩnh Phúc, Bắc Giang, Thái Nguyên, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Ngãi, Bến Tre, Cà Mau mỗi tỉnh có 1 ca…

 Dù rất nguy hiểm nhưng bệnh dại trên người có thể phòng và điều trị dự phòng bằng vaccine hoặc huyết thanh kháng dại. Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) cho rằng, để chủ động phòng chống bệnh dại, cách tốt nhất là phải tiêm phòng cho 100% chó, mèo nuôi đầy đủ và nhắc lại hàng năm theo khuyến cáo của ngành thú y.  Nuôi chó phải xích, nhốt, khi ra đường phải mang rọ mõm. Không nên đùa nghịch, chọc phá các con vật nuôi. Đặc biệt, không tiếp xúc với con vật bị dại, nghi dại; không mua bán, vận chuyển chó mèo ra vào vùng dịch. Báo ngay cho chính quyền, cơ quan thú y tại địa phương để có biện pháp tiêu hủy chó mèo bị dại, cách ly theo dõi động vật nghi dại, tiêm phòng dại cho động vật khỏe mạnh sống trong vùng dịch. Khi bị chó, mèo cắn hoặc liếm cần rửa vết thương dưới vòi nước chảy ngay lập tức với xà phòng liên tục 15 phút. Nếu không có xà phòng có thể xối rửa vết thương bằng nước thông thường. Đây là phương pháp sơ cứu hiệu quả nhất để chống lại bệnh dại. Vết thương cần được rửa sạch với cồn 70%, cồn iod (nếu có). Hạn chế làm dập vết thương và không băng kín vết thương. Đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn và tiêm phòng dại kịp thời. Bởi, chỉ có tiêm phòng mới ngăn ngừa không bị bệnh dại. Tuyệt đối không tự chữa hoặc nhờ thầy lang khám chữa.

Với những trường hợp bị sây sát nhẹ, vết sây sát xa thần kinh trung ương thì cần theo dõi con vật trong 15 ngày. Trong thời gian theo dõi, nếu thấy con vật có biểu hiện không bình thường như: ốm, bỏ ăn, chết, mất tích, bán hoặc mổ thịt... phải đến điểm tiêm phòng dại để được điều trị dự phòng ngay. Nếu sau 15 ngày kể từ khi người bị con vật cắn, tiếp xúc mà con vật đó vẫn sống bình thường thì không cần điều trị dự phòng.

Cộng đồng chung tay phòng chống bệnh dại

Để góp phần nâng cao trách nhiệm của người nuôi chó, mèo với cộng đồng và "cộng đồng chung tay phòng chống bệnh dại", cảnh báo kịp thời tình hình diễn biến của bệnh dại trong mùa nắng nóng sắp đến cũng là mùa thuận lợi cho bệnh dại phát sinh, UBND TP Đà Nẵng đã chỉ đạo các quận, huyện, sở, ngành chủ động triển khai các biện pháp chủ động phòng, chống bệnh dại theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 31/CT-TTg và công điện khẩn của Bộ NN&PTNT. Đồng thời, phát động tháng cao điểm phòng, chống bệnh dại, với nội dung trọng tâm là quản lý đàn chó nuôi và tiêm phòng triệt để vaccine dại cho đàn chó, tổ chức quản lý đàn chó theo quy định.

Theo đó, các sở, ngành, địa phương liên quan tổ chức rà soát, thống kê chính xác số hộ nuôi chó ở từng khu dân cư và số chó nuôi trong từng hộ gia đình để quản lý, đồng thời hỗ trợ cho công tác tổ chức tiêm phòng triệt để vaccine dại cho đàn chó. Yêu cầu các hộ nuôi chó cam kết thực hiện nghiêm túc việc khai báo, đăng ký nuôi chó, chấp hành việc nuôi giữ chó trong khuôn viên gia đình, thực hiện việc xích, nhốt, rọ mõm chó nuôi theo đúng quy định để ngăn ngừa, giảm thiểu các trường hợp chó cắn người, giảm thiểu nguy cơ chó nhà bị chó dại tấn công. Tổ chức tuyên truyền sâu rộng trong cộng đồng dân cư, các cơ quan, đơn vị, trường học về tính chất nguy hiểm của bệnh dại, các dấu hiệu nhận biết động vật mắc bệnh dại; biện pháp phòng, chống bệnh dại hiệu quả và các quy định của pháp luật về phòng, chống bệnh dại. Tuyên truyền, nâng cao trách nhiệm, nhận thức của người nuôi chó với cộng đồng và "cộng đồng chung tay phòng, chống bệnh dại".

Bên cạnh đó, khuyến khích cộng đồng dân cư tham gia giám sát, phát hiện và thông báo cho chính quyền cơ cở, cơ quan thú y và y tế về các trường hợp chó, mèo, động vật nghi mắc bệnh dại để kịp thời xử lý. Vận động, hướng dẫn người vị chó cắn, mèo cào… đến ngay cơ sở y tế để được hướng dẫn xử lý vết thương, điều trị dự phòng kịp thời.

TRÍ DŨNG