Báo Công An Đà Nẵng

Tiễn biệt ông, Fidel Castro!

Thứ hai, 28/11/2016 09:59

(Cadn.com.vn) - Từ mọi ngõ ngách trên khắp Cuba và khắp thế giới, người dân nói lời tiễn biệt một trong những nhà lãnh đạo vĩ đại nhất của thế kỷ XX, một chính khách quốc tế đã mãi mãi làm thay đổi lịch sử của các nước Mỹ Latinh và các dân tộc khác trên thế giới: đó là Lãnh tụ cách mạng Cuba Fidel Castro.

Quốc đảo Cuba xinh đẹp đang trong những ngày tang tóc và đau buồn khi vị Lãnh tụ cách mạng vĩ đại Fidel Castro đã mãi mãi ra đi ở tuổi 90.

Lãnh tụ Cách mạng Cuba Fidel Castro qua đời vào đêm 25-11 (giờ địa phương) ở tuổi 90.
Ảnh: Granma

9 ngày quốc tang

Cờ rủ treo trên các tòa nhà chính quyền sau khi chính phủ Cuba tuyên bố 9 ngày quốc tang để tưởng nhớ ông Fidel Castro. Và bắt đầu từ ngày 28-11, tất cả người dân có thể đến viếng vị lãnh tụ kính yêu của mình trước khi tro cốt thi hài ông được đưa đến an táng tại Santiago de Cuba, nơi ông bắt đầu sự nghiệp cách mạng của mình.

Tin Lãnh tụ Cách mạng Fidel Castro qua đời được truyền hình nhà nước Cuba đưa tin vào tối 25-11 (giờ Cuba). Reuters dẫn nguồn tin Truyền hình nhà nước Cuba cho biết, cựu Chủ tịch Fidel qua đời vào lúc 22 giờ 29 ngày 25-11 (10 giờ 29 ngày 26-11, giờ Việt Nam). Trong bài phát biểu trên truyền hình, Chủ tịch Cuba Raul Castro thông báo tin lãnh tụ Fidel đã qua đời. “Tổng Tư lệnh Cách mạng Cuba đã qua đời vào lúc 22 giờ 29 đêm nay (25-11)”, ông Raul Castro đau buồn thông báo. Theo Chủ tịch Raul, thi hài lãnh tụ Fidel được hỏa táng theo đúng ý nguyện của ông.

Trong ngày 27-11, không khí tang thương bao trùm khắp đất nước này. Người dân Cuba đã không ngủ. Họ đổ ra đường, òa khóc và tiếc thương một nhà lãnh tụ vĩ đại. Một nhóm sinh viên mang theo cờ tổ quốc, hình ảnh ông Fidel và giơ khẩu hiệu cách mạng khi xuất hiện trước một ngôi trường mà vị lãnh tụ này từng học vào những năm 1950. Họ rơi nước mắt, đau buồn bởi sự mất mát quá lớn này.

Người dân Cuba tập trung tại Đại học La Havana tưởng nhớ Lãnh tụ Fidel Castro.
Ảnh: Granma

Sống sót sau hơn 600 lần bị ám sát

Ông Fidel sinh ngày 13-8-1926 tại tỉnh Oriente cũ, nay là tỉnh Holguin ở miền đông Cuba.

Trước khi ngã bệnh và ra đi ở tuổi 90, ông Fidel từng 638 lần bị Cục tình báo Trung ương Mỹ (CIA) ám sát nhưng bất thành. Truyền thông Mỹ hiếm khi đề cập đến các vụ ám sát nhằm vào ông Fidel nhưng CIA thừa nhận cố gắng giết ông Fidel ngay từ trong những năm đầu tiên ông lên nắm quyền. Thậm chí trên thực tế Washington luôn xem ông Fidel là kẻ thù “cần ra tay” ngay cả trước khi quân cách mạng của ông lật đổ chế độ độc tài Batista vào ngày 1-1-1959.

Theo cựu Giám đốc Tình báo Cuba, Fabian Escalante, cơ quan này phá vỡ 638 âm mưu ám sát nhằm vào ông Fidel từ các đời Tổng thống Mỹ. Ông Escalante cũng từng gây chú ý khi nói về vấn đề này trong bộ phim tài liệu của Anh ra mắt năm 2006 có tựa đề “638 cách ám sát ông Fidel Castro”. Nội dụng bộ phim tài liệu này cho thấy, CIA dùng rất nhiều phương pháp ám sát kinh  hoàng nhằm vào nhà lãnh đạo của Cuba với tần suất dày đặc trong gần nửa thế kỷ qua như đặt chất nổ, tẩm độc xì gà, thức uống mà ông Fidel yêu thích...

Trong đó, Tổng thống Mỹ Eisenhower đã 38 lần nỗ lực ám sát ông Fidel trong khi Tổng thống Kennedy chỉ đạo 42 vụ. Dưới thời Tổng thống Johnson, ông Fidel 72 lần trở thành mục tiêu của các vụ tấn công của CIA và thời cựu Tổng thống Carter là 64 lần. Những đời tổng thống mới đây nhất như George H.W. Bush hay Bill Clinton, ông Fidel cũng không nằm ngoài mục tiêu tiêu diệt của CIA với lần lượt 16 vụ (thời ông Bush) và 21 vụ (thời ông Clinton). Tuy nhiên, nỗ lực ám sát ông Fidel mạnh mẽ nhất là vào 2 thời Tổng thống Nixon với 184 vụ và Reagan với 197 vụ.

Tuy nhiên, kết quả thì ai cũng đã rõ. CIA thảm bại.

Tương lai Cuba, nhìn từ Mỹ

Từ sự kiện Vịnh Con heo cho đến chuyến thăm lịch sử của Tổng thống Mỹ Barack Obama tại La Havana (Tổng thống Mỹ đầu tiên thăm Cuba kể từ năm 1928), tất cả cho thấy, mối quan hệ thù địch kéo dài giữa La Havana và Washington đã có những bước chuyển biến đáng kể.

Nhưng việc Tổng thống Obama sắp rời Nhà Trắng và lãnh tụ Fidel ra đi đã thổi bùng những lo lắng trong lòng người dân Cuba về khả năng Tổng thống đắc cử Donald Trump sẽ đóng sầm cánh cửa quan hệ thương mại và du lịch mới ra đời giữa hai người hàng xóm này. Trong suốt chiến dịch tranh cử, khi nói về vấn đề Cuba, ông Trump có những quan điểm hoàn toàn khác biệt với ông Obama, vị tổng thống mở rộng cánh cửa ngoại giao với Cuba và cùng với Chủ tịch Raul Castro giúp kết thúc hơn nửa thế kỷ thù địch giữa hai nước. Cuối chiến dịch tranh cử, ông Trump tuyên bố, nếu được bầu, ông sẽ đóng cửa đại sứ quán Mỹ mới mở cửa hoạt động trở lại tại thủ đô La Havana.

Tất nhiên, hiện rất khó đoán cách tiếp cận của ông Trump trong vấn đề Cuba bởi trên thực tế tổng thống đắc cử Mỹ cũng đã có những động thái trái ngược với cam kết khi tranh cử. Nhưng giới phân tích cho rằng, sau cái chết của ông Fidel - người mà Tổng thống Obama gọi là “một nhân vật đặc biệt” và dành nhiều thiện cảm trong khi ông Trump lại có cái nhìn ngược lại -  mối quan hệ vốn đang chịu nhiều tổn thương giữa Mỹ và Cuba khó có cơ hội tiếp tục đi trên con đường bằng phẳng đã được vạch ra.

Khả Anh

Dấu ấn cuộc đời Lãnh tụ Fidel Castro

1926: Sinh ra ở tỉnh Oriente của Cuba.

1953: Bị bỏ tù sau khi dẫn đầu cuộc nổi dậy chống chế độ độc tài Batista.

1955: Được tự do theo thỏa thuận ân xá.

1956: Cùng với Che Guevara, ông Fidel bắt đầu cuộc chiến tranh du kích chống chế độ độc tài.

1959: Đánh bại chế độ độc tài Batista và tuyên thệ nhậm chức Thủ tướng Cuba.

1961: Ông Fidel chống lại các phần tử Cuba lưu vong - được Cục Tình báo trung ương Mỹ (CIA) hỗ trợ - xâm nhập Vịnh Con heo.

1962: Bùng nổ cuộc khủng hoảng tên lửa, nguy cơ chiến tranh Nga -Mỹ.

1976: Ông Fidel được bầu làm Chủ tịch Quốc hội Cuba

1992: Đạt thỏa thuận về người tị nạn Cuba với Mỹ.

2008: Từ chức Chủ tịch Cuba vì lý do sức khỏe và chuyển giao quyền lực cho em trai Raul Castro.

T.V (Theo BBC)