Báo Công An Đà Nẵng

Tiền đề cho ngành ghép thận và tế bào gốc tại Đà Nẵng

Thứ sáu, 25/05/2018 10:30

Trước nhu cầu ghép tạng, tế bào gốc tại TP Đà Nẵng và các tỉnh lân cận ngày càng cao, BV Đà Nẵng đã có đề án nhằm đẩy mạnh chương trình ghép tạng và tế bào gốc. Đặc biệt mới đây, đề án thành lập Trung tâm ghép tạng và tế bào gốc của BV Đà Nẵng đã được thành phố thông qua. Đây là tiền đề cho sự phát triển ngành ghép thận, tế bào gốc trong tương lai gần và không xa hơn nữa là ghép gan, tim, giác mạc... cho người dân TP Đà Nẵng và các tỉnh trong khu vực. 

Y, bác sĩ BV Đà Nẵng đã tự chủ được hoàn toàn về kỹ thuật ghép thận.

Tự chủ hoàn toàn kỹ thuật ghép thận

Theo Bs Đặng Anh Đào - Trưởng khoa Nội thận tiết niệu - Nội tiết (BV Đà Nẵng), ghép thận được xem là phương pháp điều trị thay thế thận có hiệu quả cao hơn so với thận nhân tạo và thẩm phân phúc mạc. Nó đem lại cho bệnh nhân chất lượng cuộc sống tốt hơn cũng như các hiệu quả về mặt kinh tế xã hội. Tại BV Đà Nẵng, đề án ghép thận được thành lập từ năm 2000. Đến tháng 3-2006, dưới sự hỗ trợ của các chuyên gia trong và ngoài nước (BV Việt Đức, Học viện Quân y, BV Chợ Rẫy, BV T.Ư Huế, Vương quốc Bỉ…), BV Đà Nẵng đã tiến hành 2 ca ghép thận đầu tiên từ người cho sống. Do nhu cầu phát triển cho các lĩnh vực, chuyên khoa khác nên ghép thận có giai đoạn bị gián đoạn. Năm 2015, chương trình ghép thận tại BV Đà Nẵng được tái lập, đến nay đã thực hiện thêm 17 ca ghép thận từ người cho sống, dưới sự hỗ trợ ban đầu của BV T.Ư Huế và sau đó các chuyên gia của BV Chợ Rẫy.

Cách đây không lâu, chị P.T.N (54 tuổi, trú Quảng Nam) ra BV Đà Nẵng để thăm khám sức khỏe. Tại đây, các bác sĩ thông báo chị bị suy thận giai đoạn cuối.  Chị N. được người em trai tên P.V.T hiến thận. Sau khi hội chẩn và được sự hợp tác, phối hợp của BV Chợ Rẫy, Hội đồng ghép thận BV Đà Nẵng đã tiến hành triển khai phẫu thuật lấy và ghép thận cho cặp bệnh nhân. Cuộc phẫu thuật ghép thận đã diễn ra rất thuận lợi và thành công trong thời gian gần 2 giờ đồng hồ. Điều đặc biệt, quả thận được ghép đã hoạt động ngay trên bàn mổ.

Trước đó, chị T.T.A (1990, trú Đại Lộc, Quảng Nam) phát hiện bị bệnh suy thận giai đoạn cuối. Sau các khâu kiểm tra về tình trạng sức khỏe cũng như kiểm tra độ tương thích giữa thận của hai mẹ con, A. đã được mẹ ruột hiến quả thận bên trái để các bác sĩ tiến hành phẫu thuật, mổ ghép thành công. Đặc biệt, ngày 31-1-2018, ca ghép thận đầu tiên được tự chủ hoàn toàn bởi các ê-kíp của BV Đà Nẵng. Cụ thể, bệnh nhân N.T (1996) bị suy thận mạn giai đoạn cuối được ghép thận từ người cho là bác ruột N.V.Đ (1954). Sự kiện này mở ra một tiền đề và triển vọng mới cho ghép tạng tại TP Đà Nẵng.

 Các y, bác sĩ tiến hành cấy ghép tế bào gốc tự thân cho bệnh nhân.     

Cơ hội mới cho bệnh nhân bị chấn thương tủy sống

Cấy ghép tế bào gốc tự thân là phương pháp mới, hướng đi mới, được đánh giá hiệu quả trong điều trị chấn thương tủy sống ở Việt Nam và trên thế giới. BV Đà Nẵng hiện là đơn vị thứ hai trên cả nước, sau BV Việt Đức (Hà Nội), thực hiện cấy ghép tế bào gốc trong điều trị chấn thương tủy sống… Ts.Bs Lê Đức Nhân - Giám đốc BV Đà Nẵng cho biết: Cấy ghép tế bào gốc điều trị chấn thương tủy sống là một trong những bước tiến đáng kể, áp dụng y tế kỹ thuật cao ở một cơ sở y tế công lập. Thành công này cũng tạo tiền đề về cơ sở và nhân lực chất lượng cao để hình thành trung tâm ghép tạng và cấy ghép tế bào gốc đầu tiên ở khu vực miền Trung ngay tại BV Đà Nẵng.

 Theo các bác sĩ Khoa Ngoại Thần kinh - BV Đà Nẵng, nghiên cứu áp dụng tế bào gốc tự thân tách từ tủy xương là một trong những phương pháp mới hứa hẹn mở ra hướng đi mới trong ngành điều trị chấn thương tủy sống. Nhiều nghiên cứu trên thế giới đã khẳng định rằng liệu pháp tế bào này hoàn toàn không gây phản ứng đào thải, gây ra ít phản ứng phụ và có hiệu quả trong việc cải thiện chức năng vận động và cảm giác, cũng như chất lượng cuộc sống của bệnh nhân. Ở lĩnh vực điều trị chấn thương tủy sống, BV Việt Đức hiện đã và đang triển khai liệu pháp tế bào gốc để chữa trị chấn thương tủy sống và kết quả thu được là rất khả quan. Vì vậy, BV Đà Nẵng đã mạnh dạn hợp tác với đối tác Nhật Bản để áp dụng phương pháp chữa trị đầy hứa hẹn này trong việc điều trị chấn thương tủy sống.

Ts.Bs Lê Đức Nhân cho biết, ghép tế bào gốc trong điều trị chấn thương cột sống đã được đơn vị thực hiện từ năm 2016. Sau gần 2 năm thực hiện nghiên cứu, Khoa Ngoại thần kinh - BV Đà Nẵng đã thực hiện ghép cho 10 bệnh nhân bị chấn thương tủy cổ và ngực có biến chứng liệt tủy hoàn toàn 2 chân.

 Theo dõi những ca thực hiện cấy ghép trước đó, các bác sĩ nhận thấy mức độ phục hồi khác nhau theo tỷ lệ từ thấp đến cao (10-50%), tùy thuộc vào thời gian chấn thương tủy sống và khả năng tái tạo của tế bào của mỗi người bệnh. Ở mức độ thấp, bệnh nhân có thể cải thiện đường tiểu, xúc giác; mức độ cao hơn là vận động nhẹ, cử động nâng chân tay, vận động có sự trợ giúp và tiến đến tập phục hồi chức năng…

Hiện nay, với trình độ chuyên môn của các bác sĩ cùng với sự phối hợp của các chuyên gia Nhật Bản, BV Đà Nẵng có thể thực hiện cấy ghép tế bào gốc tự thân tách từ tủy xương cho các bệnh nhân từ 20 tới 60 tuổi, bệnh nhân chấn thương tủy sống có biến chứng liệt hoàn toàn, bệnh nhân bị chấn thương tủy sống từ 3 tuần tới 1 năm trước thời điểm cấy ghép, bệnh nhân bị chấn thương tủy sống 1 phần đã được khẳng định bằng chụp MRI… Ts.Bs Lê Đức Nhân khẳng định: Cấy ghép tế bào gốc điều trị chấn thương tủy sống không còn là nghiên cứu lâm sàng, nó đã là thành tựu nổi bật mà y, bác sĩ BV Đà Nẵng đạt được trong nỗ lực cải thiện chức năng vận động cho bệnh nhân.

Cũng theo Ts.Bs Lê Đức Nhân, hằng năm, BV Đà Nẵng tiếp nhận từ 400-500 ca chấn thương tủy sống nhưng chỉ khoảng 100 trường hợp được mổ. Đối với những trường hợp như trên, theo các bác sĩ, lâu nay, các BV tại Việt Nam chỉ điều trị nội khoa, cố định xương… Trước đây, những trường hợp chấn thương cột sống cổ nặng sẽ liệt hoàn toàn, nhưng nay đã có một cơ hội mở cho bệnh nhân.

LÊ HÙNG