Tiếng hát - khúc hát gửi một người
(Cadn.com.vn) - Nhà thơ Đàm Khánh Phương sinh năm 1943 tại Vân Đình-Hà Tây (cũ), quê hương của dòng tộc Dương tài hoa (Dương Khuê), hiện nay, sống và viết tại Hà Nội, là Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Hơn 50 năm làm thơ, đã xuất bản 3 tập thơ riêng và đoạt nhiều giải thưởng văn chương do các hội văn học nghệ thuật và các ngành, các cấp tổ chức... Đàm Khánh Phương bền bỉ yêu và bền bỉ làm thơ, đôi khi lóe sáng những cách tân mới mẻ, nhưng trước sau ông vẫn là nhà thơ dung dị, chân thành và hoài niệm như một thế hệ làm thơ cùng thời đã trải qua những bão táp của chiến tranh, của biến động xã hội.
Tiếng hát của Đàm Khánh Phương bắt đầu từ lời ca dao buồn: Mấy đời bánh đúc có xương/ Mấy đời dì ghẻ mà thương con chồng. Không phải ngẫu nhiên mà người viết bài thơ này dẫn lại câu ca xưa. Câu ca ấy phản ánh thân phận của những cảnh đời dạt trôi khi phải sống cảnh mẹ ghẻ con chồng. Văn chương từng có những trang đẫm nước mắt về các cuộc đời như thế! Đó là Những ngày thơ ấu của Nguyên Hồng, nói như Thạch Lam, “đây là sự rung động cực điểm của một linh hồn trẻ dại” đối với người mẹ đi bước nữa. Đó là nỗi lòng và tâm trạng của Nguyễn Thị Mai trong Nói với con chồng, một tâm trạng, một đợi chờ được sẻ chia, được yêu thương đối với người con gái riêng của chồng:
Dì không mang nặng đẻ đau
Đứt dây mà xót thương bầu, bí ơi!
Kệ cho bánh đúc mấy đời
Người ăn người lại nói lời nghiệt cay
Sang ngang một chuyến đò đầy
Sông sâu run cả vòng tay đôi bờ
Đêm nay cánh cửa khép hờ
Dì không ngủ được nằm chờ bước con.
Bài thơ khép lại, như “cánh cửa khép hờ”, vẫn chưa có bước chân bước qua, vẫn còn sự chờ đợi:
Sao con chẳng thể xưng con
Cho dì cảm thấy ấm hơn căn nhà?
Cứ lầm lũi bước vào, ra
Cho dù tủi phận mẹ gà con... ngan…
Tiêng hát của Đàm Khánh Phương lại khác. Cả bài thơ là những lời thoại, nói với người đã khuất, rằng là, không may cho chồng và con, chị lìa cõi thế. Em là người đến thay chị, “sớm tối em về che nắng mưa”. Bài thơ trong trẻo như tiếng hát. Có lẽ cũng không thể nào khác hơn. Lời thơ nhã, có trên có dưới, trọng mà lại thật lòng, kính mà không đãi bôi, ngọt nhạt. Cái thật của tấm lòng hiện ra trong cái thật của câu chữ. Phải có một lòng yêu người, yêu đời,… mới có lời thơ ấy. Thật chí nghĩa chí tình! Mạch thơ được tiếp nối như lời phân bua về lẽ đời xưa nay, vẫn thường diễn ra trong cuộc sống, nghĩa là không có chuyện mẹ ghẻ yêu con chồng. Nêu lại chuyện đời cũng để nói chuyện nhà, nói chuyện thế gian cũng để bày tỏ chuyện gia đình, từ đó khẳng định sự bao dung, khẳng định tình thương...
Bài thơ Tiếng hát, như tên gọi, là khúc hát của một người gửi một người, của trần gian gửi cho cõi khác. Câu chuyện ngập tràn tình yêu, ngập tràn hạnh phúc, niềm tin vào lẽ đời, lẽ trời, ánh lên sự tin cậy, lạc quan, như một câu thơ của tác giả "Khát khao còn tiềm ẩn tận bên trong".
Huỳnh Văn Hoa
Tiếng hát
Mấy đời bánh đúc... (Ca dao) Tháng bảy rằm này nhờ hương khói Gửi về dưới chị mấy lời thưa Từ khi vắng chị nhà trống giột Sớm tối em về che nắng mưa
Ơn giời các cháu dần khôn lớn Hai chị em ta sắp sửa bà Thương em con nó càng nhớ chị Sáng lại nét cười trong mắt cha
Bánh trái ai dè nỡ vướng xương Lời xưa thầm trách kẻ hẹp đường Trẻ thơ lỡ tuột vòng tay mẹ Đã đến tay mình ai nỡ buông
Chị cứ bình yên ở dưới này Cuộc đời như chiếc lá thu bay Ru con chị hát ngàn năm trước Nâng cháu giờ em xin đỡ tay. Đàm Khánh Phương |