Báo Công An Đà Nẵng

Tiến thoái lưỡng nan

Thứ hai, 25/07/2016 08:49

(Cadn.com.vn) - Đức nổi tiếng với khả năng thu thập tình báo tốt nhất Châu Âu cùng với những biện pháp an ninh nghiêm ngặt nhất lục địa này. Đó là lý do vì sao khi phải chứng kiến các cuộc tấn công đẫm máu gần đây, trong đó mới nhất là vụ nổ súng điên cuồng vào tối 22-7 ở Munich khiến ít nhất 10 người thiệt mạng, không chỉ người Đức mà cả người dân khắp Châu Âu thật sự bàng hoàng.

Vụ việc này đặt ra câu hỏi nghiêm túc về khả năng bảo đảm an ninh cho người dân của chính phủ Thủ tướng Angela Merkel. Bà Merkel hôm 23-7 đã ra tuyên bố lên án vụ xả súng man rợ này đồng thời cam kết sẽ tìm ra nguyên nhân dẫn tới vụ việc đáng tiếc ở Munich cũng như hành động “cấp tiến hóa” liên quan đến hung thủ tiến hành vụ tấn công bằng rìu trên tàu hỏa xảy ra trước đó vài ngày ở Wurzburg. 

Trong khi đó, những thông tin mới liên quan tới vụ xả súng ở Munich cho thấy vụ việc không liên quan đến nhóm khủng bố IS. Theo đó, David S. - hung thủ 18 tuổi mang quốc tịch Đức và Iran là người sinh ra và lớn lên ở Munich, hiện vẫn chỉ là một học sinh ở thành phố này. Tên này rõ ràng có vấn đề về tâm lý, bị trầm cảm và luôn tìm hiểu các thông tin về những hành động cuồng sát. Dù chưa rõ động cơ của tên này nhưng vụ việc cũng gióng lên hồi chuông cảnh báo khắp Châu Âu.

Giống như Đức, chính phủ các nước phương Tây khác đối mặt với một số tình huống khó xử cơ bản trong cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố và các hành vi phạm tội khác. Thứ nhất là do các nền dân chủ hiến pháp không có quyền đầy đủ để đối phó với những rủi ro do vấn đề di cư hàng loạt trên toàn thế giới. Tất nhiên, quyết định của Berlin trong việc cho phép những người tị nạn đến Đức là đáng ngưỡng mộ, nhưng cường quốc số 1 Châu Âu này cũng như các nước khác trong châu lục không có khả năng “lọc” dòng chảy di dời quy mô lớn này.

Thứ hai, thế giới phương Tây không quản lý hiệu quả mạng internet, để các phần tử cực đoan dễ dàng giao tiếp và kêu gọi các cuộc tấn công khủng bố trực tuyến, đặc biệt là từ những “con sói đơn độc”. Do đó, thiết nghĩ người dân ở phương Tây có thể phải hy sinh một chút tự do để đổi lấy hệ thống bảo vệ tốt hơn.

Đức lâu nay vẫn tự hào có cơ quan tình báo nhanh nhạy và lực lượng cảnh sát tinh nhuệ, nhờ đó, không có cuộc tấn công khủng bố lớn nào xảy ra trên đất Đức cho đến gần đây. Tuy nhiên, cộng đồng tình báo Đức thường bị rơi vào tình huống khó xử khi phải hứng chỉ trích vì phạm sai lầm. Chỉ có hai cách tiếp cận để giải quyết vấn đề này. Đầu tiên là trao quyền hơn nữa cơ quan an ninh của đất nước và làm tăng đáng kể nguồn lực thực thi pháp luật, song lo ngại đặt ra là sẽ hình thành “một nhà nước cảnh sát”. Thứ hai là thông qua cái gọi là “mô hình phổ quát”, khuyến khích người dân tham gia vào cuộc chiến chống khủng bố. Nhưng chiến lược này cũng khó có thể thực hiện ở Đức.

Châu Âu có lẽ đã quá lỏng lẻo trong khả năng tự vệ, một phần là do có sự bảo vệ kéo dài quá lâu của Mỹ. Và cuộc tấn công Munich được xem là sự cảnh báo để Châu Âu xem xét lại hệ thống chính trị và pháp lý.

Thanh Văn