Báo Công An Đà Nẵng

Tiệm cầm đồ không được cầm sổ đỏ

Thứ hai, 01/07/2019 10:22

Bạn đọc hỏi: ông Trần Đình Long, chủ tiệm cầm đồ tại tỉnh Quảng Bình, hỏi: sau khi đọc bài "Cẩn trọng khi cầm sổ đỏ" trên Báo Công an TP Đà Nẵng phát hành ngày 24-6, là người kinh doanh dịch vụ cầm đồ, tôi có một số nội dung gửi đến Chuyên  mục như sau: trong thời gian qua, tôi có cầm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà (gọi tắt là sổ đỏ) và thực tế đa phần không có vấn đề gì phát sinh. Tuy nhiên, hiện tôi đang giữ 2 hai sổ đỏ của một người vay tiền đã quá hạn trả nợ gần 5 tháng mà không biết cách gì để bán tài sản (TS) này. Do vậy, tôi muốn biết: tôi có thể bán 2 sổ đỏ này được không và bán bằng cách gì? Nếu không bán được thì tôi cần làm gì để thu nợ?

*Ths.LS Lê Ngô Hoài Phong, Trưởng CN Công ty Luật TNHH Phạm và Liên Danh tại TP Đà Nẵng, trả lời: Về mặt bản chất, cầm cố TS là việc bên cầm cố giao TS thuộc sở hữu của mình cho bên nhận cầm cố để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ, trường hợp bên cầm cố không thực hiện nghĩa vụ thì bên nhận cầm cố sẽ xử lý TS cầm cố. Đối với dịch vụ cầm đồ, Điều 3 Nghị định 96/2016/NĐ-CP của Chính phủ có quy định kinh doanh dịch vụ cầm đồ là kinh doanh dịch vụ cho vay tiền mà người vay tiền phải có TS hợp pháp mang đến cầm cố. Điều này có nghĩa là tiệm cầm đồ có quyền cho người khác vay tiền khi người vay tiền mang TS thuộc sở hữu của mình đến tiệm cầm đồ để cầm cố. Tuy nhiên, theo quy định của pháp luật, sổ đỏ không phải là TS mà là chứng thư pháp lý để Nhà nước xác nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà, TS khác gắn liền với đất hợp pháp. Vì thế, theo quy định của Luật Đất đai 2013 thì người sử dụng đất chỉ được thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất; và theo quy định của Luật Nhà ở 2014 thì người sử dụng đất chỉ được quyền bán, chuyển nhượng hợp đồng mua bán, cho thuê, cho thuê mua, tặng cho, thừa kế, đổi, thế chấp, góp vốn, cho mượn, cho ở nhờ, ủy quyền nhà ở mà không có quyền cầm cố. Từ những quy định này có thể xác định rằng, việc tiệm cầm đồ nhận cầm cố sổ đỏ sẽ không được pháp luật thừa nhận. Vì vậy, ông Long không thể bán sổ đỏ đang giữ của người vay tiền được. Để thu hồi khoản nợ, ông Long có thể khởi kiện ra tòa án nhân dân cấp huyện, nơi người vay tiền cư trú. Đồng thời, ông Long cần yêu cầu tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời nhằm ngăn cản người vay tẩu tán TS. Sau khi có bản án của tòa án có hiệu lực, nếu người vay không tự nguyện thi hành án thì ông Long có quyền yêu cầu cơ quan thi hành án cưỡng chế thi hành bằng biện pháp kê biên, bán đấu giá TS.

Chuyên mục này có sự hợp tác về chuyên môn của CN Công ty Luật TNHH Phạm và Liên Danh tại TP Đà Nẵng. Đường dây nóng hỗ trợ tư vấn: 0236.3572456; 0905102425