Báo Công An Đà Nẵng

Tiếng chuông rúng động

Thứ ba, 05/08/2014 06:35

(Cadn.com.vn) - Cho đến trước ngày hôm qua (4-8), tức là trước khi Cơ quan CSĐT CATP Hà Nội chính thức công bố quyết định khởi tố hai đối tượng trong vụ mua bán trẻ em ở chùa Bồ Đề, Q. Long Biên, TP Hà Nội, thì hơn một lần đại diện chính quyền địa phương đã lên tiếng bác bỏ sự việc, rằng đó chỉ là tin đồn. Thế nhưng, khi sự thật ngày càng hé lộ rõ ràng hơn, dư luận không khỏi bàng hoàng, phẫn nộ: Tội ác đã diễn ra tại cửa thiền!

Chiều 4-8, Cơ quan CSĐT CATP Hà Nội đã ra Quyết định khởi tố bị can đối với Nguyễn Thị Thanh Trang (1978, trú Hà Nội, là người nuôi trẻ mồ côi tại chùa Bồ Đề) và Phạm Thị Nguyệt (1979, trú Ninh Bình) để điều tra hành vi mua bán trẻ em theo Điều 120, Bộ luật Hình sự. CA Hà Nội cũng đã triệu tập một số đối tượng khác để lấy lời khai.

Trước đó, vào chiều 1-8, Cơ quan CSĐT nhận được đơn tố giác của anh Nguyễn Thành Long (trú tại Khu đô thị Việt Hưng, Giang Biên, Long Biên, Hà Nội) về việc cháu Cù Nguyên Công, cháu bé mà anh Long vẫn thường xuyên tiếp xúc, đón ở chùa Bồ Đề về nhà chăm sóc, bị mất tích.

Ngay sau khi tiếp nhận thông tin, Phòng CSĐTTPVTTXH đã phối hợp với CAQ Long Biên tiến hành điều tra. CQĐT xác định Trang có nhận của Nguyệt 35 triệu đồng để bán cháu Công. Trang đã câu kết, bàn bạc để tìm cách đưa cháu Công vào chùa rồi sau đó tìm cách đưa đứa trẻ ra ngoài chùa, bán cho Phạm Thị Nguyệt. Để thực hiện hành vi này, Trang đã liên lạc với chị Trần Thị Thu Hà (1979, trú Phú Thọ, mẹ của bé Công).

Theo lời khai của Phạm Thị Nguyệt, cháu Công bị bán vào ngày 11-1-2014 và đã bị chết vào ngày 27-6-2014. CQĐT đang tiến hành xác minh, nếu cần thiết sẽ tiến hành khai quật để giám định, làm rõ xem cháu bé đã chết có phải là bé Công.

Cũng theo cơ quan CA, việc nuôi trẻ em ở chùa Bồ Đề là không hợp pháp. Nhà chùa không có chức năng để nuôi trẻ nhỏ. Các ban, ngành đã họp rất nhiều lần với chùa Bồ Đề. Cơ quan CSĐT cũng đã mời trụ trì chùa này là Ni sư Thích Đàm Lan đến làm việc. Về các bé hiện đang được nuôi tại chùa Bồ Đề, CQĐT sẽ họp bàn với các ban, ngành liên quan để có giải pháp cụ thể, hợp lý.

Cho đến lúc này, ngoài việc điều tra làm rõ hành vi của các đối tượng, thì điều quan tâm hơn cả chính là số phận của cháu Cù Nguyên Công. Căn cứ theo lời khai nói trên, thì khoảng 5 tháng sau khi bị bán, cháu bé đã chết.

Nếu lời khai đó là thật (cầu mong không phải thế), thì ắt hẳn, phía sau đó còn có điều gì khác nữa, không loại trừ một tội ác tiếp theo tội ác đã diễn ra tại chùa Bồ Đề ngày 11-1-2014. Phía sau số phận của cháu Cù Nguyên Công, trong bao nhiêu năm qua, với những đối tượng sẵn sàng bán rẻ cái tâm của mình lẫn mạng sống của trẻ em tồn tại ở đó, liệu còn cháu bé nào khác ở chùa Bồ Đề rơi vào hoàn cảnh tương tự hay không?

Thật rùng rợn khi nghĩ đến vế trả lời cho những câu hỏi nêu trên, nhưng nơi mà tội ác đã lộ diện, thì không thể bỏ qua bất cứ khả năng nào. Nó cũng đồng thời đặt ra một câu hỏi lớn khác, rằng ngoài chùa Bồ Đề ra, hoạt động nuôi trẻ mồ côi diễn ra ở rất nhiều nơi khác, với hàng trăm tổ chức, trung tâm khác nhau, với hàng nghìn trẻ em ngây thơ, vô tội, phó mặc hoàn toàn số phận vào lòng tốt của người nuôi chúng, liệu các cháu bé có phải đối mặt với những kẻ như Trang, Nguyệt hay không? Lại xin một lần nữa khẩn cầu, rằng đây chỉ là một giả định chứ không phải là sự thật.

Tất nhiên, không ai có thể lấy sự việc ở chùa Bồ Đề hiện nay hay các sự việc trước đây để từ đó phán xét hoạt động nuôi trẻ mồ côi, một hoạt động đầy ắp lòng từ bi, nhân ái, cao thượng... Thế nhưng, làm sao yên tâm được, khi ngay mới đây, nhiều cán bộ có trách nhiệm của Q. Long Biên vẫn còn lên tiếng như thể chưa có việc gì xảy ra – ranh giới giữa tin tưởng với chủ quan thật mong manh khó đoán! Và rằng, tội ác đã diễn ra chính ở cửa thiền thì cũng khó tìm được lý lẽ nào chứng minh rằng nó không thể diễn ra ở nơi khác.

Dư luận đã bao lần choáng váng, phẫn nộ với cách thức người lớn đối xử tàn tệ với trẻ em ở điểm trông giữ trẻ. Người ta sẵn sàng đánh đập dã man, thậm chí dẫn đến chết những đứa trẻ luôn được cha mẹ đưa đón, hỏi han hằng ngày. Còn những đứa trẻ mồ côi, ai là người sẽ biết chúng được (hay bị) đối xử ra sao, ai là người đứng ra bảo vệ chúng nếu xảy ra điều tương tự?

Tất nhiên, ai cũng có quyền kỳ vọng vào lòng tốt của con người, thế nhưng, hàng loạt sự việc diễn ra thời gian qua cho thấy, sự kỳ vọng ấy đôi khi lại trở nên mong manh vô cùng tận. Bởi lẽ, không phải ở đâu lòng tốt của con người cũng ngự trị, ngay cả ở nơi vốn được xem là thiêng liêng nhất.

Có thể nói, câu chuyện ở chùa Bồ Đề và số phận cháu Cù Nguyên Công đã gióng lên tiếng chuông rúng động. Sau tiếng chuông đó là gì? Tội ác bị soi rọi dưới ánh sáng pháp luật và đạo lý, lòng tốt của con người lên ngôi, ngự trị ở tất cả các trung tâm nuôi dạy trẻ mồ côi, hay chỉ đơn giản là gợn nên cơn sóng dư luận nhất thời?

Tất cả đều phụ thuộc vào nhận thức và hành động, không phải ai khác, chính là mỗi người trong xã hội hôm nay, tuyệt nhiên không chỉ là đại diện chính quyền hay các cơ quan chức năng, những người không phải bao giờ cũng biết hết những điều diễn ra trong xã hội.

Nguyễn Lê