Báo Công An Đà Nẵng

Tiền hưu dành dụm làm cầu cho dân

Thứ bảy, 20/01/2024 23:20
Chính quyền xã Tam Phú và Thành Đoàn TP Tam Kỳ tặng hoa tri ân ông Phùng tại lễ bàn giao cây cầu tạm cho dân tại thôn Ngọc Mỹ (xã Tam Phú).

Ông Phùng sinh ra trong gia đình giàu truyền thống cách mạng ở xã Tam Dân (H.Phú Ninh, Quảng Nam). Năm 19 tuổi, ông tham gia cách mạng và gia nhập lực lượng đặc công, tham gia đánh thắng nhiều trận. Trong một trận đánh, ông Phùng bị thương ở tay và được ra miền Bắc điều trị. Năm 1977, sau khi xuất ngũ, ông về công tác tại Tòa án nhân dân thị xã Tam Kỳ (nay là TP Tam Kỳ), giữ các chức vụ: Thư ký, Thẩm phán, Chánh án. Năm 1993, ông về hưu và được tín nhiệm bầu làm Bí thư Chi bộ khối phố 2 (phường An Xuân, TP Tam Kỳ), tiếp tục đóng góp sức mình xây dựng quê hương.

Sau nhiều lần liên hệ, chúng tôi có dịp theo ông Phùng đến bàn giao cây cầu dân sinh mang tên “Phùng Hiệp” 28 cho bà con xóm Núi (thôn Ngọc Tú, xã Tam Dân, H.Phú Ninh). Thấy ông Phùng đến, bà con vui mừng bắt tay, trao cái ôm thân thương bày tỏ lòng biết ơn những tình cảm ông dành cho họ. Ông Phùng chia sẻ, có lần đến xóm Núi, ông thấy cầu dân sinh bắc qua con mương đã xuống cấp đi lại nguy hiểm, mùa mưa bị ngập nên quyết định lấy tiền hưu tích góp và vận động thêm kinh phí từ các con để xây mới cây cầu kiên cố này hơn 60 triệu đồng.

Nói về cơ duyên làm cầu tạm cho dân, ông Phùng tâm sự: “Năm 2016, tôi về quê hương ở phường Trường Xuân (TP Tam Kỳ) thấy nhiều cây cầu bắc qua mương nước đang bị xuống cấp. Trời mưa, nước ngập qua cầu người dân không có lối đi, học sinh phải nghỉ học vì không dám băng qua dòng nước lũ. Nhiều cây cầu nhỏ hẹp, có nhiều người rơi xuống cầu tử vong, bị thương. Lúc đó, tôi nói ra mong muốn làm cầu tạm cho dân thì được gia đình đồng thuận. Tôi liên hệ đơn vị làm cầu khảo sát, tính toán kinh phí gần 50 triệu đồng. Tôi được người con trai đang làm việc tại TPHCM góp thêm kinh phí để đủ xây cầu. Cầu làm xong, bà con nơi đây rất mừng, gửi lời cảm ơn thân thương khiến tôi rất xúc động. Thấy bà con đi qua cầu an toàn do chính tôi làm, tôi rất hạnh phúc, tự hứa với lòng sẽ làm nhiều cây cầu để giúp đỡ bà con trên địa bàn”.

Những cây cầu dân sinh do ông Phùng tự nguyện bỏ tiền ra làm đã giúp người dân đi lại thuận tiện hơn.

Là thương binh 2/4, cánh tay phải không được linh hoạt, nhưng ông Phùng thường xuyên điều khiển xe máy đi đến nhiều nơi khảo sát làm cầu cho dân. Danh tiếng ông Phùng “làm cầu cho dân” được lan rộng, nhiều bà con cùng cảnh ngộ liên hệ nhờ ông hỗ trợ làm cầu để đi lại thuận lợi hơn. Được dân nhờ cậy, ông cùng đội thợ đến khảo sát, dự toán kinh phí rồi vận động gia đình đóng góp thêm. Trong 8 năm qua, ông Phùng đã xây được 30 cây cầu, tất cả đều được đặt tên là “Phùng Hiệp” và được đánh số thứ tự từ 1 đến 30. Bình quân mỗi cây cầu xây từ 50 đến 90 triệu đồng, tổng 30 cây cầu hơn 2 tỷ đồng. 30 cây cầu của ông làm tại TP Tam Kỳ, các huyện Núi Thành, Phú Ninh và Thăng Bình.

Lý giải đặt tên cầu “Phùng Hiệp”, ông Phùng tâm sự: “Phùng là tên tôi, Hiệp là tên người bạn thân trong lúc tham gia chiến tranh. Bạn Hiệp có mong ước giúp dân làm cầu và tôi đã hứa với người bạn ấy nếu còn sống sẽ giúp bạn thực hiện ước muốn đó. Mỗi cây cầu hoàn thành, không chỉ là niềm vui của người dân, mà còn là hạnh phúc của tôi vì đã giữ được lời hứa. Nhiều người dân, bạn bè bảo tôi dại, “khùng” khi tuổi già không lo an thân, nghỉ dưỡng, suốt ngày lấy tiền làm “chuyện bao đồng”, việc xây cầu đã có Nhà nước lo. Nhưng tôi chỉ cười trả lời: “Già rồi ăn không bao nhiêu nên tôi muốn dành số tiền hưu làm cầu giúp bà con đi lại thuận lợi, chia sẻ một phần khó khăn với Nhà nước”.

“Tôi rất hạnh phúc vì mong ước của mình được gia đình ủng hộ. Lúc làm cầu thiếu tiền, vợ tôi sẵn sàng đưa tiền hưu của mình, các con cũng đóng góp thêm để đủ xây cầu. Tôi cũng có đội thợ riêng làm việc rất có tâm, xây cầu rất chắc chắn, đảm bảo an toàn cho người dân đi lại. Tôi sẽ tiếp tục xây cầu, mang niềm hạnh phúc đến cho bà con đến hơi thở cuối cùng. Hiện tôi đã khảo sát được 4 nơi xây cầu dân sinh, dự kiến trong năm 2024 sẽ thi công hoàn thiện”- ông Phùng chia sẻ.

Nhắc đến ông Nguyễn Đình Phùng, ông Đỗ Văn Thương - Chủ tịch Hội Cựu chiến binh phường An Xuân hết lời ngợi khen: “Cựu chiến binh Phùng đã cống hiến cả tuổi thanh xuân cho cách mạng, cho đất nước, nhưng khi về hưu vẫn muốn góp sức mình xây dựng quê hương. Không chỉ tự bỏ tiền túi xây cầu dân sinh cho dân, ông Phùng còn tham gia nhiều hoạt động thiện nguyện, tặng quà cho bà con có hoàn cảnh khó khăn. Những việc ông Phùng làm đều xuất phát từ tấm lòng của mình, làm trong lặng lẽ, không phô trương, tấm lòng của ông thật đáng trân quý”.

Thành Nhân