Tiềm năng từ phát triển sản phẩm rau và hoa xứ lạnh
Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kon Tum, hiện nay, tổng diện tích rau hoa xứ lạnh của tỉnh đạt khoảng trên 200 ha. Toàn bộ diện tích này được trồng trên địa bàn huyện Kon Plông, chủ yếu được sản xuất theo hướng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Được thiên nhiên ưu đãi, khí hậu quanh năm mát mẻ, vùng đất Kon Plông là điều kiện lý tưởng để hình thành và phát triển vùng sản xuất rau, hoa, quả xứ lạnh, qua đó, tạo ra giá trị kinh tế từ nông nghiệp lớn cho tỉnh Kon Tum.
Kon Plông có khí hậu quanh năm mát mẻ, thuận lợi hình thành và phát triển vùng sản xuất rau, hoa, quả xứ lạnh. |
Giá trị cao từ rau, hoa
Hợp tác xã rau, quả và thanh niên bắt đầu trồng rau xứ lạnh tại thị trấn Măng Đen, huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum từ năm 2018, trên tổng diện tích 1,8 ha. Các loại rau mà đơn vị này sản xuất chủ yếu là xà lách, cải thìa, củ cải trắng, củ cải đỏ, cà rốt, su su,... Toàn bộ quy trình sản xuất được thực hiện theo hướng hữu cơ, tiêu chuẩn 6 không là không thuốc trừ sâu, không thuốc diệt cỏ, không phân hóa học, không chất bảo quản, không thuốc kích thích và không giống biến đổi gen. Sản phẩm rau của Hợp tác xã cũng đã đạt chứng nhận TQC, được liên kết với các kênh tiêu thụ lớn như BigC hay Co.opXtra.
Chị Trần Thanh Huyền, Quản lý Hợp tác xã rau, quả và thanh niên cho biết, do đa số công nhân làm việc tại đơn vị đều có tuổi đời khá trẻ, nên gặp khó khăn về kinh nghiệm sản xuất rau xứ lạnh. Vì vậy, mọi người luôn cố gắng học hỏi, trau dồi kinh nghiệm, trao đổi kiến thức để đưa ra hướng phát triển hợp lý. Hiện, đơn vị đang tạo việc làm cho khoảng 10 công nhân là người địa phương, tổng doanh thu ước đạt 6 tỷ đồng/năm. Chị Huyền chia sẻ, hiện đơn vị vẫn đang tiếp tục liên kết với các doanh nghiệp để mở rộng quy mô sản xuất, bởi hiện nay, nhu cầu của thị trường đối với các loại rau xứ lạnh được trồng theo hướng hữu cơ là rất lớn.
Trong khi đó, Ban quản lý khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Măng Đen được tỉnh Kon Tum quy hoạch 170 ha, hiện đã giao gần hết diện tích cho các doanh nghiệp sản xuất. Các loại rau quả xứ lạnh cao cấp như xà lách, cải xoăn, bí nhật, cà chua bi hay dâu tây được các đơn vị chú trọng đầu tư và phát triển. Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp đang thử nghiệm trồng một số loại khác như atisô hay một số loại rau, củ, quả từ thành phố Đà Lạt.
Ông Ngô Nguyên Lộc, Giám đốc Công ty TNHH rau, hoa Phương Quỳnh, thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng cho biết, đơn vị được giao khoảng 3.000 m2 đất tại Ban quản lý khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Măng Đen từ năm 2018. Công ty này đã tiến hành trồng dưa leo, bí nhật, dâu tây, kết hợp với trồng khảo nghiệm cùng Ban quản lý khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Măng Đen.
"Khi sản xuất công nghệ cao thì ở đâu cũng giống nhau, tuy nhiên chúng tôi nhận thấy tại Măng Đen có khí hậu và chất lượng đất rất tốt. Sản phẩm của đơn vị khi đóng về thị trường Thành phố Hồ Chí Minh, vào trong các cửa hàng cao cấp đều được người tiêu dùng đánh giá cao, chất lượng tương tự như khi trồng tại Đà Lạt. Vừa trồng, vừa kết hợp khảo nghiệm với Ban quản lý khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Măng Đen, nếu có được kết quả tốt thì chúng tôi sẽ tiếp tục mở rộng diện tích", ông Ngô Nguyên Lộc khẳng định.
Thu hút đầu tư
Hiện nay, huyện Kon Plông đã thu hút, kêu gọi được 67 dự án đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, với tổng diện tích đất dự kiến gần 5.000 ha, tổng vốn đăng ký đầu tư trên 10.000 tỷ đồng. Trong số đó, đã phát triển được trên 200 ha rau, hoa, quả xứ lạnh để cung cấp cho các thị trường tiêu thụ. Theo ông Phạm Thanh Bình, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Kon Plông, các dự án nông nghiệp đã đầu tư cơ sở hạ tầng, nhà kính, hệ thống nước tưới nhỏ giọt, phun sương và đi vào hoạt động sản xuất. Đồng thời, các đơn vị đã triển khai thực hiện sản xuất chuỗi liên kết giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm rau, hoa, quả, củ xứ lạnh; hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu, logo, bao bì, truy xuất nguồn gốc sản phẩm; xây dựng thương hiệu cho hoa lan Hồ Điệp, hoa Ly Ly, Rượu sim, cá tầm Măng Đen để các sản phẩm nông nghiệp kết nối với thị trường tiêu thụ được thuận lợi.
Tuy nhiên, ông Phạm Thanh Bình cũng cho rằng, hiện nay, việc sản xuất rau, hoa, quả xứ lạnh tại Kon Plông vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của vùng sản xuất. Nguyên nhân chủ yếu là một số dự án đầu tư vào nông nghiệp tiến độ thực hiện còn chậm; sản xuất chưa hình thành được nhiều vùng tập trung, chuyên canh, quy mô hàng hóa lớn; một số khâu sản xuất, sơ chế, chế biến, bảo quản sản phẩm ít ứng dụng công nghệ; ảnh hưởng của thời tiết, biến đổi khí hậu, dịch bệnh,...
Ông Trần Văn Chương, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kon Tum cho biết, ngoài những khó khăn trên, việc phát triển rau, hoa xứ lạnh tại tỉnh còn một số hạn chế khác như chi phí đầu tư ban đầu cao hơn so với sản xuất truyền thống và đòi hỏi phải có tay nghề, kỹ thuật sản xuất ứng dụng công nghệ cao; nhận thức của người sản xuất còn hạn chế, chưa mạnh dạn đầu tư sản xuất nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất; chưa hợp tác, liên kết chặt chẽ trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; việc tìm đầu ra cho sản phẩm, kết nối thị trường tiêu thụ sản phẩm còn khó khăn.
Dù vậy, với điều kiện tự nhiên thuận lợi để phát triển vùng sản xuất rau, hoa, quả xứ lạnh, cùng với Quyết định phê duyệt quy hoạch xây dựng vùng du lịch sinh thái Măng Đen và quy hoạch chung đô thị Kon Plông đến năm 2030 với quy mô 138.116ha của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh Kon Tum đang tích cực kêu gọi, thu hút các nhà đầu tư vào khu vực này.
Hiện nay đã có nhiều doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước đang triển khai các dự án đầu tư sản xuất rau hoa xứ lạnh ứng dụng công nghệ cao, sản xuất nông nghiệp xanh - an toàn theo tiêu chuẩn quốc tế tại Măng Đen, bước đầu đã cung cấp sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao, an toàn ra thị trường.
Điển hình trong số đó là Công ty TNHH SX TM DV Hương Đất đã sản xuất được 1,8 ha rau các loại theo tiêu chuẩn hữu cơ Organic; Tập đoàn Vingroup - Công ty CP VinEco Kon Tum đang đầu tư xây dựng dự án phát triển sản xuất Nông nghiệp VinEco theo hướng sản xuất nông nghiệp hữu cơ với quy mô trên 510ha; dự án xây dựng vùng sản xuất rau hữu cơ cho Nico Nico Yasai đang triển khai thực hiện sản xuất rau hữu cơ theo tiêu chuẩn của Nhật với quy mô 1 ha.
Ngoài ra, tại buổi làm việc giữa đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn do Thứ trưởng Lê Minh Hoan dẫn đầu với Thường trực Tỉnh ủy Kon Tum diễn ra vào đầu tháng 12-2020, Công ty cổ phần Xuất khẩu Đồng Giao đã đặt vấn đề xây dựng vùng nguyên liệu rau, hoa xứ lạnh tại huyện Kon Plông.
Đơn vị này đã có Trung tâm chế biến rau quả Doveco tại tỉnh Gia Lai - tổ hợp nhà máy chế biến nông sản hiện đại lớn nhất khu vực Tây Nguyên, với công suất 52.000 tấn sản phẩm/năm. Đây cũng chính là "đòn bẩy" để tỉnh Kon Tum phát triển rau, hoa xứ lạnh.
"Những thành công bước đầu về phát triển rau hoa xứ lạnh ở Măng Đen đang mở ra cho huyện Kon Plông một hướng đi mới trong phát triển rau hoa xứ lạnh theo hướng nông nghiệp công nghệ cao. Hiện nay, tỉnh Kon Tum đang tập trung phối hợp với các sở, ngành của tỉnh tiếp tục tổ chức các hội thảo, hội nghị xúc tiến đầu tư vào khu quy hoạch rau hoa xứ lạnh này để phát triển tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của tỉnh trong thời gian tới", ông Trần Văn Chương nhấn mạnh.
Dư Toán