Báo Công An Đà Nẵng

Tiễn biệt người thủ lĩnh binh vận Quảng Đà

Thứ năm, 23/10/2014 07:50

(Cadn.com.vn) - Ông Nguyễn Quang Thái-nguyên Trưởng Ban binh địch vận Quảng Đà đã trút hơi thở cuối cùng vào ngày 19-10 do tuổi cao sức yếu. Người thủ lĩnh binh vận đã ra đi, để lại nhiều tiếc thương cho người thân và đồng đội.

Với cánh nhà báo, ông như một pho tư liệu sống, một chứng nhân về một thời kỳ đấu tranh giải phóng ở vùng đất Quảng Nam-Đà Nẵng. Sinh ra ở làng Dương Sơn (nay thuộc xã Hòa Châu, H.Hòa Vang, Đà Nẵng), ông sớm tham gia cách mạng, năm 16 tuổi, đã đứng ra thành lập một tổ Việt Minh tại làng Dương Sơn, tổ chức rải truyền đơn, cắm cờ búa liềm, phụ trách đại đội thanh niên vũ trang khởi nghĩa tại địa phương. Có lần tôi hỏi "nhỏ tuổi sao liều thế?" -  ông cười: "Nhìn cảnh giặc ngoại xâm giày xéo quê hương, nên chuyện tôi tham gia cách mạng cứ diễn ra tự nhiên, như lẽ tất yếu phải thế. Cha tôi từng trực tiếp tham gia phong trào "Ái Hữu", phong trào bầu cử dân biểu Phan Thanh vào Viện Dân biểu Trung kỳ do Đảng lãnh đạo. Ông kết nghĩa anh em với các đồng chí đảng viên Đảng cộng sản Quảng Nam lúc bấy giờ như đồng chí Trần Tống ở Đại Lộc, Phan Diện ở Quế Sơn, Phạm Ký (tức Dục) kết nghĩa anh em cùng đồng chí Huỳnh Ngọc Huệ ở Đại Lộc...".

Ông Thái chụp ảnh cùng ông Lâm Quang Huyên - nguyên bí thư Huyện ủy Hòa Vang.

 Ông Thái rất ít kể về mình, nên những chiến công của ông cũng thầm lặng như chính cuộc đời ông. Từ năm 1960, ông được tổ chức phân công làm binh địch vận và sau này trở thành Trưởng Ban binh địch vận Quảng Đà. Tên tuổi ông gắn liền với nhiều câu chuyện địch vận có một không hai. Như vào tháng 12 -1968, khi biết tin địch đang có âm mưu mở một trận càn quy mô khắp Quảng Đà, từ vùng A-B Đại Lộc xuống Duy Xuyên, Điện Bàn, Hòa Vang, ông đã chủ động bố trí lực lượng để ngăn chặn từ đầu kế hoạch của chúng.

Biết được địch sẽ tổ chức cuộc họp lớn tại Trung đoàn 51 gồm sĩ quan và chỉ huy, ông chỉ đạo các cơ sở của ta trong lòng địch đánh mìn hẹn giờ ngay tại nơi diễn ra cuộc họp. Trận đánh xảy ra rất gọn, diệt 14 tên chỉ huy địch nhưng điều quan trọng là vẫn bảo tồn được bí mật cơ sở. Hay chuyện tổ chức binh biến ở Trung tâm huấn luyện Hòa Cầm. Cuối tháng 3-1975, khi các cánh quân ta dần khép vòng vây căn cứ Đà Nẵng, Nguyễn Văn Thiệu lo sợ lệnh cho Ngô Quang Trưởng tử thủ Đà Nẵng để chờ chi viện. Lúc đó Ngô Quang Trưởng có ý định huy động lực lượng với hơn 3.000 tân binh ở Trung tâm huấn luyện Hòa Cầm tham gia chiến đấu.

Biết được tin này, ông Thái xây dựng kế hoạch, chỉ đạo cơ sở của ta ở Trung tâm Huấn luyện Hòa Cầm nổ súng vào  ban chỉ huy, diệt bọn ác ôn ở đây để anh em binh sĩ nổi dậy. Đúng như kế hoạch, mờ sáng ngày 28-3-1975, cơ sở của ta ném lựu đạn nổ súng ngay trong lòng Trung tâm Huấn luyện Hòa Cầm tiêu diệt một tên trung tá, 4 trung úy và làm bị thương 10 sĩ quan khác rồi bắt loa kêu gọi anh em binh lính bỏ vũ khí.  Thế là tất cả tân binh như ong vỡ tổ, chạy về với gia đình. Trận binh vận đó đã góp phần là phá sản kế hoạch tử thủ Đà Nẵng của Ngô Quang Trưởng. Rồi trong ngày giải phòng, với bao bề bộn, ông đã vận động nhân dân Đà Nẵng, Điện Bàn, Hòa Vang, Đại Lộc mỗi ngày đóng góp 6.000 gói cơm cho binh lính ngụy đến trình diện...

Ông Thái (thứ hai từ trái sang) lúc ở chiến trường.

Còn rất nhiều câu chuyện đã tạo nên "thương hiệu" làm binh vận của ông Nguyễn Quang Thái. Và không phải ngẫu nhiên những kế hoạch của ông đều thành công, bởi lúc nào ông cũng luôn sâu sát cơ sở, đồng cam cộng khổ nên luôn được nhân dân, đồng đội tin tưởng. Đồng chí Hồ Nghinh từng nhận xét hóm hỉnh mà sâu sắc về ông: "Lão Thái là hay liều lắm, hắn nói là làm và làm được, mà dân họ tin tưởng Thái lắm!". Còn anh Nguyễn Văn Dũng (lính binh vận, em ruột Anh hùng Nguyễn Văn Trỗi) kể câu chuyện xúc động về người chỉ huy của mình: "Tôi nhớ vào ngày 18-3-1975, tôi cùng anh Thái, anh Mai Văn Trà và chị Nguyễn Thị Thường (chị ruột đồng chí Nguyễn Văn Chi-nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra T.Ư) đang trú trong hầm bí mật ở Điện Hòa để chuẩn bị vào giải phóng Đà Nẵng thì bị địch phát hiện bao vây. Lúc đó anh Thái lệnh phải quyết sống chết với địch chứ không để bị bắt, thế là tất cả xông ra khỏi miệng hầm để đánh. Anh Thái vừa đánh, vừa dìu chị Thường đang bị thương trốn thoát khỏi vòng vây địch, tôi cũng thoát được, riêng Trà hy sinh. Sau ngày đất nước thống nhất, ngành binh vận cũng giải tán, nhưng lúc nào anh Thái cũng trăn trở về đời sống của anh em binh vận. Nhiều người có hoàn cảnh khó khăn, anh đã đi quyên góp từ chiếc áo, bao gạo để giúp đỡ. Rồi anh lặn lội cùng anh em trong Ban liên lạc đi tìm hài cốt đồng đội hy sinh ở chiến trường xưa và lo hồ sơ thủ tục để những anh em có công được hưởng chế độ trợ cấp của Nhà nước. Trong chiến đấu hay trong cuộc sống, lúc nào anh Thái cũng hết lòng với anh em"...

Minh Hà