Tiên học lễ - Chuyện không phải của ngày hôm qua
Để đất nước có những thế hệ rường cột “vừa hồng - vừa chuyên” ở mỗi giai đoạn lịch sử của dân tộc, “Tiên học lễ - Hậu học văn” không phải là câu khẩu hiệu suông mà luôn là mục tiêu để ngành giáo dục nước nhà hướng tới.
Trong thời kỳ của hội nhập và mở cửa, cùng với tác động của cơ chế thị trường, đã thúc đẩy sự phát triển trên nhiều lĩnh vực của nước ta. Đồng thời cũng xuất hiện những mặt trái, có ảnh hưởng tiêu cực đến nhiều mặt của đời sống xã hội, trong đó có vấn đề đạo đức lối sống của đối tượng thanh thiếu niên, học sinh (HS) còn ngồi trên ghế nhà trường. Dùng từ “đáng báo động” đối với tình trạng xuống cấp về đạo đức của một bộ phận HS (không còn là số ít- P.V) có thể sẽ có người chưa hoàn toàn đồng tình, nhưng nghiêm túc nhìn nhận, mổ xẻ thì không thể bàng quan, nhất là đối với những ai quan tâm đến thế hệ tương lai của đất nước.
Không ít người cho rằng, một số học trò bây giờ có thể “sợ” thầy cô, nhưng để gọi là thực sự kính trọng thì lại là chuyện khác. Không như những năm 80 của thế kỷ trước trở về trước, “thầy ra thầy, trò ra trò”. Dù rằng, thời kỳ đó đất nước còn muôn vàn khó khăn thiếu thốn, nhưng rất hiếm có chuyện trò vô lễ, thậm chí đánh lại thầy như những năm gần đây. Thái độ kính trọng lễ phép đối với các bậc cha chú, anh chị cũng có phần bị xem nhẹ, ít được uốn nắn, kiểm điểm kịp thời. Thấy người lớn không chào hỏi, ra đường lỡ có đụng xe, va quẹt với người lớn là sẵn sàng vặc lại hoặc nhìn với ánh mắt thiếu tôn trọng. Chuyện HS văng tục, chửi thề hay dùng những từ lóng, tiếng lóng nghe rất khó chịu trong sinh hoạt, giao tiếp diễn ra khá phổ biến. HS mới học lớp 6 lớp 7 đã hút thuốc, đã bồ bịch trai gái, lớp 8-9 đã la cà quán xá… cũng không còn là chuyện hiếm.
Đời sống vật chất và tinh thần được nâng cao cộng với việc các em dễ dàng tiếp cận với những tiến bộ về công nghệ thông tin, các luồng văn hóa tốt có, xấu có của thời mở cửa v.v… dẫn đến chuyện các em dậy thì sớm, yêu đương sớm, và cả quan hệ tình dục sớm là điều khó tránh khỏi. Nhưng nếu với cái cách suy nghĩ của một số người, đại loại như, cứ để cho các em thoải mái tiếp cận với “thế giới văn minh”, để rồi bất chấp cả thuần phong mỹ tục, truyền thống tốt đẹp vốn có của dân tộc là điều đáng quan ngại và khó có thể chấp nhận.
Điểm qua những chương trình mang tính giáo dục, chương trình dành cho lứa tuổi thiếu nhi trên các đài truyền hình từ trung ương đến địa phương giờ đây dường như đã để cho các chương trình mang tính giải trí, tính thương mại lấn sân; các em bị người lớn tạo điều kiện để “lão hóa” sớm, người lớn hướng dẫn, khuyến khích các em hát những bài hát, vở diễn của người lớn. Những bộ phim truyền hình nói về lứa tuổi thanh thiếu niên tính giáo dục cũng không thuyết phục cho lắm… Nhớ lại những năm thời bao cấp, chương trình “Những bông hoa nhỏ” của Đài truyền hình Việt Nam tuy không “hoành tráng” như các chương trình bây giờ, nhưng lại thu hút được sự quan tâm, chú ý của đông đảo khán giả trẻ, sự yên tâm của phụ huynh về tính giáo dục của nó.
Trong các quầy sách, truyện tranh rất phong phú nhưng tính giáo dục, định hướng cho thanh thiếu niên không cao. Cảnh đánh đấm, đâm chém, và cả cảnh yêu đương nhảm nhí thì nhan nhản… Có cảm tưởng như, học trò bây giờ “học lễ” thì ít, “học văn” (kiến thức) thì quá nhiều, nhiều đến nỗi giải trí cũng ít. Lúc nào cũng thấy học, hết học chính khóa lại học thêm học kèm, có thời gian giải trí lại sa vào trò chơi điện tử “chát-chít” dẫn đến… quên cả học. Không hiếm chuyện HS thản nhiên vượt đèn đỏ, đi vào đường ngược chiều chẳng có chút e dè, xấu hổ, lòng tự trọng bị mai một…
Người viết không có ý định vẽ lên “bức tranh màu xám” về những thói xấu của một bộ phận lớp trẻ của đất nước hiện nay. Tuy nhiên, nếu xâu chuỗi lại các hiện tượng, sự việc đã nêu trên thì thiết nghĩ, không ai có thể bàng quan về tương lai sau này của đất nước. Muốn giảm thiểu cái “xấu xí” hữu hình và vô hình của người Việt chúng ta từ thế hệ mầm non, thì việc giáo dục kết hợp giữa xã hội, nhà trường và gia đình luôn luôn phải được thể hiện bằng những hành động cụ thể, thiết thực hơn nữa. Bên cạnh đó, không nên xem nhẹ vai trò tích cực vốn có của Đội Thiếu niên tiền phong, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh. Cần lên án quan niệm “Những chiếc khăn quàng đỏ, hay chiếc huy hiệu đoàn là “những vật trang điểm” không hơn không kém cho thanh thiếu niên”!? Ngược lại, nó phải có ý nghĩa quan trọng trong việc gắn trách nhiệm và danh dự của người đoàn viên, đội viên và cao hơn là lý tưởng, mục tiêu phấn đấu cho tổ quốc của các em.
Vì tương lai của một nước Việt Nam vững mạnh và hùng cường, cần ngẫm nghĩ kỹ về câu nói của cha ông “Tiên học lễ - hậu học văn”. Bởi, dù xã hội có văn minh đến đâu đi nữa thì điều đó cũng không bao giờ là lỗi thời, lạc hậu cả!
Dân Hùng