Tiền ải tiền ai?
(Cadn.com.vn) - Ngày 5-5, TAND tỉnh Quảng Trị đưa ra xét xử phúc thẩm vụ án dân sự về Tranh chấp hợp đồng vay tài sản giữa đồng nguyên đơn là bà Văn Thị Huế (trú P. Đông Giang, TP Đông Hà), ông Trần Hữu Thành (trú khu phố 1, P.1, TP Đông Hà) và bị đơn là Cty TNHH XD Thống Nhất (gọi tắt là Cty Thống Nhất, trụ sở Ninh Bình) do ông Vũ Hữu Sử - Tổng Giám đốc làm đại diện theo pháp luật do có kháng cáo của nguyên đơn về toàn bộ nội dung bản án sơ thẩm TAND TP Đông Hà tuyên trước đó.
Cho vay miệng hàng chục tỷ đồng?
Theo nội dung khởi kiện, vào năm 2012 và 2013, bà Huế - nhân viên Ngân hàng Công thương (NHCT) Chi nhánh Quảng Trị và ông Thành đã cho Cty Thống Nhất (có VP tại Đông Hà) vay nhiều lần với số tiền hơn 26 tỷ đồng thông qua 58 giấy nộp tiền vào tài khoản Cty. Do quen biết nên việc vay và tính lãi chỉ thỏa thuận bằng miệng với mức lãi suất 3%/tháng. Các khoản vay đều do ông Thành đứng tên nộp tiền vào tài khoản (TK) của Cty Thống Nhất mở tại NHCT chi nhánh Quảng Trị. Đến thời điểm bị khởi kiện, Cty Thống Nhất chưa trả lãi, mới thanh toán 1,4 tỷ đồng tiền gốc. Nguyên đơn đòi nợ nhiều lần nhưng không được nên yêu cầu TAND TP Đông Hà buộc Cty trên trả toàn bộ tiền gốc còn lại là 24,98 tỷ đồng (ông Thành 620 triệu đồng, còn lại của bà Huế). Tại sao cho vay một khoản tiền lớn lại chỉ thỏa thuận miệng? Tại sao tiền của bà Huế cho vay lại đứng tên nộp người khác?
Qua tìm hiểu của chúng tôi, bà Huế cho hay theo quy định của ngành Ngân hàng thì nhân viên không được cho cá nhân hoặc tổ chức vay ngoài, mặt khác do yêu cầu của ông Sử (cho rằng Cty lớn không nên thể hiện vay mượn sợ mất uy tín) nên thống nhất việc vay tiền chỉ thỏa thuận miệng. Cũng vì kẹt lý do trên, khi chuyển tiền vào TK của Cty thì ông Thành đứng tên trên các chứng từ và chỉ ghi nộp tiền chứ không thể hiện nội dung cho vay. Quá trình nộp tiền, bà Huế cũng có nhờ một số nhân viên ngân hàng và người ngoài nộp thay.
Theo nguyên đơn, quá trình nộp tiền vào tài khoản của Cty Thống Nhất được thực hiện tại nhiều điểm giao dịch, trong đó có NHCT Quảng Trị. |
Theo TAND TP Đông Hà, quá trình giải quyết vụ án, bị đơn trình bày ý kiến hoàn toàn ngược lại. Ông Sử khai qua quen biết với bà Trần Thị Thanh Thủy - Phó Giám đốc NHCT Quảng Trị, để tăng doanh số lưu chuyển tiền mặt cho ngân hàng, năm 2012 và 2013, ông Sử đã nhiều lần đưa tiền mặt cho bà Thủy để nhờ nộp vào TK của Cty Thống Nhất, số tiền trong 58 chứng từ mà nguyên đơn khởi kiện chính là số tiền mà ông Sử nhờ bà Thủy nộp và số tiền đó đã được chuyển vào TK Cty. Đến năm 2014 thì xảy ra tranh chấp. Cty Thống Nhất phủ nhận việc có thỏa thuận vay mượn với 2 cá nhân trên. Vậy bà Thủy khai gì? Bà này cho hay không hề biết số tiền các bên vay mượn, nhưng khẳng định có việc ông Hải (chồng bà Huế) thường mang tiền đến nhờ bà nộp vào TK Cty Thống Nhất và ghi tên người nộp là Trần Hữu Thành. Ông Sử cũng đã 4 đợt nhờ bà Thủy chuyển giúp tiền trả cho Huế 1,4 tỷ đồng. Lời khai mỗi phách, kỳ quặc, tuy nhiên mấu chốt trong vụ án này là số tiền tranh chấp thực sự đã “êm chảy” về TK Cty Thống Nhất trước đó mà không gặp trở ngại gì. Điều này đã được phía ngân hàng xác nhận: các bên đương sự và NHCT đều thừa nhận số tiền tranh chấp đã được ngân hàng hạch toán đầy đủ vào TK Cty Thống Nhất, không có ý kiến tranh chấp về thiếu hụt số tiền đã được giao dịch. Việc giải quyết tranh chấp là nhằm để xác định có hay không quan hệ vay mượn tài sản? Vì sao mỗi bên trình bày mỗi kiểu?
Tại phiên tòa sơ thẩm do TAND TP Đông Hà xét xử vào tháng 11-2016, qua nghiên cứu tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án được xem xét tại phiên tòa và căn cứ kết quả tranh luận, TAND TP Đông Hà cho rằng theo quy định của pháp luật dân sự thì hợp đồng vay tiền không bắt buộc phải bằng văn bản, tuy nhiên giao dịch với pháp nhân thì không thể bằng lời nói mà phải có tài liệu, chứng cứ thể hiện giao dịch được xác lập với pháp nhân để làm cơ sở cho việc xác định quyền và nghĩa vụ của pháp nhân hay cá nhân trong giao dịch đó. Trong đoạn băng ghi âm ghi cuộc nói chuyện giữa ông Thành và ông Sử ngày 8-8-2014 có đoạn ông Thành nói không có việc vay mượn giữa ông Thành và ông Sử. Ông Thành đã thừa nhận nội dung cuộc điện thoại này. Nguyên đơn không đưa ra được tài liệu, chứng cứ có căn cứ pháp lý để chứng minh cho quan hệ giao dịch vay mượn cho nên không có cơ sở để xác định Cty Thống Nhất vay tiền như trình bày.
Do lời trình bày của nguyên đơn không thống nhất nên HĐXX xem xét toàn diện các tài liệu chứng cứ khác. Cụ thể là 58 chứng từ “Giấy nộp tiền” mà nguyên đơn làm căn cứ khởi kiện thì cho thấy tên người nộp đều là Trần Hữu Thành nhưng phần ghi địa chỉ có khác nhau, không thống nhất, không rõ ràng, do đó không có cơ sở xác định địa chỉ của người nộp tiền thể hiện trong chứng từ nộp tiền tại ngân hàng là của ông Trần Hữu Thành có địa chỉ tại khu phố 1, P.1, TP Đông Hà. Bên cạnh đó, căn cứ kết luận giám định của Phòng Kỹ thuật hình sự CA tỉnh Quảng Trị về xem xét chữ viết, chữ ký trên 58 chứng từ “Giấy nộp tiền” liên 1 và liên 2 có sai sót nhiều nội dung và hình thức, ký đè, tẩy xóa, ký lại... Trong 46 chứng từ “Bảng kê giao nhận tiền mặt” mang tên người giao Trần Hữu Thành thì không có chứng từ nào có chữ ký của ông Trần Hữu Thành mà do nhiều cán bộ ngân hàng ký thay.
Không vay cũng phải trả lại?
Tòa sơ thẩm nhận định đối chiếu với quy định của pháp luật về chế độ chứng từ kế toán thì có cơ sở để khẳng định 58 chứng từ “Giấy nộp tiền” và 46 chứng từ “Bảng kê giao nhận tiền mặt” mà nguyên đơn làm căn cứ khởi kiện là những chứng từ không hợp pháp, không có giá trị chứng minh để xác định người nộp tiền. Cũng qua trình bày của những người làm chứng, HĐXX thấy không có căn cứ xác định ai là chủ sở hữu của số tiền đã nộp vào TK của Cty Thống Nhất trong các chứng từ trên. TAND TP Đông Hà tuyên án không chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn. Điều này đồng nghĩa bị đơn được hưởng số tiền gần 25 tỷ đồng trên.
Ngay sau kết quả xét xử này, nguyên đơn đã kháng cáo toàn bộ nội dung bản án lên TAND tỉnh Quảng Trị. Trong nội dung kháng cáo, nguyên đơn cũng cho rằng, phần ghi địa chỉ ông Trần Hữu Thành không rõ ràng, nhưng điều đó không quan trọng, bởi không có ai tranh chấp họ tên trên 58 giấy nộp tiền. Đặt trường hợp giả sử Cty Thống Nhất không vay mà cá nhân ông Sử vay bằng lời nói như TAND TP Đông Hà lập luận là không xác định được quyền và nghĩa vụ của pháp nhân đi nữa nhưng số tiền đã chuyển vào TK Cty thì phải xác định hợp đồng vô hiệu và giải quyết hậu quả của hợp đồng vô hiệu là Cty phải hoàn trả lại khoản tiền đã nhận... Đưa ra nhiều căn cứ, chứng cứ và lập luận, nguyên đơn cho rằng tòa sơ thẩm cho bị đơn hưởng số tiền mà bị đơn vay là hoàn toàn trái luật, đề nghị cấp phúc thẩm sửa toàn bộ bản án, chấp nhận yêu cầu khởi kiện.
Ngày 5-5, TAND tỉnh Quảng Trị đưa ra xét xử phúc thẩm vụ án dân sự này, nhưng phiên tòa phải hoãn vì một trong 2 luật sư đại diện theo ủy quyền của bị đơn vắng mặt. Chưa biết kết quả như thế nào, chúng tôi sẽ tiếp tục cung cấp đến bạn đọc diễn biến giải quyết vụ án kỳ lạ này.
Bảo Hà