Tiềm ẩn nhiều nguy cơ ngộ độc thực phẩm
(Cadn.com.vn) - Ngày 25-7, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Đà Nẵng Võ Duy Khương đến dự và phát biểu chỉ đạo tại hội nghị sơ kết công tác quản lý Nhà nước về VSATTP 6 tháng đầu năm 2013.
Theo báo cáo tại hội nghị, trong 6 tháng đầu năm, toàn thành phố tiến hành thanh kiểm tra 4.465/6.461 cơ sở (đạt 69,1%). Phát hiện 538 cơ sở vi phạm về VSATTP (chiếm 12%). Qua đó, cảnh cáo 442 cơ sở và phạt tiền 96 cơ sở với số tiền gần 139 triệu đồng. Đã xảy ra 4 vụ ngộ độc thực phẩm với 92 người mắc. Đặc biệt, vẫn còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ ngộ độc thực phẩm...
Nguy cơ ngộ độc tại bếp ăn tập thể
TP Đà Nẵng có 6 Khu công nghiệp (KCN) tập trung, thu hút 346 dự án đầu tư với gần 70.000 lao động. Trong đó có 74 dự án vốn đầu tư nước ngoài (FDI) nhưng chiếm gần 41.000 lao động làm việc. Nhiều doanh nghiệp FDI số lượng công nhân tham gia bếp ăn tập thể rất lớn, có doanh nghiệp lên đến vài trăm công nhân. Hầu hết các doanh nghiệp hợp đồng với các đơn vị bên ngoài vào nấu ăn cho công nhân hoặc mang thức ăn được chế biến sẵn từ bên ngoài vào, trong đó có một số đơn vị có cơ sở chế biến ngoài địa bàn thành phố, do đó việc theo dõi, quản lý xuyên suốt các công đoạn chế biến, bảo quản, vận chuyển, quá trình cung cấp suất ăn đến cho công nhân rất khó khăn.
Những thực phẩm không rõ nguồn gốc được bày bán tràn lan là nguyên nhân chính dẫn đến ngộ độc thức ăn. |
Bên cạnh đó, vì lợi nhuận hoặc do chưa hiểu biết đầy đủ tầm quan trọng về VSATTP và sức khỏe người tiêu dùng nên có những đơn vị tham gia nấu ăn đã sử dụng thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ, chưa qua kiểm dịch hoặc việc ghi chép sổ sách theo dõi không tuân thủ quy định, điều này dẫn đến khó khăn trong khâu kiểm tra, giám sát của các ngành chức năng hoặc trong tình huống có xảy ra ngộ độc. Ngoài ra, vẫn còn có một số doanh nghiệp quy mô nhỏ, chưa tổ chức bếp ăn tập thể tại nhà máy thì công nhân tự mua thức ăn từ bên ngoài hoặc mang theo...
Dù từ năm 2007 đến nay, trên địa bàn thành phố không xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm tại bếp ăn tập thể trong KCN nhưng vấn đề ATVSTP tại đây cũng cần phải quan tâm nhiều hơn do tình hình thực phẩm lưu thông trên thị trường hiện nay rất phức tạp, không rõ xuất xứ, nguồn gốc và một số đơn vị chưa thực hiện tốt việc đảm bảo các quy định của pháp luật về ATVSTP. Hơn nữa, điều kiện bữa ăn của công nhân hiện nay còn quá thấp (khoảng 10.000 đồng) nên các chủ bếp phải tìm nguồn thực phẩm rẻ, trôi nổi tại các chợ... Theo ông Nguyễn Tấn Liên - Phó trưởng Ban quản lý các KCN và chế xuất Đà Nẵng, để đảm bảo ATVSTP trong các bếp ăn tập thể tại các KCN, trước hết phải tăng cường sự phối hợp chặt chẽ giữa ngành y tế, Sở NN&PTNT, Sở Công thương và Ban quản lý các chợ nhằm quản lý chặt chẽ quá trình sản xuất, chế biến, bảo quản, vận chuyển, kinh doanh thưc phẩm, thu hồi và xử lý các sản phẩm không an toàn. Đồng thời, nâng cao trách nhiệm người đứng đầu doanh nghiệp...
Khó kiểm soát thức ăn đường phố
Trong những năm gần đây, tình trạng mất VSATTP có chiều hướng gia tăng mà chủ yếu là do nhận thức và vì mục đích lợi nhuận cao nên các hộ kinh doanh dịch vụ ăn uống chưa chú trọng đảm bảo VSATTP. Các dịch vụ ăn uống không ngừng phát triển phong phú, đa dạng, nhất là dịch vụ thức ăn đường phố, di biến động theo thời vụ rất khó quản lý. Kéo theo đó, đa phần thức ăn, nước uống lề đường không được kiểm soát về chất lượng, người bán sử dụng nguyên liệu không có nguồn gốc, hóa chất cấm hoặc hóa chất không dùng trong thực phẩm. Tuy nhiên, hiện tại không thể quản lý đối với loại hình thức ăn đường phố do không đủ cán bộ, cán bộ Trạm y tế quá thiếu, quá yếu và thay đổi liên tục. Chính vì vậy, vấn đề ngộ độc thực phẩm chủ yếu rơi vào loại hình thức ăn đường phố.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Võ Duy Khương, đề nghị: Các sở, ban ngành liên quan tiếp tục tăng cường việc thanh kiểm tra đảm bảo các quy định về VSATTP đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, đặc biệt kinh doanh phụ gia thực phẩm. Đồng thời, tăng cường giám sát tình hình ô nhiễm thực phẩm, ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm. Đẩy mạnh công tác quản lý hoạt động đối với loại hình kinh doanh thức ăn đường phố. Tăng cường công tác kiểm tra VSATTP về hàng giả, hàng cấm, hàng kém chất lượng, không đảm bảo VSATTP tại các cơ sở có nguy cơ cao về ATTP, chú ý xử phạt cương quyết để răn đe. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về đảm bảo chất lượng VSATTP; tập trung chủ yếu vào việc phổ biến, tuyên truyền trách nhiệm của các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm theo quy định của Luật ATTP...
T.Dũng