Báo Công An Đà Nẵng

Tiềm năng, lợi thế và những lĩnh vực, dự án ưu tiên thu hút đầu tư

Thứ ba, 07/06/2022 09:21
Sân bay quốc tế Đà Nẵng nhộn nhịp khách trở lại hậu COVID-19.

* Ông Nguyễn Xuân Bình, Phó Giám đốc Sở Du lịch TP Đà Nẵng:

TP Đà Nẵng có vị trí địa lý thuận lợi ở miền Trung Việt Nam, là cửa ngõ đến các di sản văn hóa và tự nhiên do UNESCO công nhận như: phố cổ Hội An, thánh địa Mỹ Sơn (Quảng Nam), Cố đô Huế (Thừa Thiên - Huế), Phong Nha Kẻ Bàng (Quảng Bình); hạ tầng giao thông đồng bộ và hiện đại gồm cảng biển, sân bay quốc tế, hệ thống đường bộ, đường sắt Bắc - Nam. TP có tài nguyên sản phẩm du lịch phong phú và đa dạng gồm: Bana Hills, danh thắng Ngũ Hành Sơn, bán đảo Sơn Trà, Bảo tàng Điêu khắc Chăm, v.v…; nhất là hệ thống hạ tầng và cung ứng dịch vụ du lịch tầm cỡ thế giới với những thương hiệu khách sạn, resort hàng đầu thế giới như: Intercontinental, Marriott, Sheraton, Hyatt, Crown, Pullman, Hilton, v.v... Môi trường du lịch của TP an toàn, thân thiện, mến khách, đặc biệt, TP đã nỗ lực tiêm phủ vaccine phòng COVID-19 để ngăn ngừa dịch bệnh… Mục tiêu đến năm 2030, phát triển TP trở thành trung tâm du lịch và dịch vụ chất lượng cao của Việt Nam và Đông Nam Á, đưa TP trở thành trung tâm sự kiện và lễ hội tầm cỡ khu vực.

* Ông Đặng Nam Sơn, Phó Giám đốc Sở GTVT TP Đà Nẵng

Quy hoạch phát triển cơ sở hạ tầng logistics của TP đến năm 2030 và tầm nhìn 2045 có 5 trung tâm logistics chính được bố trí tại các đầu mối giao thông, khu công nghiệp, cụm công nghiệp. Cụ thể, Trung tâm logistics cảng Liên Chiểu đặt tại khu vực hậu cần cảng Liên Chiểu, có vai trò là trung tâm logistics cảng biển với quy mô 35ha vào năm 2030 và 69ha vào năm 2045; Trung tâm logistics Hòa Nhơn là trung tâm logistics đường bộ, đặt gần khu vực nút giao thông giữa đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi với đường Hoàng Văn Thái với quy mô 27ha đến năm 2030 và 54ha đến năm 2045; Trung tâm logistics Hòa Liên, đặt tại xã Hòa Liên, là trung tâm logistics phục vụ đường sắt với quy mô 5ha vào năm 2030 và 10ha vào năm 2045; Trung tâm logistics cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng là trung tâm logistics phục vụ hàng không, đặt trong hoặc gần sân bay quốc tế Đà Nẵng với quy mô đến năm 2030 rộng 4ha và đến năm 2045 rộng 8ha; Trung tâm logistics khu công nghệ cao Đà Nẵng, là trung tâm logistics phục vụ các khu công nghệ cao và khu công nghiệp, đặt trong Khu công nghệ cao Đà Nẵng với quy mô 3ha đến năm 2030 và 20ha đến năm 2045.

* Ông Nguyễn Đăng Minh, Trưởng Ban Kinh doanh - Phát triển thị trường thuộc Tổng Cty Cảng hàng không Việt Nam:

Hiện tại, cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng với hệ thống cơ sở hạ tầng đồng bộ, hiện đại, có thể đón tài bay thân rộng với tầm bay xa theo tiêu chuẩn quốc tế. Với 2 nhà ga hành khách và nhà ga hàng hóa, công suất phục vụ 15 triệu lượt khách/năm và 18.000 tấn hàng hóa/năm. Trước khi xảy ra dịch COVID-19, cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng có đến 39 đường bay quốc tế và 13 đường bay nội địa. Với vai trò và vị trí quan trọng như trên, Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) đã, đang và sẽ tiếp tục khai thác hiệu quả sân bay quốc tế Đà Nẵng trong những năm tới cũng như tiếp tục tập trung đầu tư phát triển thêm nhiều dự án hạ tầng quan trọng cho sân bay này. Đơn cử như dự án Nhà ga hàng hóa mới với công suất 100.000 tấn/năm và có khả năng mở rộng lên 150.000 tấn/năm, diện tích đất xây dựng gần 2,7ha, dự kiến khởi công vào năm 2023 và hoàn thành xây dựng, đưa vào khai thác trong năm 2024 với mục tiêu trở thành một trong ba trung tâm logistics hàng không chuyên dụng tại Việt Nam, góp phần đưa sân bay quốc tế; hay dự án Nhà ga hành khách T3 với công suất 15 triệu hành khách/năm, dự kiến khởi công trong giai đoạn 2025-2030 với mục tiêu đưa cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng trở thành một trong những cảng hàng không quốc tế lớn nhất Việt Nam, một trong những sân bay quốc tế và điểm đến hấp dẫn của khu vực Châu Á.

* Ông Phạm Trường Sơn, Trưởng Ban quản lý Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng:

Triển khai thực hiện Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển TP Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, lãnh đạo TP xác định công nghiệp công nghệ cao là một trong ba trụ cột chính phát triển kinh tế - xã hội của TP. Với định hướng đó, TP đã, đang và sẽ đầu tư xây dựng Khu công nghệ cao Đà Nẵng với tổng diện tích 1.128ha, Khu công nghệ thông tin tập trung Đà Nẵng với tổng diện tích 131ha (giai đoạn 1) và Khu công viên phần mềm số 2 với tổng diện tích hơn 2ha. Hiện nay, bên cạnh việc đẩy mạnh thu hút đầu tư các dự án trên lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ thông tin, công nghệ số, Ban quản lý Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng tập trung, ưu tiên kêu gọi đầu tư 2 dự án liên quan đến công nghiệp hàng không vào Khu công nghệ cao Đà Nẵng, gồm: dự án Trường đào tạo phi công và kỹ thuật hàng không với tổng diện tích 20ha, vốn đầu tư 100 triệu USD và thời gian thực hiện dự án từ 2023-2026; dự án Trung tâm bảo dưỡng, sửa chữa máy bay với tổng diện tích từ 3 - 5ha, vốn đầu tư 50 triệu USD và thời gian thực hiện dự án từ 2023-2026.

PHÚ NAM (lược ghi)