Báo Công An Đà Nẵng

Tiêm phòng vaccine trong thời kỳ mang thai

Thứ năm, 01/08/2019 09:00

Phụ nữ trong thai kỳ chưa được tiêm phòng nếu bị nhiễm trùng thì có thể gặp nhiều vấn đề như: truyền bệnh cho em bé trong khi mang thai hoặc trong vài tháng đầu sau khi sinh; sẩy thai; sinh non; trẻ sinh ra mang dị tật bẩm sinh.

Phụ nữ cần tiêm vaccine sởi, quai bị, rubella hoặc thủy đậu và nên tiêm ít nhất 1 tháng trước khi mang thai. Cần lưu ý phải tiêm đủ các mũi vaccine HPV trước khi mang thai. Vaccine HPV không được tiêm trong khi mang thai mặc dù nếu tiêm trước khi biết mình có thai thì vẫn an toàn.

Nếu từng bị nhiễm thủy đậu, bạn không cần tiêm vaccine bởi bạn sẽ không thể mắc bệnh trở lại.

Một số vaccine an toàn để tiêm khi mang thai: vaccine ngăn ngừa cúm, uốn ván, bạch hầu và ho gà. Tất cả phụ nữ mang thai nên tiêm vaccine uốn ván, bạch hầu và ho gà vào tuần thứ 27-36 của thai kỳ, ngay cả khi đã tiêm trước đó nhằm bảo vệ em bé khỏi bị ho gà trong vài tháng đầu sau sinh.

Một số phụ nữ có thể tiêm các vaccine khác trong khi đang mang thai, chẳng hạn có thể tiêm một số vaccine nhất định nếu có các điều kiện y tế khác hoặc có kế hoạch đi du lịch nước ngoài.

Mỗi loại vaccine có số liều cần tiêm khác nhau. Một số vaccine hoạt động chỉ sau 1 liều. Một số loại khác cần 2 hoặc nhiều liều để ngăn ngừa nhiễm trùng. Hầu hết các vaccine mất một vài tuần để hoạt động.

Thông thường vaccine không gây tác dụng phụ, nhưng khi có tác dụng phụ thì thường có tình trạng: đỏ, sưng nhẹ hoặc đau nhức vùng được tiêm; sốt nhẹ; phát ban nhẹ; đau đầu hoặc đau nhức cơ thể.

Vaccine đôi khi cũng gây ra tác dụng phụ nghiêm trọng hơn, chẳng hạn như sốc phản vệ. Tuy nhiên, rất hiếm khi xảy ra tác dụng phụ nghiêm trọng.

Hãy hỏi bác sĩ hoặc y tá của bạn về những tác dụng phụ có thể xảy ra mỗi khi bạn tiêm vaccine.

ThS-BS ĐỒNG THỊ HỒNG TRANG

(Phòng khám đa khoa Pasteur Đà Nẵng)