Tiền lì xì của trẻ dùng thế nào hợp lý?
(Cadn.com.vn) - Sau Tết hầu như đứa trẻ nào cũng có tiền lì xì. Đứa ít thì vài trăm ngàn, đứa nhiều thì tiền triệu, thậm chí có trẻ tiền lì xì lên đến nhiều triệu đồng. Các ông bố bà mẹ và trẻ tiêu tiền lì xì như thế nào? Người viết đã làm cuộc khảo sát nhanh với 10 bố mẹ trong danh sách bạn bè trên Facebook và 20 trẻ trong lớp học của con ở trường.
Câu hỏi tiền lì xì của con ba mẹ sử dụng như thế nào, có 4 người trả lời trẻ nhỏ chưa biết xài tiền nên ba mẹ lấy xài luôn, 4 người cho biết cho con toàn quyền sử dụng, và 2 người nói để trẻ sử dụng nhưng phải được ba mẹ “thông qua” về mục đích. Trong khi đó, với câu hỏi tiền lì xì xài như thế nào, hầu hết trẻ đều cho biết là mua đồ chơi, ăn uống thỏa thích; chỉ số ít sử dụng đóng học phí và gửi cho ba mẹ.
Kết quả khảo sát cho thấy phần lớn ba mẹ và trẻ đều xài tiền lì xì chưa hợp lý. Theo một chuyên gia tâm lý thì vấn đề xài tiền lì xì cần được sử dụng đúng cách và mang tính giáo dục. Đối với trẻ nhỏ chưa ý thức được thì ba mẹ giữ dùm và dùng tiền đó mua sữa, đóng học phí cho con. Đối với trẻ tiểu học và trung học nên để cho trẻ “sở hữu” tiền lì xì nhưng ba mẹ cần có sự định hướng giúp trẻ xài tiền hợp lý. Ba mẹ không nên dùng quyền của mình để “tịch thu” tiền lì xì của trẻ. Đừng tưởng các bé độ tuổi tiểu học thì không bàn luận, suy diễn về tiền lì xì. Một đứa trẻ học lớp 1 đã biết lý luận: “Mọi người lì xì cho con tức là tiền của con. Thế thì con phải giữ chứ sao lại phải đưa cho ba mẹ?”. Rõ ràng, trẻ tiểu học và trung học đã có ý thức và có những nhu cầu riêng mà ba mẹ cần tôn trọng. Tuy nhiên, ở tuổi này trẻ chưa đủ sự khôn ngoan, bản lĩnh để xài tiền đúng cách. Do đó, ba mẹ cần có sự định hướng, giúp con xài tiền lì xì hợp lý, qua đó giáo dục trẻ về giá trị đồng tiền. Dưới đây là một số cách theo lời khuyên của một chuyên gia về lĩnh vực tâm lý giáo dục:
1. Mua đồ chơi: Rất nhiều trẻ ấp ủ ước mơ mua những món đồ chơi yêu thích khi nhận tiền mừng tuổi. Vui chơi là mơ ước chính đáng của con trẻ. Ba mẹ đừng gạt ngang hay quay sang nạt nộ, dập tắt niềm vui thích của con.
Hãy chỉ cho trẻ thấy cần mua món đồ chơi hữu dụng nào. Tuyệt đối tránh tình trạng mua tràn lan, không định hướng về chất đống làm cảnh. Đồ chơi cũng thay đổi theo sự phát triển ngày càng đi lên của xã hội. Không đơn thuần là những món đồ chơi đơn giản, ít tiền trước đây mà bây giờ con trẻ hướng đến những chiếc ô-tô, máy bay, tàu thủy điều khiển từ xa đắt tiền hay những chiếc điện thoại thông minh, máy tính bảng đa năng... Trẻ có thể tiêu tốn gần hết khoản tiền chúng có được.
Hãy phân tích cho con trẻ thấy cái được, cái mất khi chi một khoản lớn cho những món đồ chơi chưa phù hợp với lứa tuổi hay có thể làm xao nhãng việc học tập của các con. Cùng con thảo luận, đặt ra mục tiêu rõ ràng: Nên mua hay không? Mua và sử dụng vào thời gian nào là hợp lý?...
2. Nuôi heo đất tiết kiệm: Đây là cách rất nhiều trẻ hiền ngoan sử dụng. Có những trẻ nuôi heo từ nhỏ, cho heo “ăn” đến mập ú mà vẫn chưa có ý định đập ống heo. Việc ăn uống, học tập, sinh hoạt đã có ba mẹ lo tất cả nên các con chẳng bận tâm gì về tiền bạc. Vấn đề là ba mẹ cần giải thích cho trẻ hiểu những khoản tiết kiệm đó sẽ hữu ích khi nào, chẳng hạn làm chi phí học đại học hay mua máy tính, xe máy khi con vào đời... Bằng cách này, bạn đang hướng trẻ vào bài học về sự tiết kiệm và tích lũy cho tương lai!
3. Sẻ chia trách nhiệm: Gia đình là tổ ấm và tổ ấm đó rất cần sự chung tay của tất cả mọi người. Dạy trẻ biết quan tâm đến cha mẹ, ông bà, anh chị em bằng chính cách dùng khoản tiền trẻ có. Ngày sinh nhật cùng góp tiền tặng một món quà ý nghĩa cho ai đó. Khi người thân bị bệnh, góp ít tiền thăm viếng. Nếu có ý tưởng sắm một vật dụng đắt tiền cần thiết cho cả gia đình hoặc sửa sang lại mái nhà, căn bếp, cái sân..., hãy bàn luận với trẻ và “kêu gọi” trẻ đóng góp.
Hãy để con trẻ thấy vai trò xây dựng tổ ấm gia đình của mình và bắt đầu hiểu thế nào là trách nhiệm.
Thu Thủy