Báo Công An Đà Nẵng

Tiến thoái lưỡng nan

Thứ ba, 17/06/2014 11:54

(Cadn.com.vn) - Người ta vẫn đang chờ đợi một quyết định dứt khoát của Tổng thống Mỹ: tham chiến tại Iraq hay phớt lờ.

Các chiến binh Tổ chức Hồi giáo Iraq và Syria (ISIS) ngày 16-6 tiếp tục tấn công khốc liệt và chớp nhoáng nhằm giành quyền kiểm soát nhiều khu vực trên đường tiến quân đến thủ đô Baghdad của Iraq.

Rõ ràng, những gì đang xảy ra tại quốc gia Vùng Vịnh hiện nay có tất cả các yếu tố tạo nên cuộc chiến tranh dân sự và khủng hoảng chính sách đối ngoại toàn diện. Nhà Trắng đang cân nhắc các cuộc đàm phán trực tiếp với Iran trong khi tăng cường an ninh tại Đại sứ quán Mỹ tại Baghdad. Tuy nhiên, xem ra chính quyền Tổng thống Obama vẫn nhùng nhằng trong quyết định có tham chiến ở Iraq hay không.

Mỹ cần có quyết định dứt khoát để tránh cho Iraq cuộc nội chiến đẫm máu,
gây thiệt hại lớn cho dân thường.  Ảnh: AP

ÔNG OBAMA CÓ “HÁ MIỆNG MẮC QUAI”?

Khi tình hình ở Iraq đang ngày càng xấu đi, Tổng thống Obama có lẽ sẽ buộc phải xem xét nối lại hoạt động quân sự tại quốc gia chìm trong xung đột giáo phái nhiều năm qua. Nhưng cái khó là, ông Obama - người có công rút quân khỏi Iraq - không thể nghĩ rằng, mình đang đứng trước thế “tiến thoái lưỡng nan” như  thế này.

Năm 2002, khi còn là thượng nghị sĩ bang Illinois, ông Barack Obama chỉ trích gay gắt “những gì giống như cuộc xâm lược do Mỹ dẫn đầu sắp xảy ra tại Iraq”. Phát biểu trước đám đông biểu tình chống chiến tranh vào ngày Quốc hội cho phép xâm lược Iraq, ông Obama gọi đây là hành động “điên rồ” và “hấp tấp”. Thật nghịch lý, đúng 12 năm sau, vào năm thứ 6 của nhiệm kỳ tổng thống lần 2, ông Obama đang phải đối mặt với khả năng Mỹ buộc phải đem quân đến Iraq.

Ông chủ Nhà Trắng có động thái dạo đầu khi điều tàu sân bay và hai tàu chiến khác để tuần tra vùng biển ngoài khơi Iraq. Mục tiêu, có thể sẽ là chuẩn bị sẵn sàng để thực hiện các cuộc không kích nhằm vào ISIS và giúp đỡ người tị nạn. Tuy nhiên, tất cả cũng chỉ mới là dự đoán. Washington vẫn chưa tuyên bố rõ ràng có hành động quân sự giúp Baghdad hay không.

Mỹ chỉ tuyên bố tăng cường an ninh tại đại sứ quán tại Baghdad và khuyến cáo công dân thận trọng và hạn chế đi lại tại 5 tỉnh, trong đó có tỉnh Anbar bất ổn ở miền Tây và Kirkuk ở miền Bắc. Sau Mỹ, Australia cũng rút bớt nhân viên sứ quán tại Iraq do quốc gia Trung Đông này chìm trong bạo lực. Canberra cũng khuyến cáo các công dân tại Iraq cần rời khỏi đây ngay lập tức khi các chuyến bay thương mại còn hoạt động.

ISIS THẢM SÁT TÀN BẠO BINH SĨ IRAQ

Dư luận ngày 16-6 dấy lên phẫn nộ khi hình ảnh “kinh hoàng” về việc các chiến binh ISIS tàn sát hàng loạt binh sĩ Iraq được tiết lộ trên mạng.

Trong nhiều hình ảnh, các binh sĩ Iraq bị dẫn đi, buộc nằm xuống chiến hào trước khi bị bắn chết. Những hình ảnh thảm sát, rõ ràng do ISIS đăng tải, cho thấy những gì xảy ra với những người lính Iraq sau khi nhóm khủng bố này chiếm một căn cứ quân sự tại thành phố Tikrit. BBC dẫn nguồn từ các thành viên phong trào nổi dậy khác cho biết, có đến 1.000 binh sĩ bị bắn chết. Quân đội Iraq khẳng định, những hình ảnh này là sự thực, nhưng tính xác thực vẫn chưa được xác nhận độc lập. Theo giới phân tích, nếu những bức ảnh là thật, nó sẽ là minh chứng rõ ràng về sự tàn bạo man rợ nhất kể từ thời điểm cuộc xâm lược do Mỹ dẫn đầu ở Iraq năm 2003. Và trước mức độ tàn bạo này, Lầu Năm Góc có lẽ sẽ không thể ngồi yên được nữa.

Khả Anh

Với những bước tiến như vũ bão ở cả Syria và Iraq, nhóm Tổ chức Hồi giáo Iraq và Syria (ISIS) được đánh giá là sắp vượt mặt “đàn anh” Al-Qaeda để chiếm vị trí nhóm khủng bố tàn bạo và giàu có nhất thế giới.

ISIS là ai: Theo ABC, ISIS do nhóm giáo sĩ Iraq tên Abu Bakr Al-Baghdadi lãnh đạo với mục đích thành lập nhà nước độc lập bao gồm lãnh thổ ở Iraq, Syria, và nhiều khu vực ở Lebanon. ISIS có 3.000-5.000 quân hoạt động tại Iraq, trong đó có nhiều sĩ quan quân đội bị thất sủng dưới thời Thủ tướng Malaki.

ISIS làm gì: ISIS chiến đấu chống Tổng thống Assad cũng như các nhóm chiến binh Hồi giáo khác ở Syria để kiểm soát nhiều khu vực ở nước này. Nhóm cũng chiến đấu với chính phủ Iraq với tham vọng hình thành nhà nước thống nhất ISIS. Chiến thuật ISIS tàn bạo đến nỗi khiến thủ lĩnh Al-Qaeda Ayman al-Zawahiri bác bỏ nhóm này.

ISIS mạnh như thế nào: Tuần này, các lực lượng ISIS chiếm được  Mosul, một trong những thành phố lớn nhất dọc theo biên giới Iraq-Syria. ISIS tịch thu hơn 400 triệu USD từ các ngân hàng thành phố, khiến tổ chức này trở nên giàu có hơn hẳn nhiều quốc gia nhỏ bé có chủ quyền khác. Theo AP, ISIS cũng đã kiểm soát hiệu quả thành phố dầu mỏ Tikrit, nơi hái ra tiền cho Iraq.

Hình ảnh cho thấy các chiến binh ISIS chuẩn bị bắn chết các binh sĩ Iraq
sau khi chiếm một căn cứ quân sự ở thành phố Tikrit. Ảnh: CNN

K.A