Báo Công An Đà Nẵng

Tiền tỷ “phiêu” với biêu, hụi

Thứ ba, 26/06/2018 21:20

Biêu, hụi là hình thức góp vốn được nhiều người lựa chọn vì dễ tham gia và không vướng mắc bởi các thủ tục rườm rà. Việc góp biêu, hụi chủ yếu dựa trên lòng tin nên thiếu cơ sở pháp lý, tạo điều kiện cho kẻ xấu lợi dụng để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Mới đây, Cơ quan CSĐT CAH Núi Thành (Quảng Nam) tiếp nhận nhiều đơn tố cáo bà Trần Thị Nở (34 tuổi, trú xã Tam Quang, Núi Thành) có dấu hiệu lừa đảo thông qua hình thức “góp biêu”. Qua trao đổi với các nạn nhân, hiện tại bà Nở còn nợ tiền góp biêu và vay, mượn của nhiều người hơn 3 tỷ đồng.

Nạn nhân kéo đến nhà cái biêu đòi nợ gây mất ANTT tại địa phương.

Thời gian qua, làng biển Tam Quang liên tiếp xảy ra nhiều vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua các hình thức góp biêu, hụi và vay, mượn hàng chục tỷ đồng. Đến nay, vụ việc vẫn chưa được giải quyết do các đối tượng mất khả năng chi trả. Điều đáng nói, việc góp biêu, hụi thiếu các chứng từ pháp lý nên khi bà Nở không thừa nhận đã vấp phải sự phản ứng quyết liệt của người chơi. Sự việc xảy ra làm xáo trộn cuộc sống của người dân, đồng thời gây mất ANTT tại địa phương.

Theo trình bày của bà T.T.M (trú xã Tam Quang) thì bà Nở cầm cái biêu đã gần 2 năm qua. Lúc đầu chung chi rất sòng phẳng nhưng khi số lượng người chơi tăng lên, bà Nở đã tạo nhiều chân biêu ma với âm mưu chiếm đoạt tài sản của người chơi. Thời gian gần đây, trước nhiều vụ vỡ biêu, hụi xảy ra tại địa phương, người chơi đã cảnh giác hơn. Nhiều tháng qua, nhiều người quen biết không ai được rút ống nên nghi ngờ, buộc bà Nở công bố danh sách những người đã rút ống. Biết bị lộ, bà Nở trở mặt phủ nhận tất cả. “Tôi đóng 5 chân biêu trong 6 tháng là 500 triệu đồng, đồng thời cho bà Nở vay 1,2 tỷ đồng. Sau khi sự việc bại lộ, bà Nở chỉ thừa nhận mượn 1,2 tỷ đồng vì có giấy viết mượn tiền, còn 500 triệu đồng tiền góp biêu thì bà ta không nhận bởi không có giấy tờ chứng minh. Bức xúc trước việc đó, tôi liên tiếp gây áp lực thì bà Nở thừa nhận, tôi lấy sổ đỏ 1 căn nhà (trị giá khoảng 600 triệu đồng), buộc bà Nở viết giấy mỗi năm sẽ trả 100 triệu đồng cho đến khi hết nợ, nếu không trả đúng hẹn sẽ xiết con tàu (trị giá khoảng 600 triệu đồng) và căn nhà còn lại (khoảng 400 triệu đồng).

Còn chị H.T.T (trú xã Tam Quang) tâm sự, xưa nay người chơi biêu ở xã Tam Quang ít có chứng từ gì chứng minh. Đến ngày, người chơi sẽ mang tiền đến nộp cho cái biêu, lúc rút ống thì viết giấy xác nhận đã nhận tiền. Khi sự việc vỡ lở, bà Nở nói: “Tôi không hề nhận tiền góp biêu của ai hết, mọi người đừng có vu khống, có chứng cứ gì thì đưa ra”. “Riêng tôi góp 4 chân biêu trong 6 tháng, cộng tiền cũ thì tổng số tiền bà Nở nợ là 360 triệu đồng nhưng bà ta không thừa nhận. Tôi đi gõ cửa các cơ quan chức năng nhưng không nhận được kết quả vì không có giấy tờ chứng minh. Chúng tôi đành dùng biện pháp cứng rắn, lúc đó bà ta thừa nhận, ra điều kiện sẽ trả một phần trong tổng số nợ vào đầu tháng 7 vì hiện tại đã mất khả năng chi trả” - bà T. kể lại.

Giấy tờ ghi chép biêu hụi thiếu cơ sở pháp lý khi xảy ra vỡ hụi.

Cùng thủ đoạn trên, trước đó tại làng biển Tam Quang liên tiếp xảy ra 2 vụ vỡ biêu, hụi khi chủ hụi ôm gần 10 tỷ đồng bỏ đi đâu không rõ. Khi phát hiện sự việc, người chơi kéo đến nhà cái biêu đòi nợ gây mất ANTT tại địa phương. Vừa qua, tại TP Tam Kỳ (Quảng Nam) xảy ra vụ vỡ biêu lớn, theo các nạn nhân, số tiền góp biêu cho bà T. (chủ đại lý gạo L.T tại TP Tam Kỳ) có thể lên đến hàng chục tỷ đồng. Khác với những vụ việc trên, số tiền góp biêu hằng tháng bà T. đều cho nhân viên đến thu hoặc chuyển khoản nên thiếu cơ sở pháp lý, bà T. cũng không thừa nhận. Theo trình bày của chị H.T.V (32 tuổi, chủ đại lý V.C tại TP Tam Kỳ), đến ngày đóng biêu thì bà T. cho nhân viên đến thu tiền, nếu chưa giao đủ thì chuyển khoản nên trong sổ ghi chép chỉ có chữ ký của nhân viên. Khi sự việc xảy ra, chị V. nộp đơn tố cáo cùng sổ ghi chép lên cơ quan chức năng thì được cho là thiếu cơ sở pháp lý, cần phải xác minh làm rõ.

Ngày 22-6, trao đổi với P.V, Thượng tá Huỳnh Văn Công - Phó trưởng CAH Núi Thành cho biết, đơn vị đã tiếp nhận đơn tố cáo của nạn nhân về việc bà Trần Thị Nở có dấu hiệu lừa đảo thông qua hình thức “góp biêu”. Hiện đơn vị đang xác minh, làm rõ các nội dung trong đơn. Cũng theo Thượng tá Công, việc góp biêu, hụi nếu có chứng từ ghi chép, ký nhận của cái biêu thì dễ dàng giải quyết. Tuy nhiên, nếu không đủ chứng cứ, đối tượng không thừa nhận thì cũng không có cơ sở để xử lý.

Thiết nghĩ, qua nhiều vụ vỡ biêu, hụi trên địa bàn, người dân cần nâng cao cảnh giác với các thủ đoạn tương tự để tránh những rủi ro đáng tiếc xảy ra. 

LÊ VƯƠNG